Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Phước tăng 10,25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng ngành chăn nuôi tăng trưởng ấn tượng với 25,4%. Đây là mức tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất trong cả nước.
Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024” mới diễn ra gần đây, các đại biểu đã có những nhận định về cơ hội, tiềm năng và cả những giải pháp để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Phước phát triển.
Những nhiệm vụ trọng tâm, ngành trọng điểm
Theo Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22-10-2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã định hướng phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (heo, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ. Đồng thời có 3 giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao.
Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đến năm 2030 phấn đấu nâng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 10.800 ha; tỷ lệ trang trại chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; hình thành ít nhất 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 đến 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 - 2.000 ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc NN-PTNT Bình Phước cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của tỉnh. Để từng bước nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Mặt khác giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
"Để đạt những mục tiêu trên, Bình Phước không chỉ kêu gọi, mà còn “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư trong ngoài nước đến Bình Phước đầu tư, chú trọng các ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, tái chế phụ phẩm nông nghiệp như tinh dầu từ vỏ điều, hàng thủ công mỹ nghệ, giết mổ gia súc, gia cầm…
Kêu gọi, thu hút đầu tư Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, vi sinh dự kiến 56 ha tại huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh; Nhà máy sơ chế, đóng gói, kho lạnh, chế biến trái cây diện tích 54 ha tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh; Nhà máy cơ khí, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất nông nghiệp khoảng 1.000 ha tại Bù Gia Mập", ông Luân nhấn mạnh.
Cơ hội vàng phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á nhận định: “Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
Khí hậu thuận lợi càng khẳng định Bình Phước là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU”.
Ông Gabor Fluit cho rằng, với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn
Cũng tại diễn đàn, ông Sergio Pereira da Silva, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha - Việt Nam, Phó Chủ tịch Tiểu ban phát triển xanh EuroCham phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh tỉnh Bình Phước đã đề ra Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, thể hiện những nỗ lực to lớn cho con đường bền vững, hướng tới thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có nền kinh tế công nghiệp sạch vào năm 2050. Đồng thời, chúng tôi đánh giá cao định hướng phát triển của tỉnh Bình Phước hướng tới năng lượng tái tạo, ưu tiên các nguồn tài nguyên khổng lồ và tiềm năng kinh tế cao như năng lượng mặt trời. Với tổng số giờ nắng khoảng 2500 giờ/năm, Bình Phước có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời với những dự án quy mô lớn hàng nghìn MW đang vận hành, và vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục khai thác.
"Với những tiềm năng to lớn, chúng tôi tin Bình Phước sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Để đạt được điều này, chúng tôi khuyến nghị Bình Phước nên sớm định vị tỉnh là bên tiêu dùng chứ không chỉ là nhà sản xuất năng lượng tái tạo, và nên sớm thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới. Tăng trưởng kinh tế và tính bền vững có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau”, ông Sergio Pereira da Silva, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha - Việt Nam, Phó Chủ tịch Tiểu ban phát triển xanh EuroCham.