Diễn đàn được tổ chức chiều ngày 12/3 tại Bình Phước với sự tham gia của gần 360 đại biểu trong nước và quốc tế.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), như: Heineken, De Heus, Big Dutchman, Phileo by Lesaffre, Kilimo, Logwin Air and Ocean, Stolz Asia, The Fruit Republic, Biodevas, Lallemand, Hùng Nhơn Aust Export… và các doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham).
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Đây là cơ hội để tỉnh Bình Phước giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Phước, giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng chia sẻ đến các nhà đầu tư về những điều kiện thuận lợi mà nhà đầu tư nhận được khi đến với địa phương. Hiện có hơn 80% thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, Bình Phước đang thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt”. Đó là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt. “Bình Phước xác định mục tiêu hướng đến là đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phục vụ, làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, trong đó có EuroCham”, bà Trần Tuệ Hiền chia sẻ.
Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc De Heus châu Á, Bình Phước có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
“Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU”, ông Gabor Fluit khẳng định.
Chia sẻ trên cương vị đồng tổ chức Diễn đàn, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch VIDA kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết mục đích của Diễn đàn là góp phần tăng cường sự đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng số hóa.
“Đặc biệt, qua Diễn đàn lần này, các chuyên gia trong EuroCham có các đề xuất giải pháp giúp Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng đảm bảo tính khả thi về nguồn lực tài chính, đồng bộ các chính sách để phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào 2050”, ông Vũ Mạnh Hùng nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đánh giá Bình Phước có lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, tỉnh có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng, EU là đối tác vô cùng quan trọng với Việt Nam, bởi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng đứng thứ 3 của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022.
Hiệp định EVFTA được ký kết, các mặt hàng nông sản như tiêu điều được hưởng thuế suất ưu đãi khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU đang có bước tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Năm 2019 kim ngạch đạt 3,167 tỷ USD đến năm 2022 đạt tới 4,934 tỷ USD.
Các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực về tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam; hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến vận tải, hậu cần, đảm bảo lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Ngoài ra, EuroCham còn có các thành viên trong lĩnh vực phát triển xanh, một lĩnh vực mới nổi giúp đặt ra các tiêu chuẩn mới, nâng cao ý thức về môi trường và nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam. “Sự hiện diện của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn góp phần đóng góp tích cực hơn vào kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Ngoài đơn vị chủ trì là UBND tỉnh Bình Phước, Diễn đàn còn có sự đồng chủ trì của Bộ NN-PTNT, EuroCham, VIDA. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn được phối hợp thực hiện bởi Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA).
Diễn đàn nhận được sự tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, tài trợ Kim cương là các tập đoàn: Hùng Nhơn, De Heus, KCN Becamex Bình Phước và KCN Minh Hưng Sikico. Tài trợ Vàng gồm: Công ty TNHH CPV Food, Big Dutchman Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Công ty Xây dựng Minh Anh.