| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận sản xuất lúa ‘1 phải 6 giảm’

Thứ Năm 07/11/2024 , 08:47 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đang xây dựng các mô hình khuyến nông chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo hướng tới giảm phát thải carbon.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KS.

Để thực hiện Kế hoạch số 4517 ngày 20/11/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tập trung tập huấn, tuyên truyền và xây dựng các mô hình khuyến nông chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo.

Điển hình như các mô hình canh tác lúa bền vững SRP dựa trên nền tảng “1 phải, 5 giảm”: Phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch. Cùng với đó, triển khai ứng dụng chuyển đổi số, ghi chép nhật ký sản xuất điện tử cho người trồng lúa giúp minh bạch hoá quá trình sản xuất; thông qua hệ thống tem nhãn xây dựng thương hiệu xanh và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, năm 2024, Trung tâm tổ chức hơn 90 lớp (mỗi lớp 30 người) tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP và áp dụng nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất nguồn gốc tại 5 huyện gồm Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Đồng thời xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương tại các "cánh đồng không dấu chân" với quy mô 160ha và mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao như Đài thơm 8, ST25, Bắc Thịnh… với quy mô hơn 50ha.

Mô hình trình diễn sản xuất lúa tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh. Ảnh: KS.

Mô hình trình diễn sản xuất lúa tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh. Ảnh: KS.

“Chúng tôi hướng dẫn bà con sản xuất lúa theo đúng quy trình đề ra, trong đó áp dụng sạ cụm theo hàng, lượng giống trung bình 100kg/ha. Giảm lượng nước tưới bằng cách áp dụng phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ 5 giai đoạn. Giảm phân bón bằng việc thực hiện bón cân đối, hợp lý và sử dụng bảng so màu lá lúa để kiểm soát việc bón thừa phân đạm.

Về giảm thuốc BVTV, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chỉ phun thuốc BVTV khi cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV nguồn gốc hữu cơ. Giảm thất thoát sau thu hoạch bằng cách thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Không phơi lúa trên đường mà sử dụng phương pháp sấy lúa để đảm bảo chất lượng hạt lúa. Bảo quản hạt lúa ở độ ẩm không quá 14%.

Ngoài ra, chúng tôi còn hướng nông dân sản xuất lúa giảm phát thải”, ông Sơn chia sẻ. Cũng theo ông Sơn, nông dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang phải đối mặt trực tiếp với các tác động của khí hậu cực đoan. Việt Nam đang trên hành trình phải tham gia hành động để cắt giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy tỉnh Bình Thuận xác định góp phần triển khai định hướng này trong sản xuất lúa thông qua giải pháp “1 phải, 6 giảm” (tức "1 phải 5 giảm" và áp dụng thêm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính).

Nông dân hào hứng với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Nông dân hào hứng với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Kết thúc vụ mùa năm 2024, cơ quan chuyên môn sẽ đo đạc lượng giảm phát thải trong mô hình được thực hiện tại xã Phan Hoà (huyện Bắc Bình). Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, đến nay, các mô hình sản xuất lúa đang giai đoạn trỗ, sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.

Bên cạnh đó, tất cả các mô hình sản xuất lúa trên đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân ứng dụng ghi chép nhật ký điện tử trên app "Nông nghiệp số Bình Thuận" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Từ đó, giúp nông dân minh bạch hoá quá trình sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc lúa gạo, sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu xanh.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Trâu béo khỏe đẻ giỏi nhờ phòng bệnh từ sớm từ xa

THÁI NGUYÊN Nhận hỗ trợ trâu sinh sản chưa đầy một năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở huyện Đại Từ đã chào đón thêm chú nghé khỏe mạnh, lanh lợi.

Nhà khoa học nữ dành trọn đam mê với cây lúa

QUẢNG NINH Với 35 năm gắn bó với ruộng đồng, nữ kỹ sư Trần Thị Hồng đã dành trọn đam mê cho từng hạt lúa, mang đến những giống mới có năng suất, chất lượng cao.