Trong phần chất vấn cuối của lĩnh vực công thương sáng 5/6 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho biết, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu, hiện tượng Elino tác động đến khí hậu toàn cầu, diện tích canh tác giảm, cạnh tranh trong nước giữa các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo khá gay gắt, người nông dân không được hưởng lợi nhiều kể cả khi giá lúa gạo tăng.
Hiện nay, Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo được Chính phủ ban hành năm 2018 đã nảy sinh nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Công thương cho biết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi những nội dung nào, khi nào trình Chính phủ ban hành Nghị định để giải quyết các khó khăn, rào cản, nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo được thực thi cho đến nay đã bộc lộ một số bất cập nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi và cho đến nay, Bộ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 107.
Tinh thần sửa đổi Nghị định 107 tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê, hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ và chế tài xử lý cao, mang tính răn đe nhằm phục vụ tình trạng thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo.
Thứ hai là sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời gian hậu kiểm của các Sở Công thương sau khi được nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Như vậy, quy định này tăng cường trách nhiệm của địa phương.
Thứ ba là sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, hiệu quả trong thực thi chính sách.
Thứ tư là bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, ban hành chương trình phát triển hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại riêng đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Thứ năm là bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo thì mới thực hiện được việc này.
Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo vào Philippines
Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công thương) dẫn số liệu từ Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, năm tháng đầu năm 2024 nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines.
Từ ngày 1/1 đến 23/5 gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của quốc gia này. Sau Việt Nam là Thái Lan, Pakistan, Myanmar...
Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn. Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm.
Hiện nay gạo Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp.