| Hotline: 0983.970.780

Khi doanh nghiệp 'phá giá' gạo xuất khẩu: Lo ngại đã xuất hiện

Chủ Nhật 02/06/2024 , 14:41 (GMT+7)

Trong chưa đầy nửa năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu chủ lực.

Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chốt phiên ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vừa tiếp tục giảm thêm 4 USD so với phiên liền kề, xuống còn 574 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Ghi nhận cùng thời điểm, giá gạo tương tự của Thái Lan là 620 USD/tấn, Pakistan là 593 USD/tấn; lần lượt cao hơn 46 USD/tấn và 19 USD/tấn so với giá gạo của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Còn nếu so sánh với hôm 21/5 - thời điểm Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 15 USD/tấn trong không đến nửa tháng.

Đây cũng chính là phiên mở thầu mà CTCP Tập đoàn Lộc Trời của Việt Nam trúng thầu do bỏ giá thấp nhất so với các đối thủ quốc tế. Trong 11 lô gạo tương đương 300 nghìn tấn được Bulog gọi thầu, doanh nghiệp Việt Nam chào thầu có mức giá thấp nhất là 564,5 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Còn giá chào thầu của các doanh nghiệp Myanmar và Pakistan là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn...

Như trên, so sánh để thấy, mức giá chào thầu thấp nhất của doanh nghiệp Việt Nam chênh lệch tới hơn 90 USD/tấn so với các đối thủ. Và ngay cả khi so với mức giá gạo xuất khẩu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố - mức giá của Lộc Trời cũng thấp hơn tới 25 USD/tấn.

Cuối năm 2023, đã có thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn đến 90 USD/tấn so với gạo Thái. Nguồn: Người viết tổng hợp từ số liệu công bố của VFA

Cuối năm 2023, đã có thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn đến 90 USD/tấn so với gạo Thái. Nguồn: Người viết tổng hợp từ số liệu công bố của VFA

Tập đoàn Lộc Trời sau đó đã lên tiếng khẳng định, mức giá gạo xuất khẩu của đơn hàng sang Indonesia đã được tính toán kỹ lưỡng, tập đoàn có lợi nhuận và hài hòa lợi ích của nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành hay cả cơ quan quản lý là Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đều bày tỏ sự quan ngại, cho rằng hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp trên có thể đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Đề xuất áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo: Lợi có "cập" được hại?

Tại cuộc họp giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cách đây ít ngày, trước nỗi lo doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đưa ra đề xuất áp dụng trở lại giá sàn xuất khẩu gạo. VFA kỳ vọng, việc áp giá sàn sẽ ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị hạt gạo Việt.

Trên thực tế, đề xuất này cũng từng được VFA đưa ra vào năm ngoái. Tuy nhiên, ngay lập tức đã được một số chuyên gia, doanh nghiệp lớn trong ngành kịch liệt phản đối vì cho rằng đây là việc không hợp lý, không theo nguyên tắc thị trường.

Lập luận đưa ra là, giá xuất khẩu gạo Việt Nam vốn luôn biến động theo thị trường thế giới, vì vậy đề ra mức giá sàn ở một thời điểm sẽ không sát thực tế. Điều này nên để các doanh nghiệp tự tính toán, đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp.

Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, giá sàn sẽ không có giá trị gì khi giá thị trường quốc tế cao hơn mức này. Còn trong trường hợp giá thị trường quốc tế thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ tìm mua gạo của các nước có giá tốt hơn như Thái Lan, Pakistan, Myanmar, Ấn Độ..., và vô hình chung gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được.

Khi đó, giá sàn sẽ như một rào cản cấm xuất khẩu. Như vậy, làm cho người nông dân không bán được hàng, giá lúa nội địa sẽ giảm sâu. Thực tế câu chuyện này đã từng xảy ra nhiều năm trước, sau đó chúng ta đã bắt buộc phải bỏ giá sàn.

Muốn đi xa, phải đi cùng nhau...

Theo lãnh đạo VFA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký kết.

Do đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần làm tăng thêm thua lỗ.

Về lý, việc doanh nghiệp bán giá nào cũng đều là quyền tự quyết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các nhà quản lý, với cả một ngành hàng... thì lại có nhiều câu chuyện để lo ngại ở đằng sau.

Theo các chuyên gia, nếu một vài doanh nghiệp vì áp lực tài chính mà phải bán gạo giá thấp sẽ dễ "phá giá" thị trường, kéo tụt toàn bộ mức nền của cả ngành đi xuống theo. Khi các nhà nhập khẩu đã nhìn vào mức giá thấp đó làm cơ sở tham chiếu, các doanh nghiệp khác sẽ rất khó bán hàng với giá cao hơn.

Và nếu tình trạng "đại hạ giá" như trên lặp đi lặp lại nhiều lần, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị của cả một ngành hàng.

Cũng tại cuộc họp vừa qua giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp.

“Cần phải nhấn mạnh, việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo của một doanh nghiệp gạo nào đó. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn lưu ý, cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm việc của các hội và hiệp hội. Bởi chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.