Bộ phim “Bố già” khởi chiếu từ ngày 5/3, và nhanh chóng trở thành một hiện tượng phim Việt. Những kỷ lục mới liên tục được bộ phim “Bố già” thiết lập như, doanh thu 100 tỷ đồng sau 4 ngày ra rạp, doanh thu 200 tỷ đồng sau 9 ngày ra rạp, doanh thu 300 tỷ đồng sau 20 ngày ra rạp, và doanh thu 400 tỷ đồng sau đúng 1 tháng ra rạp.
Với 400 tỷ đồng đã có được sau 1 tháng chinh phục thị trường, bộ phim “Bố già” đã vượt xa kỷ lục doanh thu 200 tỷ đồng của bộ phim “Hai Phượng” cách đây 2 năm. Doanh thu 400 tỷ đồng, tương đương 5,3 triệu vé xem phim đã được bán ra, nghĩa là gần 6% dân số Việt Nam đã bỏ tiền để thưởng thức “Bố già”.
Con số bất ngờ ấy, khiến không ít người lạc quan tin rằng trong tương lai không xa thì sẽ có phim Việt cán mốc 1.000 tỷ đồng. Ước mơ rất cao đẹp kia xuất hiện thì cũng là lúc phải suy ngẫm nghiêm túc hơn về chất lượng nghệ thuật thứ bảy nước nhà.
Công chúng chú ý đến bộ phim “Bố già” trước hết là nhờ sự nổi tiếng của danh hài Trấn Thành. Sau nhiều năm chiếm lĩnh các game show truyền hình, danh hài Trấn Thành trở thành cái tên ăn khách bậc nhất show biz Việt. Tuy nhiên, doanh thu 400 tỷ đồng của bộ phim cũng có một nguyên cớ quan trọng khác. Đó là bộ phim “Bố già” đã ra rạp đúng lúc dịch Covid-19 được kiểm soát. Sau một năm đóng cửa các hoạt động cộng đồng, công chúng thèm khát giải tỏa tâm lý được giải trí, và bộ phim “Bố già” là chọn lựa thú vị đầu tiên.
Bộ phim “Bố già” có sự góp mặt của các nghệ sĩ Ngọc Giàu, Lan Phương, Hoàng Sơn, Hoàng Mèo, Lê Giang, La Thành… Dàn diễn viên tương đối có nghề, nhưng cũng sẽ không là gì trong mắt khán giả, nếu Covid-19 không cản trở những siêu phẩm Hollywood có mặt tại Việt Nam cùng thời điểm.
Vai chính Ba Sang do Trấn Thành thể hiện, lấy được nước mắt khán giả, nhưng vẫn thấy bóng dáng của một danh hài. Hóa trang cho nhân vật Ba Sang chưa thật, cộng với lối diễn hơi cương của Trấn Thành, khiến vai chính nhiều chất sân khấu hơn chất điện ảnh.
Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đánh giá: “Bộ phim khắc họa cuộc sống của một gia đình lao động nghèo, trong một ngõ phố nghèo, nơi có sự dung hợp và cả sự xô đẩy, va đập, thậm chí xung đột trong cách nghĩ, cách sống của hai, ba thế hệ (ông Ba Sang, Quắn, bé Bù Tọt, Hai Giàu, Sang, Cẩm Lệ, Tư Phú...).
Lối tả thực mạnh mẽ, ào ạt, thô ráp, “dưới đáy”, với sự trợ lực của công nghệ hình, tiếng hiện đại đã gây ấn tượng mạnh, rất mạnh, "rất Sài Gòn", khác rất nhiều (rất xa) với nhưng phim chủ đề gia đình về cảnh sống của thị dân Hà Nội (nhẹ nhàng, suy tư, nhiều lối mòn, dù có kịch tính).
Người xem không chỉ xem, mà như được nhập cuộc, trải nghiệm cùng nhân vật và đời sống thực. Phim dài, có thể rút bớt dung lượng nhưng không sa đà, không câu khách nhờ vào "mảng tối "của xã hội (như phim “Bụi đời Chợ Lớn” và không ít phim khác). Cái được khá rõ là tình người, kể cả nơi khổ cực, ngột ngạt, cả những người đã bị tha hóa...
Đây là phim khá, mới, kịch bản, đạo diễn và dàn diễn viên đều tay, có mặt chắc tay. Tuy nhiên, không nên xếp ở mức cao hơn. Doanh thu là thành công nổi bật nhất, nhờ quảng bá tốt, sớm, bài bản, nhưng không có nghĩa là phim xuất sắc. Không ít người xem đến rạp vì "thần tượng" của mình, nhưng ở lĩnh vực khác, có người theo xu hướng, có người tò mò”.
Đạt doanh thu 400 tỷ đồng là một động lực lớn để ê-kip làm phim hào hứng đưa “Bố già” ra thị trường quốc tế. Trước mắt, bộ phim “Bố già” đã có được thỏa thuận công chiếu tại Singapore và Malaysia từ ngày 22/4.