| Hotline: 0983.970.780

Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT bắt tay ngay vào việc

Thứ Hai 19/07/2021 , 14:24 (GMT+7)

Chiều 19/7, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tại đầu cầu hai miền, nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu ý kiến tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu ý kiến tại cuộc họp.

Thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng an toàn

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh thành cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.HCM. "Không thể để vì thiếu hụt mà xảy ra mất an toàn thực phẩm", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, các Sở NN-PTNT tại các tỉnh thành nên chú ý thực hiện xúc tiến thương mại điện tử, từ đó giải tỏa áp lực cung ứng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương và TP.HCM để tháo gỡ khó khăn tại các trạm kiểm soát.

Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ công tác và sẽ thực hiện theo dõi tình hình cung ứng nông sản suốt thời gian các tỉnh thực hiện giãn cách. "Có khó khăn gì các địa phương có thể kiến nghị với Tổ công tác để sớm tháo gỡ", Thứ trưởng kết luận.

Lâm Đồng đủ khả năng cung ứng 6.000-7.000 tấn rau/ngày

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, Sở đã liên hệ với TP.HCM để hỗ trợ nông sản cho các vùng cách ly. "Hiện nay, khả năng cung ứng mỗi ngày của Lâm Đồng cho thành phố khoảng từ 6.000-7.000 tấn rau", ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, hiện giá rau đang tăng cao chứ không có chuyện rẻ và dư thừa như một số thông tin đã đưa trước đó.

Hiệp hội bán lẻ hiến kế các chung cư nên mở thêm điểm bán hàng

Theo đại diện Hiệp hội bán lẻ, để thực hiện quy định "3 tại chỗ", các sản phẩm đóng gói chế biến bị giảm nguồn cung tới 50% (do một số nhà máy phải đóng cửa).

Phía Hiệp hội mong muốn chính quyền địa phương khi áp dụng giãn cách nên bám sát tình hình thực tiễn để chỉ đạo, không để hàng hóa ùn ở nơi sản xuất và thiếu ở nơi bán hàng.

Hiệp hội đưa ra đề xuất các khu chung cư nên mở thêm nhiều điểm bán hàng để phục vụ kịp thời nhu cầu cho nhân dân.

Hiệp hội bán lẻ đề xuất các chung cư mở thêm nhiều điểm bán hàng, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ. Ảnh minh họa: Zing.

Hiệp hội bán lẻ đề xuất các chung cư mở thêm nhiều điểm bán hàng, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ. Ảnh minh họa: Zing.

Cần có hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu cung ứng nông sản

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thu mua rau quả chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại các nhà máy sơ chế, công nhân rất lo ngại do chưa có hướng dẫn lao động trong điều kiện dịch bệnh. Thêm vào đó, các vùng bị phong tỏa dẫn đến thương lái không thể vào thu mua, tiêu thụ, làm thị trường bị thiếu hụt.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị có biện pháp, hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu như thu hoạch, nhà máy sơ chế, vận chuyển tiêu thụ.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phối hợp với các Sở NN-PTNT để hình thành chuỗi an toàn cung ứng rau củ quả.

Cần Thơ kiến nghị duy trì chợ truyền thống

Khó khăn của Cần Thơ chủ yếu là vận chuyển hàng hóa. Lý do là xe vận chuyển phải đi qua nhiều trạm kiểm soát dịch. Ngoài ra, việc chăn nuôi từ con giống, thức ăn chăn nuôi cũng khó.

Đầu cầu Cần Thơ cho biết, tỉnh kiến nghị các tỉnh, địa phương duy trì chợ truyền thống để giúp bà con nông dân tiêu thụ được nông sản.

Thứ hai, giá phân bón đang tăng quá cao, nên tỉnh khó phối hợp với Cơ quan Trung ương kiểm soát dc giá thực phẩm, duy trì sản xuất ổn định.

Thứ ba, "mô hình vận chuyển hàng hóa, con giống đi các tỉnh cần cơ chế ưu tiên", phía đầu cầu Cần Thơ góp ý.

Lý do là hiện tại một số con giống chưa thu hoạch được, cần có quy trình chung cho các tỉnh nuôi thủy sản, giúp thông thương cho các tỉnh.

"Chẳng hạn, đi từ miền Trung đến ĐBSCL phải mất quá nhiều thủ tục, chưa có một cơ chế ưu tiên, luồng xanh cho nông sản", phía đầu cầu Cần Thơ nêu dẫn chứng.

Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó do xe phải qua nhiều trạm kiểm soát. Ảnh minh họa: Trần Trung.

Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó do xe phải qua nhiều trạm kiểm soát. Ảnh minh họa: Trần Trung.

Đồng Tháp mong muốn Bộ NN-PTNT đứng ra tạo chuỗi thu mua - tiêu thụ khép kín

Đầu cầu Đồng Tháp cho biết tỉnh cố gắng kết nối các doanh nghiệp để tạo luồng đi cho nông sản. Ngoài ra, phối hợp với Cục Chế biến để tìm đầu ra cho quả nhãn.

"Đề nghị Bộ đứng ra, tạo một chuỗi thu mua, tiêu thụ khép kín cho các địa phương, giúp tiêu thụ nhanh hơn", phía Đồng Tháp cho biết. "Hiện tỉnh đang học tập kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc thu hoạch, bao tiêu đầu ra quả vải".

Trà Vinh dồi dào hàng hóa

Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh chưa có sản phẩm nào bị ứ đọng hay chưa tiêu thụ được. Vị đại diện cho biết TP.HCM nói thiếu nhưng tỉnh lại đang dồi dào hàng hóa.

Cụ thể, lúa gạo đảm bảo 70% nhu cầu tiêu thụ ngoài tỉnh, chăn nuôi đảm bảo 50% nhu cầu tiêu thụ ngoài tỉnh, thủy sản đảm bảo 60-65%.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở NN-PTNT Trà Vinh, trong thời gian TP.HCM giãn cách, việc tiêu thụ nông sản tắc nghẽn là do các lái xe không dám thực hiện vận chuyển do sợ dịch bệnh.

"Mong TP.HCM cho các tỉnh biết quy trình đưa xe nông sản tiêu thụ vào thành phố. Thêm vào đó, kiến nghị TP.HCM có kênh kết nối cung cầu tiêu thụ", vị đại diện phát biểu.

TP.HCM đã rà soát nhu cầu của người dân

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định đã rà soát nhu cầu của người dân thành phố. Theo đó, rau dự kiến thiếu khoảng 1.500 tấn, nhưng trứng chỉ thiếu khoảng 300.000-400.000 quả. Số liệu trên được thống kê thông qua 9 đầu mối kết nối.

Ngoài ra, "những xe từ miền Đông vào thành phố vẫn thuận lợi và được tạo điều kiện tối đa", ông Vũ cho biết thêm.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã rà soát xong nhu cầu nông sản của người dân thành phố. Ảnh minh họa: TTXVN.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã rà soát xong nhu cầu nông sản của người dân thành phố. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tây Ninh cung cấp 20.000 tấn rau, 40.000 tấn lúa cho TP.HCM

"Số nông sản nói trên sẽ được tỉnh Tây Ninh cung cấp cho TP.HCM trong thời gian 14 ngày tới", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết.

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Về lâu dài sẽ có ách tắc sản xuất do các nhà máy đóng cửa. Dự báo hàng hóa sẽ bị thiếu. Tỉnh đã động viên bà con tiếp tục sản xuất.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định sẽ làm việc với Bộ Công Thương để cấp luồng xanh, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản.

TP.HCM cố gắng trung chuyển hàng hóa không cần thông qua chợ đầu mối

Để làm được điều này, thành phố dự kiến kết nối với các HTX tại các tỉnh thành để trung chuyển hàng hóa nhanh chóng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cố gắng mở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết, từ nay đến cuối năm, Đồng Nai sẽ làm việc với TP.HCM để khi các chợ đầu mối mở lại sẽ thông tin chi tiết chính xác cho tiểu thương. 

Tỉnh Đồng Nai cũng tích cực điều phối thông tin nông sản thừa thiếu, chú trọng việc phòng ,chống dịch trong các cơ sở giết mổ.

Về phía TP.HCM, theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, sở đã đề xuất việc đặt hàng online thông qua Bưu điện Thành phố.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM.

"Hiện nay, thành phố ưu tiên tiêm vacxin cho hơn 300 nhân viên cơ sở giết mổ trên địa bàn, do đó có thể đảm bảo nhu cầu về thịt", ông Hiệp cho biết.

Tuy nhiên, nhu cầu của người dân TP.HCM vẫn thiếu khoảng 3 triệu trứng gà, hơn 2.000 tấn rau củ. Phân bón tăng giá dẫn đến giá rau củ quả sẽ tăng 10%. Thức ăn chăn nuôi cũng tăng nên giá thịt gia súc sẽ tăng nhẹ.

5 việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh 5 việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản.

Một là, cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh có 2 nhiệm vụ để cung ứng sản xuất: Thứ nhất phải đảm bảo cung ứng cho địa bàn, thứ hai là tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM.

Hai là, các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu 1 cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên dính Covid-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng. Các tỉnh cần rà soát lại, đặc biệt là TP.HCM.

Ba là, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vậy thì các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất.

Bốn là, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản. Nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước.

Năm là, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và lưu thông đang thiếu hụt, cần phải tháo gỡ sớm.

Đầu cầu tại Bộ NN-PTNT (Hà Nội).

Đầu cầu tại Bộ NN-PTNT (Hà Nội).

***

Theo Bộ NN-PTNT, tại TP.HCM, giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 đều tăng so với các tháng trước đó.

Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước, trong đó rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm (bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%).

Trong khi đó, giá thịt các loại có xu hướng giảm (thịt heo giảm 1,92%; thịt bò giảm 0,75%), giá các loại trứng tăng 2,36%-3,41%, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 6%-20% vì lượng thủy hải sản tươi về chợ bình quân giảm 10% so tháng trước.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP.HCM ước tính khoảng 10 triệu người. Cụ thể: Các doanh nghiệp bình ổn thị trường: chiếm 30% - 40% thị phần. Thương nhân các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% -70% thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Để thực hiện công tác phòng, chống dịch, trong trường hợp cần điều chuyển hàng hóa bằng các kênh giao dịch phù hợp, để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn, Bộ NN-PTNT khuyến cáo chuyển dịch năng lực cung ứng.

Người dân TP. HCM hiện chủ yếu mua thực phẩm tại các siêu thị. 

Người dân TP. HCM hiện chủ yếu mua thực phẩm tại các siêu thị. 

Cụ thể: Các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 25%-30% thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 20% - 30% thị phần. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa tăng 50%.

Về các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. HCM, hiện có 2.833 tổng điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Trong số này: 106 Các siêu thị, 2.616 Hệ thống cửa hàng tiện lợi, và 111 Hệ thống các Chợ truyền thống.

Nhìn chung, người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.

Việc thu mua nông sản của các thương lái, hiện hoạt động chậm lại, thậm chí đóng cửa do dịch bệnh. Giá nhiều nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ.

Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.