| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT khuyến cáo Thái Bình gấp rút quản chặt đội tàu

Thứ Sáu 19/01/2024 , 14:09 (GMT+7)

Qua kiểm tra vào giữa tháng 1/2024, Cục Kiểm ngư nhận thấy, tỷ lệ tàu cá mất kết nối của địa phương khá lớn và cần có những biện pháp cấp bách để khắc phục.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu những điểm tồn tại trong công tác quản lý tàu cá của Thái Bình, gây khó khăn cho việc gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu những điểm tồn tại trong công tác quản lý tàu cá của Thái Bình, gây khó khăn cho việc gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thái Bình, số tàu hoạt động lắp thiết bị giám sát hành trình là 173/175 chiếc, đạt hơn 98%. Tuy nhiên, tại thời điểm Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, kiểm tra vào ngày 17/1/2024, tỷ lệ tàu mất kết nối vẫn còn tương đối cao.

Cụ thể, có đến 40 tàu mất kết nối dài ngày, tương đương hơn 23%. Trong số này, 25 tàu mất kết nối 6 tháng (hơn 14%) và 15 tàu mất kết nối 1 năm (hơn 8%).

Trước đó, trong đợt thống kê của Tổng cục Thủy sản (cũ) hồi tháng 3/2023, tỷ lệ tàu mất kết nối trên 6 tháng của Thái Bình là 13%, và mất kết nối trên 1 năm là 10%. 

Cục Kiểm ngư đánh giá, việc tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không duy trì hoạt động gây khó khăn trong việc kiểm soát của cơ quan quản lý, đặc biệt là việc kiểm soát tàu ra vào cảng chỉ định - một trong quy định bắt buộc với tàu trên 15m, theo Luật Thủy sản 2017.

Một khuyến cáo nữa được Cục Kiểm ngư đưa ra tại buổi kiểm tra, đó là nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ nhật ký ghi chép của tàu cá, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Hiện Thái Bình và một số địa phương khác triển khai việc quản lý ghi chép theo tháng. Điều này gây khó khăn cho công tác tổng hợp số liệu của từng tàu trong từng năm dương lịch. Cá biệt, một số chủ tàu còn thực hiện "hồi ký" thay vì nhật ký ghi chép, hoặc đi đánh bắt dài ngày nhưng chỉ ghi một vài ngày.

Lấy mẫu trong đội tàu 15m trở lên tại đợt kiểm tra, Cục Kiểm ngư cho biết, tỷ lệ có nhật ký khai thác của nhóm này mới khoảng trên 20%. Cục đề nghị địa phương sớm nâng cao tỷ lệ này, trước khi EC sang kiểm tra lần thứ 5, dự kiến vào tháng 5 hoặc 6/2024.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tại Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tại Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" IUU về khai thác với ngành thủy sản Việt Nam về các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, đồng thời đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.

Từ tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Thực thi pháp luật.

Dựa trên cơ sở này, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hành động như lắp đặt thiết bị theo dõi với tàu cá có chiều dài 15m trở lên; mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; xử lý các trường hợp tàu cá có hành vi khai thác IUU.

Qua các buổi làm việc với EC, Bộ NN-PTNT nhận thấy, phía bạn đặc biệt lưu ý đến nhóm tàu "3 không" - không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép. EC đồng thời khuyến nghị Việt Nam kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; và đảm bảo xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS); việc đăng ký, cấp phép, theo dõi tàu cá phải tạo được sự chuyển biến trên thực tế.

Tàu cá Thái Bình tại khu neo đậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Tàu cá Thái Bình tại khu neo đậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Chỉ một tàu, một địa phương không tuân thủ các khuyến nghị của EC là có thể ảnh hưởng tới quá trình gỡ thẻ vàng IUU".

Với quan điểm "đánh bắt 1kg cá cũng phải ghi nhật ký", Thứ trưởng đề nghị Thái Bình tập trung nguồn lực để quản lý, giám sát chặt chẽ đội tàu. Một số nội dung được ông chỉ ra như phân loại tàu, xác định rõ nhóm có nguy cơ cao, tàu về bờ cũng phải bật VMS, chênh lệch lượng thủy sản khai thác so với khai báo không được quá 20%.

Bên cạnh quản lý tàu cá, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý thêm 2 nhiệm vụ nữa, đó là đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (thông qua nhật ký ghi chép) và nâng cao công tác giám sát, xử lý vi phạm.

"Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đã vào sân chơi chung là chúng ta phải tuân thủ luật lệ. Địa phương phải tránh tư duy không có tàu vi phạm là không ảnh hưởng đến gỡ thẻ vàng, mà cần tuân thủ chặt chẽ đầy đủ khuyến nghị của EC", Thứ trưởng nói.

Bộ NN-PTNT đang khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử của thủy sản khai thác. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương.

Sang tuần tới, Bộ NN-PTNT dự kiến kiểm tra chống khai thác IUU tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tích cực tham mưu Ban Bí thư để ban hành Chỉ thị về IUU.

Trong đợt kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Đoàn kiểm tra EC đánh giá cao nỗ lực xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có dự thảo 2 nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Xác định việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ trọng tâm, ngày 20/5/2019, Thủ tướng ban hành quyết định số 596/QĐ-TTg về việc hành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU. Ban gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, 11 Bộ thuộc Chính phủ, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển, cùng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tính đến nay, Ban đã họp tổng cộng 8 lần.

Hiện Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban chỉ đạo là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất