Nhân rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao
Tại tỉnh Long An, đoàn đã đi kiểm tra thực tế đồng ruộng tại huyện Tân Thạnh. Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Vụ lúa hè thu (HT) năm 2020 toàn huyện gieo sạ được gần 29.000ha, đến nay đã thu hoạch được 17.000ha, năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn/ha, còn gần 12.000ha còn lại lúa đang ở giai đoạn trổ chín và đẻ nhánh.
Còn vụ thu đông (TĐ) 2020 gieo sạ được gần 11.000ha, lúa đang ở giai đoạn mạ, phát triển tốt. Dịch hại không phát triển đột biến, nông dân đã chủ động phòng trị và kiểm soát tốt.
Kết quả đo độ mặn ở các tuyến kênh trên địa bàn huyện, độ mặn dao động từ 0,27 đến 4,05g/l. Huyện khuyến cáo nông dân không gieo sạ trong tháng 3 và tháng 4 nên không thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Toàn huyện đã thực hiện được 27 mô hình lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, với diện tích trên 1.600ha, có gần 700 hộ tham gia, đã chuyển đổi cây trồng được gần 1.300ha, tập trung chủ yếu các loại cây như mít thái siêu sớm 850ha, sầu riêng 33ha, chanh 26ha, sen trên 470ha (trong đó sen lấy gương là 22ha, sen lấy ngó là trên 450ha)…
Bên cạnh đó, còn chuyển đổi được trên 1.200ha sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi cá tra bột và ếch. Đoàn công tác đã đi tham quan trực tiếp mô hình chuyển đổi sang trồng sầu riêng, trồng mít ở xã Tân Lập.
Huyện Tân Thạnh cũng kiến nghị hỗ trợ xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao kiểm soát lũ trong sản xuất, đặc biệt là giúp bố trí lại mùa vụ sản xuất, để thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn xâm nhập.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả mà huyện Tân Thạnh đã đạt được trong triển khai sản xuất lúa chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đề nghị huyện cần chủ động quy hoạch và nhân rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chủ động có phương án trữ nước để hạn chế ảnh hướng do xâm nhập mặn.
Chiều cùng ngày, đoàn đã có chuyến khảo sát công tác chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang).
Tại xã Thạnh Tân, đoàn đã khảo sát mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông của ông Trần Văn Được, thăm mô hình trồng mít, thanh long leo giàn và mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá của một số hộ dân tại xã Tân Hòa Tây.
Qua đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chuyển đổi cây trồng trên vùng đất phèn huyện Tân Phước, từng bước đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung cho người dân về chuyển đổi cây trồng, cần phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương cho phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng của từng vùng miền, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong khâu chăm sóc và quản lý dịch hại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lúa hè thu sớm đã thu hoạch
Vụ HT 2020 tổng diện tích gieo trồng vùng Nam bộ ước đạt 1,628 triệu ha, giảm 29 nghìn ha, sản lượng ước đạt gần 9,2 triệu tấn, tăng 44 nghìn tấn so với vụ HT 2019.
Trong đó, ĐBSCL diện tích ước đạt 1,539 triệu ha, giảm 30 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn, tăng 31 nghìn tấn.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành trong vùng, đến giữa tháng 5/2020, diện tích lúa HT đã xuống giống ước đạt 1.013 nghìn ha, đạt khoảng 62,21% kế hoạch. Trong đó, ĐBSCL đã xuống giống đạt 967.847ha và ĐNB đạt 44.605ha.
Đến nay, diện tích xuống giống sớm đã thu hoạch là 53.223ha (chủ yếu tại ĐBSCL), nhiều hơn cùng kỳ năm trước 48.800ha. Lúa trong giai đoạn trổ - chín khoảng 121.826ha, tập trung tại Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long, làm đòng – trổ khoảng 250.722ha, giai đoạn làm đẻ nhánh khoảng 408.224ha và lúa ở giai đoạn mạ 133.988ha.
Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn. Trong đó, gạo chất lượng cao khoảng trên 1 triệu tấn, gạo thơm 580 nghìn tấn, gạo chất lượng trung bình 400 nghìn tấn, nếp và gạo hạt tròn 224 nghìn tấn.
Để thực hiện vụ lúa HT 2020 đảm bảo thắng lợi, giảm thiệt hại do các yếu tố bất lợi, ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung, nhanh gọn theo từng vùng trên cơ sở nguồn nước cung cấp cho sản xuất và dự báo né rầy của cơ quan chuyên môn. Xuống giống vụ HT tuân thủ theo dự báo nguồn nước đối với từng tiểu vùng cụ thể trong tỉnh.
Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào dự báo tình hình nguồn nước, chất lượng nước cung cấp cho sản xuất, dự báo tình hình tiêu thụ lúa gạo đã có sự sắp xếp và chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm cho phù hợp và thích ứng với diễn biến của thời tiết và thị trường.