Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) tại Việt Nam, chia sẻ: "Hai lĩnh vực gồm nước sạch, vệ sinh môi trường và quản trị rủi ro thiên tai là những hoạt động quan trọng nhất trong khung khổ hợp tác giữa Unicef và Bộ NN-PTNT Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu và thiên tai".
Đại diện Unicef đánh giá, Bộ NN-PTNT là đối tác hết sức quan trọng. Cả hai bên có sứ mệnh giống nhau, đó là nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, ứng phó khẩn cấp, cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo. Do đó, sự hợp tác này có ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Trong khung khổ hợp tác với Bộ NN-PTNT giai đoạn 2022 - 2026, Unicef dự kiến sẽ ưu tiên 4 nhóm hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Unicef sẽ tiếp tục các chương trình nghị sự đang dang dở liên quan đến sức khỏe trẻ em, đặc biệt là nước sạch và vệ sinh môi trường đối với cá nhóm yếu thế trong xã hội.
Unicef sẽ tiếp tục hợp tác truyền thông, vận động công chúng qua đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và trẻ em để họ có thói quen lành mạnh và nhu cầu sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Unicef sẽ ưu tiên các hoạt động nhằm nâng cao khả năng chống chịu của người dân liên quan đên biến đổi khí hậu cũng như dự phòng các tình huống thiên tai khẩn cấp; ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh với giá thành hợp lý, tạo cơ hội cho trẻ em và người dân tiếp cận nước sạch, nhất là ở các trường học.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 5 năm qua Unicef đã hỗ trợ gần 1 triệu USD. Nhiều hoạt động rất có ý nghĩa như hỗ trợ khẩn cấp cho bão, lũ miền Trung trong năm 2020 (cung cấp thiết bị lọc nước); hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân ĐBSCL bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020; hỗ trợ xây dựng hệ thống văn bản pháp luật: hỗ trợ đánh giá năng lực hệ thống phòng chống thiên tai; hỗ trợ chỉnh sửa Luật điều chỉnh Luật Phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch truyền thông khu vực ĐBSCL; lập bản đồ giảm nhẹ rủi ro thiên tai…
Hiện nay, Unicef đang hỗ trợ Việt Nam các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh nguy cơ tác động kép thiên tai và dịch bệnh Covid-19, đồng thời hợp tác chu kỳ mới 2021-2025 triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em”.
Trong bối cảnh thiên tai Việt Nam ngày càng khốc liệt, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị Unicef tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều phối phối hợp, chuẩn bị ứng phó và ứng phó kịp thời trong các lĩnh vực Unicef có thế mạnh. Trong đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai.
Đối với hợp phần chính sách, đây là hợp phần rất quan trọng trong việc cải cách thể chế. Trong Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi có điều khoảng mới quy định về thu thâp cơ sở dữ liệu, đề nghị Unicef hỗ trợ thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai, đặc biệt dữ liệu cấp cộng đồng về tính dễ bị tổn thương của trẻ em, gia đình và cộng đồng.
Hợp phần cuối cùng là triển khai cộng đồng an toàn, xanh sạch đẹp, Unicef đã hỗ trợ xây dựng mô hình, do đó đề nghị Unicef hỗ trợ triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình góp phần thực hiện Đề án 553 về Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ phân bổ ngân sách để giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập về nước sạch nông thôn ở những vùng khó khăn, nhất là những vùng cực hạn ở miền núi phía Bắc (như huyện Mèo Vạc, Đồng Văn ở Hà Giang), những vùng chịu ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) để giải quyết nước sạch cho 17 tỉnh khó khăn về nguồn nước còn lại.
Trong 5 năm tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Unicef để xây dựng và đề xuất Chính phủ các chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách trong hợp tác công tư để khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường thuận lợi...