| Hotline: 0983.970.780

Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi 2023

Thứ Năm 10/08/2023 , 16:53 (GMT+7)

Hệ thống hồ chứa thủy lợi đảm bảo cấp nước, phòng chống lũ và cải tạo môi trường đã xuống cấp cần được sửa chữa để đảm bảo an toàn.

Các đập, hồ chứa thủy lợi có chức năng phòng chống, ứng phó thiên tai, điều tiết nguồn nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp lại cải tạo môi trường sinh thái. Ảnh: Quốc Toản.

Các đập, hồ chứa thủy lợi có chức năng phòng chống, ứng phó thiên tai, điều tiết nguồn nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp lại cải tạo môi trường sinh thái. Ảnh: Quốc Toản.

Hồ chứa vừa và nhỏ kêu cứu

Ngày 10/8 tại Nghệ An, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi và ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đồng chủ trì.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước đã xây dựng được trên 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Riêng 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt, Bộ NN-PTNT giao cho các đơn vị của Bộ trực tiếp quản lý: Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Miền Nam quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng; Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt quản lý hồ Cửa Đạt, Ngàn Trươi; Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tả Trạch quản lý hồ Tả Trạch.

Ngàn Trươi là 1 trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt. Ảnh: Quốc Toản.

Ngàn Trươi là 1 trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt. Ảnh: Quốc Toản.

Cục Thủy lợi khẳng định việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa là nhiệm vụ quan trọng, nhiều địa phương đã quan tâm và thực hiện tốt, điển hình là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai…

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy việc chủ động lắp đặt thiết bị giám sát vận hành ở các hồ chứa có cửa van đã hỗ trợ tốt cho công tác tham mưu, chỉ đạo vận hành. Lấy diễn biến thực tế của hồ Tả Trạch tại mùa mưa lũ năm 2022 làm minh chứng, từ 0h ngày 1/9 đến 23h ngày 9/11 ghi nhận tổng lượng mưa tại khu vực hồ là 1.860mm, có 3 đợt lũ với tổng lượng nước về hồ là 732 triệu m3, hồ đã giữ được 70% nước. Vận hành hợp lý hồ Tả Trạch đã trực tiếp giảm mực nước tại Trạm đo Kim Long 0,36m, góp phần giảm thiểu ngập úng cho TP Huế và khu vực đồng bằng.

Chính phủ, Trung ương, Bộ NN-PTNT thực sự quan tâm trong việc bố trí nguồn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi. Ảnh: Việt Khánh.

Chính phủ, Trung ương, Bộ NN-PTNT thực sự quan tâm trong việc bố trí nguồn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi. Ảnh: Việt Khánh.

Về phía Nghệ An, địa phương có hệ thống công trình thủy lợi dày đặc, đặc biệt là 2 hệ thống thủy nông lớn là Thủy nông Bắc và Thủy nông Nam. Hàng năm các công trình đã cấp nước tưới cho gần 250.000ha, giải quyết tiêu úng cho hơn 52.000ha, chưa kể cung cấp lượng nước đáng kể cho các ngành kinh tế và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Nghệ An là tỉnh có hệ thống công trình thủy lợi dày đặc, các công ty thủy lợi trực tiếp quản lý 108 hồ chứa nước; các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức thủy nông cơ sở quản lý 953 hồ nhỏ.

Hàng năm UBND tỉnh Nghệ An đều phân bổ kinh phí, hỗ trợ bình quân từ 30 - 50 tỷ đồng để sửa chữa những hạng mục mang tính cấp bách, dù rất nỗ lực nhưng con số nêu trên chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu đặt ra. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh còn 683 công trình chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó số hồ hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn là 120 hồ.

Theo thống kê từ các cơ sở, đa phần nhóm hồ vừa và nhỏ được xây dựng khá sơ sài từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, tuổi đời công trình cao, đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp chưa đáp ứng nổi, kéo theo muôn vàn nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí có thể tính đến phương án vỡ hồ, đập.

Năng lực chuyên môn của đơn vị khai thác cũng bị đặt dấu hỏi lớn, đặc biệt là với hệ thống quản lý cấp huyện, xã. Thực tế cho thấy nhiều nơi chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác theo quy định. Nhân lực và năng lực vừa yếu lại vừa thiếu.

Trên địa bàn cả nước có nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã xuống cấp nhưng chưa thể xử lý do thiếu vốn. Ảnh: Việt Khánh.

Trên địa bàn cả nước có nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã xuống cấp nhưng chưa thể xử lý do thiếu vốn. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết, từ năm 2003 đến nay, Bộ NN-PTNT và các địa phương liên quan đã dành sự quan tâm, qua đó ban hành những kế hoạch sát sườn để từng bước tháo gỡ nút thắt, tiến tới nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Tính ra có khoảng 1.500 hồ chứa đã được sửa chữa, đảm bảo an toàn với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh, thành 500 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 84 hồ; Dự án WB8 đã hoàn thành, sửa chữa 436 hồ; các địa phương đầu tư nâng cấp 80 hồ bằng các nguồn vốn khác.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 30 công trình. Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương gia cố 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Hiện cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng nhưng chưa được bố trí nguồn.

Thách thức trong vận hành hồ chứa

Một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ an ninh nguồn nước Quốc gia là khả năng trữ nước của các hồ chứa, dựa trên tổng lượng dòng chảy trong năm cũng như khả năng cắt giảm lũ.

Thời điểm năm 2020, tổng dung tích các hồ chứa ở Việt Nam là 70,5 tỷ m3 (bao gồm cả các hồ chứa thủy điện) trên tổng lượng dòng chảy là 836 tỷ m3/ năm, khả năng trữ nước đạt 8%. Tính riêng lượng dòng chảy bình quân đầu người của Việt Nam khá lớn, cao hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Mặt khác, 90% lượng dòng chảy ở nước ta tập trung vào mùa mưa, chỉ giữ lại chưa đến 10% để sử dụng cho mùa khô.

Những bất cập, thách thức trong quá trình vận hành làm gia tăng nguy cơ khi thiên tai kéo đến. Ảnh: Việt Khánh.

Những bất cập, thách thức trong quá trình vận hành làm gia tăng nguy cơ khi thiên tai kéo đến. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều chuyên gia nhận xét công tác vận hành hồ chứa tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Hồ chứa đơn hồ đã phức tạp, với hệ thống liên hồ càng gian nan gấp bội. Thực sự đáng lo khi tồn tại thực trạng các chủ hồ vận hành hệ thống nhưng không nắm rõ được mức độ hiệu quả/hậu quả ra sao. Với các đập thủy điện, cách thức này làm giảm hiệu quả phát điện, ảnh hưởng nhiều đến chiến lược kinh doanh.

Công cụ tính toán hỗ trợ vận hành cũng để lại nhiều đắn đo khi đa phần các hồ đập lớn, các công trình quy mô hoạt động theo cơ chế liên hồ đều chưa có công cụ phần mềm tính toán chuyên dụng, ngược lại đều lựa chọn hình thức giản đơn dạng bảng tính do đơn vị tư vấn, hoặc chính đơn vị tự lập ra, vì thế khó đảm bảo yêu cầu thực tế.

Để giữ an toàn cho hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng, kết hợp biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36/KL-TW ngày 23/6/2022 về việc “Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại văn bản số 1722/VPCP-NN ngày 16/3/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Về giải pháp công trình sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp các đập hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ, trong đó ưu tiên công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh. Kinh phí lấy từ nguồn vốn trung hạn của các địa phương, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi nêu bật tổng quan tình hình. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi nêu bật tổng quan tình hình. Ảnh: Quốc Toản.

“Bộ NN-PTNT ưu tiên kinh phí để xây dựng quy trình vận hành thông minh cho 4 hồ chứa lớn quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia. Kỳ vọng đây sẽ là hình mẫu để các địa phương, các cơ quan quản lý áp dụng theo. Duy trì vận hành tốt sẽ tạo ra năng lực dự báo tốt, qua đó tiến tới khai thác, sử dụng hiệu quả công trình đạt chuẩn đa mục tiêu”, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi chia sẻ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.