| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thị sát vùng hạn, mặn

Thứ Tư 03/02/2016 , 19:12 (GMT+7)

Sáng 3/2, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đi thị sát tình hình hạn, mặn tại các huyện vùng U Minh Thượng, Kiên Giang, địa phương bị thiệt hại nặng nề với trên 34.000 ha lúa bị chết, khiến hàng ngàn hộ nông dân mất mùa lúa Tết.

* Hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân   


Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát vùng lúa chết do hạn mặn tại huyện An biên, Kiên Giang

Đoàn đã đến kiểm tra diện tích lúa bị thiệt hại tại xã Nam Yên, huyện An Biên. Nhiều nông dân ở đây đã chấp nhận bỏ lúa không thu hoạch, do bị khô hạn kéo dài, lúa trổ nhưng bông bị lép gần hết. Một số nông dân thu hoạch nhưng mỗi công chỉ được 1-2 bao lúa lép lửng, rất ít gạo, bán không ai mua, tính ra lỗ công thuê máy cắt. Nhìn diện tích lúa hàng trăm ha phơi trắng bông ngoài đồng ai cũng cảm thấy xót xa.

Đứng giữa ruộng lúa hơn 10 công đã khô nứt nẻ của gia đình, lão nông Danh Mỹ ngậm ngùi: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, suốt vụ lúa không có được trận mưa nào. Khi lúa trổ thì ruộng đã khô rang, muốn bơm nước vào cứu cũng không được vì sông đã nhiễm mặn. Mất mùa, hơn 20 triệu đồng tiền đầu tư mua giống, phân, thuốc BVTV giờ không biết kiếm đâu để trả, đói là cái chắc chứ nói gì đến vui xuân đón tết”.

Tương tự, 5 công ruộng của hộ anh Danh Bồ Na cũng bị khô cháy, đứng trơ bông ngoài đồng. Tiếc của, anh Na kêu máy vào cắt nhưng mới chạy được 1-2 đường đã phải dừng lại vì toàn lúa lép. Cầm bụi lúa chết khô trên tay, anh Na bần thần nói: “Giá như bị thiệt hại sớm ngay từ đầu thì đỡ tốn, đằng này tới lúc trổ mới chết, bao nhiêu chi phí đầu tư đã đổ xuống ruộng hết. Giờ kiếm gạo ăn cũng không có, đợi vài ngày nữa cho qua cái tết rối đi kiếm việc làm thuê, chứ ở nhà thì chết đói hết”.    

Tại huyện An Minh, đoàn đã đến thăm mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa. Do lúa thất mùa, nước mặn vào sớm nên nông dân tranh thủ bơm vào ruộng thả tôm giống sớm, với hy vọng sẽ có nguồn thu bù lại vụ mùa thất bát. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của bà con là độ mặn quá cao, trời lại nắng nóng nên nguy cơ tôm nuôi dễ bị dịch bệnh. Nếu thất mùa tôm nữa thì nông dân không thể gượng dậy vì không còn vốn tái đầu tư sản xuất.


Nông dân huyện An Biên thẫn thờ bên ruộng lúa chết khô do hạn mặn

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh, đồng thời chủ động xuống giống sớm hơn so với lịch thời vụ để né hạn, mạn nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sớm gây ảnh hưởng và làm thiệt hại đến trà lúa mùa và đông xuân (chủ yếu trên nền sản xuất tôm – lúa) ở vùng U Minh Thượng. Đây là vùng sản xuất lúa dựa vào nước trời, hệ thống công trình ngăn mặn chưa đồng bộ, lượng mưa từ giữa đến cuối mùa mưa năm 2015 và trong mùa khô 2015-2016 thấp nên không đủ lượng nước ngọt để rửa mặn và tưới cho đến cuối vụ. Tính đến đầu tháng 2/2016, toàn vùng đã có đã hơn 34.000 ha lúa bị thiệt hại, trong đó diện tích lúa mùa là 29.691 ha. Bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện An Minh với 16.453 ha của trên 8.000 hộ nông dân, tiếp đến là huyện An Biên với hơn 10.416 ha của 6.250 hộ nông dân. Các huyện khác trong vùng như: Vĩnh Thuận, U Minh Thượng diện tích lúa bị thiệt hại cũng lên đến cả ngàn ha. Theo nhận định, với tình hình thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra như hiện nay thì tổng diện tích thiệt hại sẽ còn tăng thêm. Vì dự báo tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất đầu vụ hè thu của toàn bộ vùng U Minh Thượng và một phần của huyện Gò Quao với diện tích khoảng 12.500ha, sản xuất vụ xuân hè ở huyện Giang Thành với diện tích 5.000ha.

Theo ông Tâm, giải pháp trước mắt hiện nay là đắp đập tạm ở các cửa sông chưa có cống để ngăn mặn (toàn tỉnh đã đắp được 82/89 đập); đồng thời thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời những điểm nhiễm mặn mới phát sinh, tuyên truyền đến bà con nông dân các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước… Song song đó là phương án cấp nước sinh hoạt cho bà con nông dân khi nước mặt bị nhiễm mặn; chủ động các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô….

Để hạn chế thiệt hại do tình hình thời tiết cực đoan gây ra, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh 106 tỷ đồng để xây dựng các phương án ứng phó với hạn, mặn và nạo vét kênh mương. Đồng thời đề nghị ứng vốn ngân sách Trung ương khoảng 120 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai (trong đó riêng vụ mùa là khoảng 80 tỷ). Về cung cấp nước sạch nông thôn, tỉnh đề nghị được hỗ trợ 15 tỷ đồng để tăng thêm giếng khoan và kéo dài đường ống cấp nước cho dân vùng bị nhiễm mặn.

PGS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho biết, do các nước ở thượng nguồn sông MêKông tăng cường tích nước vào các hồ thủy điện, cộng với hiện tượng El Nino mạnh nhất trong mấy chục năm qua đã khiến cho lượng nước lũ giảm đi, lưu lượng dòng chạy bị giảm đáng kể, xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm hơn mọi năm rất nhiều. Do vậy, đã ảnh hưởng trực tiếp tới vụ lúa đông xuân và vụ mùa ở các địa phương ven biển. Theo ông Thắng, dự báo đến hết tháng 4 hiện tượng El Nino sẽ kết thúc nhưng phải đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì nguồn nước mới bắt đầu đổ về. Vì vậy, những tháng đầu năm 2016 chắc chắn tình hình hạn, mặn sẽ diễn ra khốc liệt hơn và phạm vị bị ảnh hưởng cũng sẽ mở rộng hơn. “Để bảo vệ sản xuất thì khu vực này cần sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống đê và các cống ven biển (29 cống cho 2 huyện An Biên và An Minh), đồng thời tận dụng nguồn nước ngọt từ Vườn quốc gia U Minh Thượng để điều tiết nước cho cả vùng”, TS Thắng đề xuất giải pháp. 


Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát vùng nuôi tôm lúa tại huyện an minh, Kiên Giang

Ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương cần cơ cấu lại mùa vụ cho thật hợp lý, chọn giống ngắn ngày để canh tác… Riêng với vùng ven biển thì nên áp dụng biện pháp gieo mạ cấy để rút ngắn thời gian của mùa vụ. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại Kiên Giang là rất nghiêm trọng và còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tới. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền và ngành nông nghiệp cần có biện pháp bảo vệ diện tích lúa đông xuân để giảm thiệt hại, vụ hè thu cần cơ cấu lại mùa vụ cho phù hợp. Cơ quan chuyên môn về dự báo khí tượng thủy văn phải chi tiết hóa từng vùng, từng khu vực để hướng dẫn người dân sản xuất, với tần xuất cập nhật dự báo 15 ngày/lần. Các giải pháp ứng phó trước mắt là phải xây dựng nhanh các công trình tạm để ngăn mặn, giữ ngọt; có kế hoạch cụ thể để cấp nước sinh hoạt cho dân vùng hạn, mặn… Về sản xuất, phải có các giải pháp kỹ thuật để giảm thiệt hại và tuyên truyền sâu rộng đến cho dân để có cách ứng phó hạn, mặn thích hợp. Đối với những hộ dân có diện tích bị thiệt hại, cần ứng ngân sách để hỗ trợ ngay cho họ, tạo điều kiện tái đầu tư sản xuất.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm