Thuận lợi và thách thức
Thời gian làm Bộ trưởng chính thức của cụ chỉ trong hơn 2 tháng, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 5/1946. Khi nhà điền chủ Huỳnh Thiện Lộc từ miền Nam ra Hà Nội, đã được cử làm Bộ trưởng Canh nông, cụ Bồ Xuân Luật lui xuống làm Thứ trưởng.
Bộ trưởng Bồ Xuân Luật năm 1960 |
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc tháp tùng đoàn đại biểu Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, sang Pháp dự Hội nghị Fontainbleau. Chuyến đi kéo dài đến tháng 9/1946. Ở nhà, mọi việc điều hành Bộ Canh nông đều do Thứ trưởng Bồ Xuân Luật trực tiếp đảm nhiệm.
Tôi đã lạc trong hồ sơ lưu trữ hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính, Hà Nội) bởi vì quá nhiều tài liệu liên quan đến Bộ Canh nông thời gian cụ Bồ Xuân Luật điều hành Bộ. Nạn đói được đẩy lùi một bước nhưng vẫn có nguy cơ trở lại. Vì thế, công tác “tăng gia sản xuất” vẫn phải lưu tâm. Việc củng cố và xây dựng Bộ Canh nông với những cơ quan chuyên môn cùng cán bộ chuyên môn giỏi tay nghề được quan tâm. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ với đầy đủ các chuyên ngành Nông chính, Chăn nuôi, Thú y… được Bộ Canh nông mở đều đặn ở các địa phương. Trường Cao đẳng Canh nông được mở lại. Việc đào tạo và cấp bằng kỹ sư canh nông được chú trọng.
Một trong những thách thức trực tiếp đối với Bộ Canh nông giai đoạn này là tình hình dịch bệnh mùa hè phát triển. Nhất là bệnh dịch đối với ngành chăn nuôi bùng phát trên đàn lợn, trâu bò khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Sức kéo cho tăng gia sản xuất và nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho các bữa ăn bị đe dọa hàng ngày. Các địa phương từ Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, cho đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… liên tục báo về. Bộ Canh nông, đứng đầu là Bộ trưởng Bồ Xuân Luật phải trực tiếp xử lý không dám lơ là.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến Bộ trưởng Bồ Xuân Luật, một nhân sĩ thức thời. Tháng 7/1948, nghe tin Bộ trưởng Bồ Xuân Luật ốm, Bác Hồ đã gửi thư hỏi thăm. Thư viết: “Gởi ông Bộ trưởng Bồ Xuân Luật. Tôi nghe nói chú yếu. Tiếc vì xa xôi, tôi không đến thăm chú được. Tôi gởi 1 chai mật ong để chú dùng. Và rất mong chú chóng khỏe. Tôi gởi lời hỏi thăm thím, và hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”. |
Với sự sát sao của lãnh đạo Bộ, cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn vững tay nghề, các dịch bệnh dần dần bị đẩy lùi. Nhìn những tập hồ sơ báo cáo hơn 70 năm về trước, tôi cứ mường tượng về thời kỳ đầu lập nước ấy, ai làm việc cũng đầy tinh thần trách nhiệm, chẳng chút lơ là.
Tấm gương đoàn kết
Đứng đầu Bộ Canh nông là một nhiệm vụ khá nặng nề, song đôi vai của Bộ trưởng Bồ Xuân Luật còn thêm nhiệm vụ đoàn kết các đảng phái trong nước. Cụ vốn là người đứng đầu “Phục quốc quân”, đưa lực lượng vũ trang từ Trung Quốc về nước, tham gia lãnh đạo “Việt Nam cách mệnh đồng minh hội” (Việt Cách). Trong lúc đó, tình hình chính trị trong nước có nhiều dấu hiệu chia rẽ. Các đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, nếu không đoàn kết, nền độc lập non trẻ vừa giành được độc lập chẳng mấy chốc sẽ lại mất về tay người Pháp đang trở lại xâm lược.
Sinh trong một gia đình nông dân tại xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, vào tuổi thanh niên, đang lao động cần cù với công việc nhà nông thì anh thanh niên Bồ Xuân Luật bị thực dân Pháp cưỡng bức đi làm lính thợ tại tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, được chứng kiến tận mắt cảnh ngộ làm nô lệ của người dân mất nước, Bồ Xuân Luật đã cùng đồng đội thầm lặng chờ đợi thời cơ đứng lên tự giải phóng mình. Tháng 9/1940, nhân cơ hội Nhật - Pháp bắn nhau, Bồ Xuân Luật và đồng đội làm binh biến nhưng không thành, buộc phải rút sang đất Trung Quốc, lập ra đội Phục quốc quân chờ đợi thời cơ khác.
Được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh lần đầu tiên tháng 3-1944 tại “Hải ngoại đại biểu Đại hội” là Đại hội của các đoàn thể người Việt Nam yêu nước và cách mạng đã diễn ra ở Liễu Châu – Trung Quốc, cụ Bồ Xuân Luật đã tự nguyện vượt mọi khó khăn để đi theo con đường cách mạng do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Cụ đã ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa I tại quê nhà Hưng Yên. Khi Chính phủ Kháng chiến thành lập (11/1946), cụ Bồ Xuân Luật được cử làm Bộ trưởng Không giữ Bộ nào (tương đương với Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay).
Kháng chiến gian khổ, với trọng trách của mình, cụ đã kinh lý đến nhiều địa phương nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong vùng tự do, phát hiện và tư vấn cho Chính phủ nhiều chính sách, đồng thời báo cáo Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ những việc làm bất hợp lý của cán bộ địa phương.
Năm 1986, ở tuổi 80, nhìn lại cuộc đời mình, cụ Bồ Xuân Luật viết: “Trải qua các giai đoạn cách mạng, ở cương vị và nhiệm vụ công tác nào tôi cũng đều thể hiện sự nhất trí cao với sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đã mang hết tinh thần nghị lực và khả năng của mình phục vụ tận tụy, đắc lực và hoàn thành tốt có hiệu quả những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó để góp phần công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân”.
Bộ trưởng Bồ Xuân Luật (1907 – 1994) còn là một trong những sáng lập viên đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946); Ủy viên Thường vụ Quốc hội (khóa 1,2,3,4); Ủy viên Ủy ban Trung ương và Ủy viên Ban thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (I, II, III)... Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cụ Bồ Xuân Luật nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất… |