Cù Huy Cận, Bồ Xuân Luật, Huỳnh Thiện Lộc, Ngô Tấn Nhơn và Nghiêm Xuân Yêm. Báo NNVN xin giới thiệu chân dung những Bộ trưởng Canh nông thuở ấy.
Bộ trưởng Cù Huy Cận (1919 - 2005) |
Mới 26 tuổi, Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên. Ông đã cùng nhiều đồng sự của mình kiến thiết và xây dựng Bộ trong những ngày đầu tiên đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
Bộ trưởng tuổi 26
Qua đời năm 2005, nhà thơ Cù Huy Cận kịp để lại “Hồi ký song đôi”. Sau đó, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Nhà sách Phương Nam đã ấn hành hai tập sách với gần 1.000 trang in. Suốt tập 2 của cuốn hồi ký, Huy Cận luôn luôn tự hào nhắc đến việc ông là Bộ trưởng Canh nông đầu tiên.
Sau “Tuyên ngôn độc lập” thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được 2 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Lâm thời đã xác định: “Việt Nam là một nước nông nghiệp. Muốn giải quyết vấn đề nông nghiệp cả về phương diện xã hội và phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành.
Vì vậy, Chính phủ đã xúc tiến ngay việc thành lập Bộ Canh nông. Cụ thể, trong phiên họp ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm Bộ Canh nông. Và Hội đồng Chính phủ cử ông Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông.
Như vậy, nhà thơ Huy Cận làm Bộ trưởng Canh nông đầu tiên khi mới 26 tuổi. Trước đó, trong Chính phủ Lâm thời (tháng 8/1945), ông đã là Bộ trưởng Không giữ Bộ nào cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Xuân. Có một chút dí dỏm là, có lẽ ông thích được gọi là Bộ trưởng Canh nông đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời hơn là chức Bộ trưởng Không giữ Bộ nào.
Diệt giặc đói
Chỉ hai ngày sau khi tựu chức, ngày 16/11/1945, Bộ trưởng Cù Huy Cận đã ký Tuyên bố của Bộ Canh nông thông báo về nhiệm vụ của Bộ. Đồng thời, ông đã tập hợp được xung quanh mình những nhà chuyên môn về Nông nghiệp đứng đầu ở thời điểm đó như Kỹ sư Hoàng Văn Đức làm Tổng giám đốc Nha Nông chính; các bác sĩ Trịnh Văn Thịnh, Phan Đình Đỗ, Đồng Sỹ Hiền, Bùi Huy Đáp… người phụ trách ngành Lâm nghiệp, người phụ trách ngành Thú y - Chăn nuôi (mà thời đó gọi là Nha Thú y - Mục súc)…
Đất nước trong tình thế hiểm nghèo, thù trong giặc ngoài, đồng hành là ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong đó, giặc đói được coi là nguy cơ trước mắt lớn nhất. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Canh nông là phải đẩy lùi giặc đói. Các bậc nhân sĩ, trí thức khắp cả nước đã hiến kế giúp Chính phủ và Bộ Canh nông chống nạn giặc đói. Cụ thể là hai biện pháp cứu đói khẩn cấp: giải pháp trước mắt là nhường cơm sẻ áo và giải pháp lâu dài là tăng gia sản xuất.
Phong trào nhường cơm sẻ áo được phát động trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu đói. Nhà nước cũng tổ chức những địa điểm phát chẩn để cung cấp cơm, cháo hay bất cứ thức gì ăn được cho những người sắp chết đói. Nhờ đó, hàng vạn người chờ chết, hàng vạn thân thể chỉ có da bọc xương đã được cứu sống. Chẳng bao lâu, bằng biện pháp cứu đói khẩn cấp nhường cơm sẻ áo, cảnh chết đói gần như đã chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào số lúa gạo có sẵn để cứu đói thì chỉ là giải pháp cầm cự nhất thời. Biện pháp lâu dài là phải tăng gia sản xuất. Bộ Canh nông đã trình lên Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất. Khắp nơi trong cả nước đã đề ra khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, tận dụng mọi nơi mọi chỗ có thể trồng trọt được. Ngay tại Thủ đô Hà Nội và các đô thị, vườn hoa cũng được tận dụng để trồng hoa màu ngắn ngày.
Phong trào sản xuất trong cả nước được phát động rầm rộ bằng mọi hình thức. Sau khi nước lụt rút hết, đã qua mùa cấy lúa, chỉ có thể trồng khoai nhưng khoai thì phải có dây làm giống. Trong tình hình khoai giống khan hiếm vì nhu cầu quá lớn, kỹ sư Hoàng Văn Đức - Tổng giám đốc Nha Nông chính, đã tìm ra giải pháp: lấy dây khoai trồng tạm trong vòng 3 tuần, khoai chưa ra củ nhưng đã ra rễ thì đào lên cắt từng đoạn giống, nhân lên gấp 5, gấp 10 lần để phát triển diện tích trồng khoai. Vụ thu hoạch có thể chậm hơn 2 - 3 tuần, nhưng diện tích và sản lượng thì tăng 5 - 10 lần. Chính nhờ sáng kiến đó của Bộ Canh nông và cùng với cố gắng của cả nước, đến năm 1946, nạn đói đã bị đẩy lùi.
Chính nhờ vào kết quả tốt đẹp này càng củng cố uy tín của Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận. Khi ông ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên tại tỉnh Hà Đông, đoàn thế đã tự hào giới thiệu: “Đề nghị đồng bào bầu cho ông Cù Huy Cận, kỹ sư Nông nghiệp, Bộ trưởng Canh nông, tức là nhà thơ Huy Cận, giảng thuyết sư ở trường Đại học Văn khoa Hà Nội”.
Ra tranh cử cùng nhiều nhân sĩ, trí thức và chiến sĩ cách mạng như cụ Bùi Bằng Đoàn – nguyên Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, nhà thơ Xuân Thủy, nhà tình báo Trần Hiệu… Bộ trưởng Cnah nông Cù Huy Cận đã trúng cử. Ông tự hào kể lại trong hồi ký: “Tôi được cao phiếu nhất”. Thật đúng là: “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên” (Xuân Diệu). (còn nữa)
Bộ trưởng Cù Huy Cận (1919 - 2005) sinh trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) nay thuộc xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận là một trong những tên tuổi hàng đầu của Phong trào Thơ mới, được Hoài Thanh đưa vào “Thi nhân Việt Nam”. Ngoài chức vụ Bộ trưởng Bộ Canh nông, ông còn làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa I, II và khóa VII. Bộ trưởng Cù Huy Cận đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng (2005). Ngoài ra, ông còn được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới (2001). |