| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Bây giờ, người trồng cây phải biết ơn người ăn quả'

Thứ Năm 15/07/2021 , 19:06 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng Phố Hiến là thương hiệu tốt để Hưng Yên phát triển quả nhãn theo hướng đa ngành nghề, đa giá trị bằng cách đẩy mạnh chế biến.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về phương hướng phát triển quả nhãn với tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về phương hướng phát triển quả nhãn với tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 15/7, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, trao đổi về các vấn đề đẩy mạnh hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nhãn lồng của địa phương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, một số nông sản chủ lực của tỉnh như nhãn, vải, cam, bưởi, chuối, cây cảnh, các sản phẩm chăn nuôi đều đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, cây nhãn có diện tích khoảng 4.800 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%.

Hiện, nhãn Hưng Yên đã bắt đầu vào mùa thu hoạch quả tươi (thời vụ thu hoạch từ 15/7 đến 15/9). Các sản phẩm nhãn được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và đã xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Bên cạnh đó là các cây trồng khác như vải, chuối, cây có múi và hoa cây cảnh.

Trong chăn nuôi, tính riêng tổng đàn lợn ước khoảng 465.000 con, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia cầm trên 9,7 triệu con, tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt hơn 74.300 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Sau khi nghe báo cáo sơ bộ về tình hình nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm nhãn lồng của Hưng Yên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói tỉnh có một ưu thế đó là thương hiệu Phố Hiến rất lâu đời, đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ từ xa xưa.

Do đó, ông hy vọng, tỉnh và Bộ sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, để làm thế nào tạo ra một thương hiệu Phố Hiến mạnh mẽ, không chỉ cho quả nhãn mà còn cho các nông sản khác của tỉnh.

“Hiện nay, có quá nhiều sản phẩm tương đồng về chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn, vì vậy chúng ta cần tạo ra những câu chuyện, những cảm xúc xung quanh sản phẩm của mình để giúp nó tăng giá trị. Từ lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mới cho các nông sản của địa phương”, Bộ trưởng gợi ý.

Ông lý giải thêm, người bình thường khó có thể phân biệt được chất lượng của nhãn Hưng Yên trồng ở Sơn La và trồng ở Hưng Yên, vì đều ngon như nhau. Nhưng nếu quả nhãn đó được gắn vào một câu chuyện, một cảm xúc nào đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn để lựa chọn sản phẩm truyền cho họ cảm hứng.

Đi sâu hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thời đại hiện nay thị trường đang là yếu tố quyết định sản xuất chứ không phải ngược lại như trước kia.

“Bây giờ người trồng cây phải biết ơn người ăn quả, vì nếu nhu cầu thị trường giảm, sản phẩm dư thừa thì người trồng cây sẽ bị thiệt hại”, ông ví dụ.

Yếu tố quan trọng mà ông Lê Minh Hoan đưa ra là người sản xuất hoàn toàn có khả năng tác động đến nhu cầu của thị trường.

Theo Bộ trưởng bằng cách nào đó làm cho sản phẩm của mình tốt hơn, hấp dẫn hơn thì chắc chắn sẽ được mua nhiều hơn.

Liên kết sản xuất

Để làm được điều này, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, Hưng Yên phải hình thành được các hợp tác xã, liên kết với nhau không chỉ trong sản xuất mà còn trong vấn đề thu hoạch, phân loại, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Cách làm này không chỉ nâng cao giá trị, mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập, quan trọng hơn là tạo ra được nhiều việc làm ở nông thôn, để người dân có thể “ly nông bất ly hương”.

Cũng liên quan đến nâng cao giá trị cho nông sản, đặc sản địa phuơng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hiện nay nhu cầu ăn trực tiếp của người tiêu dùng không cao, nhưng bù vào đó là nhu cầu mua làm quà, mua tặng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã trồng nhãn ở Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã trồng nhãn ở Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

“Muốn được người ta lựa chọn làm quà tặng, thì sản phẩm của chúng ta không chỉ ngon, tốt mà còn phải đẹp. Không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn phải đẹp về những cảm xúc xung quanh sản phẩm, để người ta cảm thấy đó xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa. Người nông dân cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất đơn thuần sang tư duy bán hàng”, Bộ trưởng lý giải thêm.

Với những phương hướng trên, Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng Hưng Yên có thể xem xét mở các chương trình khởi nghiệp nông nghiệp để kết nối tiêu dùng, giúp người dân tham gia từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ nông sản: “Bây giờ làm nông nghiệp không chỉ là vác cuốc ra đồng, làm nông nghiệp còn là tìm cách để tăng tối đa giá trị cho sản phẩm”.

Gói gọn lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Hưng Yên có thể dùng những tài nguyên bản địa như lịch sử, văn hóa để tạo ra giá trị, từ giá trị đó lại tạo ra thương hiệu cho nông sản. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở tư duy sản xuất, kinh doan đơn thuần mà phải hướng đến đa ngành nghề, đa giá trị, biến vùng nhãn Hưng Yên trở thành khu vực không chỉ mạnh về nhãn tươi mà còn tốt về chế biến.

Sau khi nghe các chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên xác định tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tỉnh sẽ khai thác và tận dụng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa và sản xuất nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lươngj, giá trị kinh tế cao. Đối với việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân có cơ hội đầu tư nhà lạnh, kho mát. Từng bước đưa công nghệ mới vào bảo quản, chế biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang khuyến khích người dân tích tụ tập trung ruộng đất, cho thuê đất để sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị. Đồng thời thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, ông Trần Quốc Văn cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ trưởng NN-PTNTN Lê Minh Hoan như hỗ trợ cho dự án “Con đường di sản” của tỉnh, giải quyết vướng mắc để tỉnh xử lý triệt để vấn đề tái định cư cho người dân ở huyện Văn Giang hay vấn đề môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Kim Ngưu.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.