| Hotline: 0983.970.780

Nhãn lồng, nông sản Hưng Yên 'vượt khó' Covid, ra thị trường nước ngoài

Thứ Năm 15/07/2021 , 16:52 (GMT+7)

Ngoài đối tác truyền thống là thị trường Trung Quốc, các đối tác như Mỹ, Australia, Nhật Bản đều đánh giá cao tiềm năng của nhãn lồng và nông sản Hưng Yên.

Năm 2021, sản lượng nhãn của Hưng Yên ước tính đạt 50.000-55.000 tấn. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2021, sản lượng nhãn của Hưng Yên ước tính đạt 50.000-55.000 tấn. Ảnh: Tùng Đinh.

Rút ngắn thời gian thông quan sang Trung Quốc

"Ngoài bạn hàng lớn nhất hiện tại là Trung Quốc, tỉnh cũng đã xúc tiến có các đơn hàng với Anh, Bỉ, Australia và Pháp. Ở thị trường Đông Nam Á, chúng tôi đã có bản ghi nhớ về tiêu thụ nhãn lồng nói riêng, nông sản nói chung.

Tỉnh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc xuất hiện ở thị trường Nhật Bản trong năm nay, ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, nói trong phần khai mạc Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021, diễn ra sáng 15/7 tại TP. Hưng Yên. 

Theo ban tổ chức, tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp với 12 điểm cầu trong nước, hơn 60 điểm cầu tại các nước như Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ.

Ở phần mở đầu của một trong 4 điểm cầu tại Trung Quốc, ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây nhấn mạnh việc tỉnh này có đường bộ, đường biển giáp Việt Nam, do đó, chính quyền tỉnh Quảng Tây mong muốn tăng cường phát triển kinh tế, mậu dịch với Việt Nam. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh với Việt Nam là hơn 121 tỷ NDT.

"Quảng Tây nhập khẩu lượng lớn hoa quả của Việt Nam. Hoa quả Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu hoa quả của tỉnh, mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều địa phương khác. Có thể kể đến các sản phẩm như nhãn, thanh long, ổi, măng cụt", ông Điêu nói.

Quan chức Sở Thương mại Quảng Tây cho biết năm ngoái, tỉnh này nhập khẩu hàng trăm triệu NDT các mặt hàng trái cây Việt Nam, đứng đầu là thanh long với giá trị hơn 390 triệu NDT. 

Đại diện chính quyền Quảng Tây đề xuất Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp cùng các địa phương, cơ quan liên quan hai nước tiếp tục xúc tiến rút ngắn thời gian thông quan, tạo cơ chế phối hợp tốt giữa doanh nghiệp hai nước.

Ông Vương Hiểu Hoa, Phó Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc, nêu khó khăn hiện tại với cả hai nước do ảnh hưởng từ Covid-19. 

"Covid đang gây nhiều thách thức, trong đó có cả xuất nhập khẩu. Chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan hai nước tích cực tìm giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu nông sản và các mặt hàng khác", ông Vương nói.

Ông Vương cho biết thêm chính quyền Vân Nam "vô cùng mong đợi, hoan nghênh" doanh nghiệp hai nước tích cực tìm ra cơ hội mới, vận hội mới thông qua mô hình triển lãm trực tuyến tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Vân Nam.

"Hình thức này vừa đảm bảo an toàn cho phòng chống Covid vì các doanh nghiệp hoàn toàn chỉ cần gửi hình ảnh cho chúng tôi. Thông qua đó, doanh nghiệp hai nước tự tìm thấy cơ hội hợp tác".

Kết thúc phần tham luận của đối tác Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, trị giá hơn 500 triệu USD.

Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết vẫn đang chú trọng vào khâu thông quan, giảm ùn ứ tại cửa khẩu.

"Nhãn Hưng Yên tươi ngon, ngọt, đa dạng, là những ưu điểm đã được người tiêu dùng Trung Quốc công nhận và đánh giá rất cao trong nhiều năm qua. Đại sứ quán sẵn sàng phối hợp với tỉnh Hưng Yên, các cơ quan hữu quan để nhập khẩu nhiều hơn nữa nhãn lồng. Chúng tôi nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp tại Quảng Tây, Vân Nam và các doanh nghiệp đối tác ở Việt Nam", ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng một trong những giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Hưng Yên là đầu tư vào khâu sơ chế, chế biến.

"Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào khâu này tại Việt Nam".

Ngoài Trung Quốc, đang có thêm nhiều thị trường mới tiềm năng cho quả nhãn và các nông sản khác của Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài Trung Quốc, đang có thêm nhiều thị trường mới tiềm năng cho quả nhãn và các nông sản khác của Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Thay đổi cách tiếp cận thị trường Mỹ

Ở phần thị trường mới, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết do đặc thù địa lý, thách thức lớn nhất với nông sản nước ta là đảm bảo độ tươi ngon khi sang thị trường này do thời gian vận chuyển lâu. 

Tuy vậy, điều thuận lợi là giá trị xuất khẩu cao và tính đa dạng trong văn hoá tiêu dùng của người Mỹ luôn muốn tìm hiểu các nông sản nhiệt đới như ở Việt Nam.

"Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ nông sản cao. Năm 2021, nước này dự kiến nhập khẩu 15,1 USD trái cây. Tính đa dạng trong văn hoá tiêu dùng của người Mỹ luôn muốn tìm hiểu các nông sản nhiệt đới như ở Việt Nam".

Ông Sơn cho biết các loại nông sản xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa. Nửa đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt 57,4 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Khó khăn hiện tại và sắp tới, không hẳn là Covid-19, mà còn là sức ép từ các đối thủ đến từ nội địa Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với doanh nghiệp nhập khẩu của Hoa Kỳ để nâng cao hiệu suất thanh toán.

"Điều quan trọng nữa là cần có các doanh nghiệp hàng không mở đường bay chở hàng trực tiếp tới Mỹ. Cái cách người Mỹ ăn hoa quả cũng ngày càng đi theo hướng 'ăn liền', tức là trái cây phải cắt nhỏ từng miếng vừa miệng, thậm chí có sẵn tăm, dĩa".

Ông Kingsley Songer, Tổng Giám đốc Công ty 4 Ways Fresh, thị trường Australia, nêu kiến nghị Việt Nam cần có cách đóng gói hoa quả thuận tiện hơn với người tiêu dùng bản địa, thích hợp mang đi xa, sử dụng nhiều lần. Doanh nghiệp nhập khẩu này ước tính năm ngoái nhập khẩu 50 tấn nhãn, còn năm nay dự kiến nhập 30 tấn nhãn của Hưng Yên và Sơn La. 

Dự kiến Bộ trưởng Nông nghiệp Australia sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp phía Việt Nam trong năm nay để thúc đẩy thêm khâu xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.

Lễ cắt băng khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên đường tiêu thụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Lễ cắt băng khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên đường tiêu thụ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc công ty AEON TOPVALU VIETNAM, tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, cho biết Hưng Yên là tỉnh được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.

"AEON muốn đưa vào thị trường Nhật Bản nhiều nông sản Việt Nam, đặc biệt là nhãn Hưng Yên. Hiện tại Nhật Bản chưa cấp phép cho nhãn Hưng Yên. Chúng tôi muốn sử dụng hệ thống cửa hàng AEON trên toàn thế giới để đưa nhãn Hưng Yên đến với nhiều nước".

Đại diện AEON cho biết mong muốn nhận được sự hợp tác từ nhiều phía để có thể đưa nhãn Hưng Yên tới người tiêu dùng Nhật Bản trong tương lai.

Chủ động tiêu thụ nhãn và nông sản

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, ngay từ đầu năm, nhằm chủ động trong công tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh, Sở Công Thương đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tìm giải pháp mở rộng thị trường cho nông sản Hưng Yên.

Đại diện Bộ Công thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong gần 1 tháng qua, Cục với vai trò cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ huy động sự vào cuộc của hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức kinh tế - thương mại nước ngoài mời các nhà nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia giao dịch trực tuyến với các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Hưng Yên. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng mời các hệ thống phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử tham gia phân phối nhãn và nông sản Hưng Yên.

Hưng Yên là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển vùng trồng các cây ăn quả và các cây công nghiệp khác theo hướng tập trung và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường hiện nay như nhãn lồng Hưng Yên, cam Hưng Yên, chuối tiêu hồng, nghệ, hoa-cây cảnh...

Đến nay, diện tích nhãn lồng của Hưng Yên đạt khoảng 4.800 ha, trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn..

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.