“Người thành công là người luôn tìm giải pháp”
Chiều 2/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTTN Lê Minh Hoan cùng Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đối thoại với hơn 200 đoàn viên, thanh niên để giải đáp những vấn đề mà các bạn trẻ đang quan tâm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Đường Kách Mệnh”: “Thế giới thay đổi không ngừng, ai không học là lùi”. Câu chuyện này Bác viết năm 1947, khi ấy, sự thay đổi của thế giới không diễn ra nhanh như bây giờ. Ngày nay, rất nhiều cái mới ra đời chưa kịp định hình đã bị cái mới khác thay thế rồi. Thành ra, mọi kiến thức mà chúng ta vừa học đã là ngày hôm qua rồi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên các bạn trẻ không ngừng tự học để thành công. Đặc biệt, muốn đào giếng sâu thì cái miệng phải rộng, tức là mỗi người cần tích hợp nhiều kiến thức khác nhau thì mới tạo ra các ý tưởng sáng tạo, khai thác đa giá trị trong mỗi sản phẩm, mỗi hoạt động.
Định hướng về khởi nghiệp trong nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, không ai lầm lũi trong bóng tối một mình mà thành công. Khởi nghiệp phải tạo ra sự khác biệt, tạo ra giá trị cộng đồng. Tìm cái mới không phải dễ dàng, nhưng đó mới là giá trị khởi nghiệp. Tức là làm tốt hơn cái đang tốt, làm đúng cái bị sai, làm có những cái chưa có và khi được cộng đồng chấp nhận thì người đó sẽ thành công.
“Đôi khi, một người trải qua nhiều thăng trầm nghề nghiệp thì mới thành công. Chúng ta đừng nghĩ mình chỉ đi theo một con đường. Trong một bản đàn có nhiều nốt nhạc thăng trầm thì bản đàn sẽ phong phú hơn. Người thành công là người tìm giải pháp, người thất bại là người tìm cách biện minh”, Bộ trưởng chia sẻ.
Biết đâu, những giá trị không tưởng mới là giá trị thực tế. Có những sáng kiến vĩ đại bắt đầu từ ý tưởng điên rồ nhất. Một ý tưởng mới mà không ai phản đối thì coi chừng nó không có gì mới mẻ. Đừng nghĩ lãnh đạo là người giải quyết được tất cả vấn đề. Làm lãnh đạo có những áp lực mà đôi khi vì áp lực đó họ không tìm ra được ý tưởng mới mẻ.
Bởi vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp gợi ý Đoàn Bộ cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT”. Bộ trưởng sẽ ngồi dự, và biết đâu các đồng chí đoàn viên, thanh niên sẽ có những góc nhìn mới mẻ hơn, tìm ra những giải pháp hay để giải quyết các vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp.
“Khi nói về chủ đề khởi nghiệp tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi mở đầu bằng hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại hội nghị Bình than vì tức khí khi không được tham dự. Đó là ý chí của tuổi trẻ muốn cống hiến cho đất nước. Bởi vậy, chúng ta cứ nghĩ mình là Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, giám đốc học viện, giám đốc công ty… để góp ý cho lãnh đạo Bộ, cho lĩnh vực của mình chứ không nên quanh quẩn nội dung sinh hoạt Đoàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thương hiệu cá nhân không thể tách rời thương hiệu tập thể
Tại buổi đối thoại, chị Trần Thị Kim Dung - Bí thư Đoàn Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp mong muốn Bộ trưởng chia sẻ về kinh nghiệm để xây dựng thương hiệu cá nhân nhà lãnh đạo. Bộ trưởng cho rằng, nhiều khi chúng ta đặt ra kế hoạch để phát triển bản thân nhưng không thành công. Chúng ta hãy đi rồi sẽ đến. Chúng ta đi bằng sự thôi thúc trong tâm khảm của mình rồi sẽ có người xung quanh góp sức cho chúng ta.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bởi, đó là hành trình chúng ta cùng đi, thu hút những người khác đồng điệu với mình. Thương hiệu cá nhân không thể thoát ly thương hiệu tập thể. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, những người đơn thương độc mã vẫn có thể trở thành anh hùng. Nhưng số đông những người đi đầu là đại diện cho một nhóm người từ sự thôi thúc của tập thể cùng nung nấu ý chí và sẻ chia”, Bộ trưởng quan niệm.
Ông cũng thông tin, gần đây có một cuốn sách mang tên “Lãnh đạo không chức danh”. Tác giả cuốn sách lập luận rằng, ai dẫn dắt người khác được thì người đó là lãnh đạo. Có chức danh, có cái bàn làm việc, có quyết định bổ nhiệm, có thẩm quyền, có mức lương thì đó chỉ là người quản lý. Còn lãnh đạo không có cái đó, đơn giản là họ tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng.
Thông qua đây, ông muốn nhắn nhủ đến các thế hệ đoàn viên, thanh niên của Bộ rằng, nếu chúng ta tin rằng chúng ta thuyết phục được người khác đi trên hành trình cùng chúng ta, thì bản thân chúng ta đã là người thành công rồi. Tiếng Anh có hai chữ mà rất nhiều người đều biết là “go” (đi) và “Let's go!” (hãy đi cùng nhau). Nhà quản lý thường gắn với từ “Go”, còn nhà lãnh đạo gắn với từ ““Let's go!”.
Và, thông điệp sau cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ, đó là: “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Nếu chúng ta không thay đổi thì đừng nghĩ đến sự đổi thay”.
Hiện nay, cả 4 trường đại học, học viện thuộc Bộ NN-PTNT đều tuyển sinh rất khó đối với các chuyên ngành truyền thống. Ví dụ, Đại học Thủy lợi mỗi năm tuyển sinh 5.000 sinh viên nhưng số lượng người học chuyên ngành thủy lợi không đến 500. Bộ NN-PTNT đã xác định được 8 ngành nghề truyền thống cần có chính sách thu hút. Bộ cũng đang làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ để đặt hàng và cấp học bổng cho các bạn sinh viên theo học các chuyên ngành truyền thống này. Mỗi năm, mỗi ngành có từ 5 đến 100 bạn theo học, chúng ta triển khai liên tục trong 5 năm để đánh giá hiệu quả. Tuy vẫn còn vướng mắc về một số quy định, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xin cơ chế để Bộ NN-PTNT được phép đặt hàng trong đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp
Đoàn viên ngày càng già đi
Về băn khoăn của anh Nguyễn Duy Vượng - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Lâm nghiệp trước thực trạng độ tuổi của Đoàn ngày càng cao và lực lượng kế cận bị ngắt quãng. Bộ có giải pháp, chương trình gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đối tượng thanh niên?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định đây là thực trạng rất rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ căn cứ vào độ tuổi để đánh giá một đoàn viên, thanh niên là chưa khách quan. Bởi, trẻ hay không trẻ không quyết định ở độ tuổi, vấn đề là trong đầu người đó có cái gì. Đôi khi, một người 40 tuổi vẫn có suy nghĩ trẻ trung hơn một thanh niên 30 tuổi. Nên chúng ta cần thay đổi nhận thức về cán bộ trẻ của Đoàn.
Toàn thể cán bộ, công nhân viên của Bộ NN-PTNT khoảng 27.000 người. Trong đó, công chức chỉ 2.000 người, vì số lượng công chức không được tăng lên, số lượng về hưu không nhiều nên việc tuyển mới mới công chức (cũng như viên chức) ngày càng ít. Từ đó dẫn đến câu chuyện thiếu cán bộ trẻ tiếp nối. Nếu chúng ta không có giải pháp thì sẽ bị hụt hẫng ở hai khía cạnh: không có thế hệ trẻ kế nhiệm và không có cách để đào tạo thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu công tác.
Vừa rồi, Đảng ban hành một quy định mới, đó là đối với chức vụ cục trưởng, vụ trưởng cho phép quy hoạch những người không có chức danh gì. Đó là cơ hội rất lớn để đoàn viên, thanh niên phấn đấu rèn luyện và phát triển bản thân.
Về câu chuyện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đoàn viên, thanh niên, Vụ Tổ chức Cán bộ sẽ xây dựng đề án để đào tạo cán bộ công chức, viên chức, nhất là các đoàn viên, thanh niên để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt các nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ có khát vọng cống hiến
Đồng chí Tạ Hồng Sơn - Bí thư Đoàn Bộ NN-PTNT cho biết, trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, tuổi trẻ Bộ xác định 10 chỉ tiêu trọng tâm và 8 nhóm giải pháp để triển khai, thực hiện nhằm mục tiêu:
- Bồi dưỡng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến; đạo đức, lối sống văn hóa; phát triển lành mạnh, toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình để ngày càng có nhiều hơn lớp thanh niên tiên tiến.
- Nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn, mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng; lực lượng xung kích cách mạng; trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, đặc biệt là trong chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng Thái