| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân

Thứ Bảy 28/12/2019 , 16:03 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng lực lấy nước phục vụ vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị vào sáng 28/12.

11.000 ha khó khăn về nguồn nước

Sáng 28/12, tại Hội nghị triển khai giải pháp đảm bảo cấp nước gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết:

"Hiện tại tổng dung tích trữ nước các hồ chứa thượng nguồn sông Hồng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 5 tỷ m3. Riêng 3 hồ chứa lớn Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt 3 tỷ m3".

Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Dự kiến, sau 3 đợt xả nước tăng cường phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020, mực nước tại hồ Hòa Bình gần về mực nước chết.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để tiết kiệm nước, ngay từ tháng 10/2019, EVN đã phải vận hành tăng cường các nhà máy điện chạy bằng dầu với chi phí cao hơn rất nhiều các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mực nước trữ hồ Hòa Bình vẫn chỉ đạt 60% dung tích thiết kế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong tổng số 520.000 ha gieo trồng vụ đông xuân, có khoảng 430.000 ha phụ thuộc vào hoạt động xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Hồng.

Và theo thống kê, khoảng 11.000 ha khó khăn về nguồn nước, chiếm khoảng 2,5% tổng diện tích cấp nước vụ đông xuân (tập trung vào 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ và Vĩnh Phúc).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị triển khai giải pháp đảm bảo cấp nước gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

Trong những năm qua, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên đã quan tâm dành nguồn vốn đầu tư xây dựng các trạm bơm dọc sông Hồng và các trạm bơm mực nước thấp. Do đó, cải thiện đáng kể năng lực lấy nước và giảm phụ thuộc vào việc xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện.

Điển hình như tỉnh Hưng Yên đầu tư 20 trạm bơm cột nước thấp; tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành xây dựng 2 trạm bơm lớn là Đại Định và Bạch Hạc, còn tỉnh Bắc Ninh, đến nay hầu hết các trạm bơm lớn đã được xây dựng kiên cố, chỉ còn trạm bơm Tri Phương phải lắp đặt trạm dã chiến.

Riêng tỉnh Phú Thọ xác định có khoảng 650 ha khó khăn về nguồn nước, do đó chủ trương của tỉnh là chuyển đổi 230 ha đất lúa sang cây trồng cạn khác có giá trị.

Đề xuất đầu tư trạm bơm Phù Sa 2

Đối với TP Hà Nội, khó khăn nhất vẫn là việc cấp nước trong vùng phục vụ của trạm bơm Phù Sa (trải rộng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây).

Toàn cảnh hội nghị

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét đưa dự án xây dựng trạm bơm Phù Sa 2 vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2012 - 2025, hoặc có văn bản trả lời chính thức để TP Hà Nội bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn, sử dụng nguồn ngân sách của TP.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, tất cả 12 địa phương đã thống nhất lịch 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020. Và trong quá trình triển khai thực hiện, đoàn công tác giữa Bộ NN-PTNT, EVN và các đơn vị liên quan sẽ đi kiểm tra thực tế tại các địa phương. Nếu còn điều gì bất hợp lý, chúng ta sẽ chủ động điều chỉnh cho phù hợp.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn nước như hiện nay, tinh thần chung là tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ; tăng cường lấy nước ngược để cấp nguồn cho hệ thống thủy lợi và tận dụng nước hồi quy sau đổ ải, không để nước chảy ra biển gây lãng phí.

Bộ trưởng cũng cho biết, đặc trưng năm nay là đất rất được ải, nhưng để tiết kiệm nguồn nước, chúng ta buộc phải phá ải. Nước vào ruộng đến đâu, phải tổ chức cày bừa ngay đến đó để giữ nước. Sau khi ăn tết xong, bà con có điều kiện để cấy ngay.

“Các địa phương cần vận động bà con cấy lúa là chính và khuyến cáo không gieo sạ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài, “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp cho biết, từng địa phương phải rà soát lại về tái cơ cấu nông nghiệp. Vùng trũng thì phải tích thủy để nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Vùng nào không có nước thì chuyển sang cây trồng cạn. Chỉ những vùng thuận lợi về tưới tiêu mới trồng lúa.

Thứ hai, cần rà soát lại thiết chế các công trình thủy lợi để đánh giá, có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa để phù hợp với tình hình mới.

Thứ ba là xem xét phương án xây dựng các đập thông minh trên các lưu vực sông để tránh thất thoát nước ra biển; chủ động dâng nước để đưa vào các công trình đầu mối thủy lợi.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.