| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 28/07/2010 , 11:47 (GMT+7)

11:47 - 28/07/2010

BP tràn dầu, Vedan xả thải và thái độ ứng xử

Hình như có một âm mưu kéo dài, cò kè thương lượng đợi hết thời hiệu khiếu kiện là Vedan “thoát”...

Ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon của BP ở ngoài khơi bờ biển bang Louisiana, Mỹ nổ tung. 11 công nhân thiệt mạng, dầu từ giếng tràn lên ào ạt, ước tính đến 750.000 lít mỗi ngày, gây ô nhiễm cả vùng vịnh Mexico. Luật pháp Hoa Kỳ quy định, các hãng dầu gây ra sự cố, phải chi trả tất cả phí tổn cho các cơ quan chức năng của Chính phủ, cụ thể là Lực lượng bảo vệ bờ biển và An ninh nội địa, để thực hiện việc dọn dẹp dầu tràn. Ước tính mỗi ngày BP phải chi hơn 6 triệu USD cho việc này.

Sau khi thị sát vùng vịnh Mexico, Tổng thống Obama đã nhận định và so sánh thảm hoạ tràn dầu ở vịnh Mexico này là một “vụ 11/9 về môi trường”. Ông lên truyền hình, cam kết với người dân Mỹ sẽ làm 3 việc cụ thể: một chính quyền sẽ nỗ lực hết sức để xử lý dầu tràn, hai bảo vệ người dân đến cùng và ba buộc BP phải...đền tội. Sau phát biểu cứng rắn của người đứng đầu nước Mỹ, cuối cùng BP đồng ý lập quỹ bồi thường, trị giá đến 20 tỷ USD để giải quyết lâu dài những thiệt hại. Câu kết luận là: Chính phủ Mỹ, với thái độ rõ ràng dứt khoát đã buộc người gây ra thảm hoạ, dù là sự cố kỹ thuật khách quan, phải đền bù thích đáng.

Tháng 9/2008, người dân Việt Nam bàng hoàng khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng cho biết Cty Vedan bị cảnh sát môi trường phát hiện đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải nhiều năm liền. Khi sông Thị Vải “chết”, hàng ngàn nông, ngư dân ở đây hết kế sinh nhai. Cần lưu ý rằng việc bức tử sông Thị Vải này là có chủ ý, có tính toán: Vedan đã lén lút chôn những ống ngầm để chủ động đưa nước thải ra sông, trốn chi phí xử lý nước thải công nghiệp theo quy định.

Trong buổi họp có đại diện của Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM cùng Hội Nông dân VN, TGĐ Vedan VN Yang Kun Hsiang ban đầu còn chưa chịu thừa nhận tội lỗi nhưng với chứng cớ rành rành thì quay sang cãi về mức độ vi phạm, về phần trăm trách nhiệm. Điều quá buồn là trong một thời gian dài, chính quyền các tỉnh cũng như Bộ TN- MT, Hội Nông dân VN…chưa tích cực đấu tranh với Vedan đòi đền bù cho người dân. Đáng trách hơn, một số cán bộ chức trách, thay vì tích cực giúp đỡ người dân bảo vệ quyền lợi thì lại bỏ họ bơ vơ, cản trở, thậm chí làm nản chí hay hù doạ những người nông dân đi khiếu kiện.

Hình như có một âm mưu kéo dài, cò kè thương lượng đợi hết thời hiệu khiếu kiện là Vedan “thoát”. Cũng may gần đây báo chí "thúc" dữ quá 3 tỉnh, TP mới quyết tâm đi kiện Vedan. Chính thái độ từng có lúc lừng khừng của chính quyền mà Vedan đã ra giá, mặc cả chuyện đền bù cho nông dân như mớ rau, con cá ngoài chợ.

Chưa hết mà cần nhắc lại hai chuyện như đùa. Thứ nhất, tháng 9/2008 Vedan bị phanh phui việc xả thải bất hợp pháp ra môi trường, huỷ hoại sông Thị Vải thì đùng một cái, năm sau tháng 10/2009 Vedan nhận giải “Sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng”. Thứ hai, trên một video clip, có một quan chức ngành Tài nguyên-Môi trường, khi đi kinh lý vụ sông Thị Vải, đã vốc một bụm nước thải lên ngửi rồi gật gật “hết ô nhiễm”. Thực tế đến nay, Thị Vải vẫn là một dòng sông ô nhiễm, nó chưa thể trở lại bình thường như trước khi Vedan xả thải.

Lẽ nào chúng ta cứ để những người nông dân khốn khổ, bơ vơ ngay trên mảnh đất của họ, nên chăng:

(a) Kêu gọi các mạnh thường quân lập quĩ ủng hộ tiền án phí để nông dân có điều kiện khởi kiện Vedan,

(b) Nhờ các nhà trí thức, luật sư trợ giúp về mặt khoa học, tư pháp

(c) Dấy lên phong trào toàn dân tạm ngưng dùng bột ngọt Vedan cho tới ngày xử xong vụ án?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm