1. Vụ việc Tập thể phụ huynh trường Tiểu học Đông Thọ tố cáo hiệu trưởng và Công ty Phúc Nguyễn cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh trường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) với nhiều nội dung rất nghiêm trọng đã một lần nữa mở toang và đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng không thể làm lơ.
Chỉ xin lấy một ví dụ gần nhất. Cách đây mới gần 3 tháng, một vụ ngộ độc sau bữa ăn bán trú ở trường Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa) đã được báo chí rầm rộ đưa tin. Đáng chú ý, đơn vị cung cấp dịch vụ bữa ăn tại trường này cũng chính là Công ty Phúc Nguyễn. Về số lượng học sinh phải nhập viện: nhà trường báo cáo một đằng nhưng thực tế một nẻo.
Báo Dân Trí cho biết: “Điều đáng nói, trong các báo cáo gửi cơ quan chức năng, ban giám hiệu Trường Tiểu học Điện Biên 1 thông tin có 9 học sinh nhập viện vì rối loạn tiêu hóa. Nhưng thực tế có gần 20 học sinh phải nhập viện để điều trị”.
Cũng trong bài của Dân Trí nêu trên, dẫn lời một lãnh đạo TP Thanh Hóa là bà Phạm Thị Việt Nga, cho biết: “kết quả kiểm tra cho thấy không có yếu tố mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mẫu kiểm tra không có độc tố và vi khuẩn, đạt ở ngưỡng bình thường”. Nhưng, phần cuối của bài báo lại cung cấp thông tin khác hẳn, rằng: “khi cơ quan chức năng đang kiểm tra mẫu thực phẩm thì phụ huynh còn tiếp tục phát hiện khoai lang trong bữa ăn phụ bị mốc xanh”.
Vậy đâu mới là sự thật? Đến nay đã có kết luận về nguyên nhân chính xác gây nên vụ ngộ độc nói trên ở trường Điện Biên 1 hay chưa? Hiện tại, tôi chưa tìm thấy thông tin nào về điều này, mà chỉ thấy sau đó khoảng 1 tháng là lá “đơn cầu cứu” của phụ huynh trường Đông Thọ, mà đến nay đang bị chìm vào một sự im lặng đáng sợ.
Đáng lưu ý hơn, theo thông tin trên Báo VnExpress, hiện Công ty Phúc Nguyễn đang cung cấp dịch vụ bữa ăn bán trú cho 11 trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa. Với mỗi trường khoảng trên 1.000 học sinh, vậy hiện nay công ty này đang nắm giữ và quyết định sự an toàn về sức khỏe của hơn 10 nghìn học sinh tại TP Thanh Hóa.
Nhưng với những gì đã xảy ra như ở trường Điện Biên 1, và với đoạn ghi âm trong đơn tố cáo của Tập thể phụ huynh trường Tiểu học Đông Thọ, “cắt phế” lại cho Hiệu trưởng tới 7.000 đồng/suất ăn, thì đã đủ để các cấp chính quyền và phụ huynh “quan tâm” chưa? Đó là chưa kể, công ty này đã nhiều lần vi phạm và bị phạt, lần lượt vào các năm 2019 và 2023 do liên quan đến dịch vụ cung cấp bữa ăn cho học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa. Chừng đó chưa đủ khiến các vị thấy lo lắng và sợ hãi ư?
Trên đây chỉ là nêu 1 ví dụ để minh họa, còn chuyện “cắt xén” bữa ăn của học sinh bán trú trong thời gian qua đã được báo chí phản ánh như một sự nhức nhối đang hiện diện ở khắp mọi nơi, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến tận đô thị miền Nam. Nó cần được tổng rà soát, và thay đổi một cách căn bản, triệt để - để vừa bảo vệ sức khỏe của thế hệ tương lai, vừa góp phần chấn hưng đạo đức trong giáo dục.
2. Vấn đề “bữa ăn bán trú” đã vượt ra ngoài “chuyện tiêu cực” thông thường, và đặt ra một câu hỏi nhức nhối về đạo đức nhà giáo. Có thể nói, nó xấu xa hơn hết thảy mọi loại vi phạm. Điều gì đang xảy ra khi những người làm lãnh đạo giáo dục, ngày ngày lên bục cao nói những điều đẹp đẽ có cánh để đòi hỏi học sinh và giáo viên phải sống tử tế, nhưng đồng thời chính họ lại lén lút ăn bớt phần cơm của các em và đồng nghiệp mình? Tệ hơn, không chỉ là “cắt xén” hay “ăn bớt”, về bản chất đây là hành vi đánh tráo chén cơm của học trò.
Với những bữa ăn bị “ăn vụng” tàn bạo như thế, nó phải thay đổi hoàn toàn về chất lượng thực phẩm. Để phần cơm trông vẫn đầy và “coi được”, rất có thể những thứ thực phẩm ôi thiu, hư thối đã được chuyển vào bếp ăn trước khi được dọn lên cho học sinh đưa vào miệng. Và rồi những ngộ độc như ở trường Điện Biên 1 đâu có gì khó hiểu, phải không?
Đó là nói ngộ độc, cái có thể nhìn thấy, còn những tàn phá âm thầm, lâu dài mà chưa bộc phát ngay ra ngoài, thì không ai có thể đo đếm và lường hết hậu quả được khi triền miên phải ăn uống những thứ thức ăn như thế vào cơ thể.
Vi phạm pháp luật về tội đưa và nhận hối lộ thì đã đành, nhưng hơn thế, nó đặt hàng vạn học sinh - thế hệ tương lai của đất nước vào chỗ nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng và thể chất. Đạo đức tối thiểu của một con người, dù là người thất học, cũng không cho phép họ làm điều đó, huống gì đây lại là các vị hiệu trưởng - người đang nắm giữ sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ?
Một giáo viên vi phạm có thể chỉ ảnh hưởng đến dăm chục học sinh, nhưng một hiệu trưởng thì khác, nó phá hỏng toàn bộ môi trường giáo dục, hủy hoại các mối quan hệ vốn phải là lành mạnh trong môi trường ấy; nó gián tiếp chặn đứng và phá hoại luôn công cuộc đổi mới giáo dục.
Trong loạt bài “Giáo dục Việt Nam và những tiếng nói trung thực” đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, trong bài số 2 “Tử huyệt của đổi mới giáo dục và những việc cần làm ngay” tôi đã nêu: “Tính chất quan liêu vẫn đang ngự trị trong quản lý giáo dục, biến các cơ sở giáo dục phổ thông thành các “vùng cát cứ” với cách điều hành nặng về mệnh lệnh hành chính và uy quyền cá nhân” [của Hiệu trưởng và “lãnh đạo” nói chung]; và vì thế cần phải thay đổi cơ cấu quyền lực trong nhà trường, không thể để hiệu trưởng tiếp tục làm vua chúa một cõi, thao túng và lũng đoạn nhà trường. Nếu không giải quyết được nút thắt quyền lực này để dân chủ hóa môi trường giáo dục thì nhà trường sẽ tiếp tục bị thao túng, những tiêu cực, sai trái vẫn sẽ không cách gì ngăn chặn được.
Đạo đức là thứ không thể “kêu gọi” mà có được, nó cần một cơ chế hợp lý, khoa học và tiến bộ để sinh thành, nuôi dưỡng và lớn lên. Không có nó, mọi hô hào đều vô ích, và chỉ càng làm sinh ra thói đạo đức giả mà thôi.