| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/03/2024 , 13:52 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

13:52 - 25/03/2024

Lẽ phải, đạo đức cá nhân và trách nhiệm xã hội

Trên mạng xã hội, bác sĩ Lê Nhàn dẫn một câu chuyện, và hỏi ý kiến bạn đọc về đúng sai, tốt xấu của những người liên quan đến câu chuyện ấy.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tóm tắt chuyện như sau: Một nữ hành khách mua 10 vé xe nhưng chỉ đi có 7 người, ba giường bỏ trống. Lúc lên xe thì lại có 3 người đang phải ngồi “giường luồng” – tức ngồi trên hành lang, vì đã hết giường. Nhà xe cho 3 người này lên 3 chiếc giường trống kia nằm, nhưng chị khách dứt khoát không chịu, cuối cùng 3 chiếc giường ấy vẫn bỏ trống còn 3 người khách kia thì vẫn phải ngồi giường luồng. Hỏi, đúng sai hay dở chỗ nào. Mọi người bàn luận rất sôi nổi. Tôi thấy đây là một tình huống rất thú vị, đụng đến những vấn đề căn bản của nhận thức và ứng xử, nên xin nêu suy nghĩ của mình ra đây.

Trước hết, muốn ứng xử cho đúng chúng ta phải dựa trên các nguyên tắc có tính phổ quát, chứ không thể dùng tình cảm cá nhân để phán xét đạo đức rồi đưa ra kết luận. Với tôi, các nguyên tắc ấy là, xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: sự thật, lẽ phải, và điều tốt.

Nguyên tắc đạo đức cao nhất là phải tôn trọng sự thật. Sự thật trong câu chuyện này là vị nữ hành khách đã mua 10 vé, và 3 vị khách kia đã mua 3 giường đường hoàng chứ không phải mua cái chỗ hành lang ấy (vì thực ra không ai gọi cái chỗ hành lang ấy là giường cả, và ngay cả phải ngồi giường luồng thì nó cũng thường không có giá thấp hơn, và về luật cũng là không đúng khi nhà xe cho khách ngồi ở vị trí ấy).

Vậy, cái sai đầu tiên là thuộc về nhà xe. Anh bán vé cho người ta thì phải có đủ chỗ cho họ, và vé đã bán rồi thì họ có quyền sử dụng nó hay không, tùy ý. Cho nên, đầu tiên, và quan trọng nhất, là không thể quy kết đạo đức của vị nữ hành khách, mà phải đòi hỏi trách nhiệm của nhà xe. Ở đây, sự TRUNG THỰC là phẩm chất đạo đức căn bản và cao nhất mà chúng ta cần hướng tới và đòi hỏi, trước khi nói đến lòng tốt. Và để sự trung thực này đi vào cuộc sống thì quản lý nhà nước phải thực hiện trách nhiệm của mình, một cách tận tụy, đầy đủ, không để các nhà xe làm ăn gian dối.

Thứ hai là lẽ phải. Lẽ phải trong câu chuyện này là người ta đã mua vé, vậy 10 chỗ ngồi/ nằm ấy là thuộc về quyền sở hữu của họ. Nếu anh muốn sử dụng chúng thì phải thương lượng, họ đồng ý thì được, không thì anh phải vui vẻ chấp nhận. Anh không thể lấy lý lẽ rằng, “chị đang bỏ không, sao không cho người ta nằm, người đâu mà ích kỷ thế!”. Anh mua một khu đất nhưng 10 năm không trồng tỉa gì, đó cũng là quyền anh, nếu có ai đó vì không có đất canh tác mà muốn trồng trọt trên khu đất ấy, tất nhiên phải tới hỏi nhờ hoặc thuê. Và anh không thể quy kết họ rằng họ sai vì họ đã không cho anh trồng trọt trên khu đất của họ. LẼ PHẢI là như thế.

Vậy căn cứ vào đâu để nhận biết những lẽ phải trong đời? Theo tôi, cũng từ trên xuống, là dựa vào các giá trị phổ quát về quyền con người, quyền công dân và các quy định của pháp luật (phù hợp với các quyền phổ quát đó). Con người có quyền có suy nghĩ riêng và quyền nói ra suy nghĩ ấy (gọi là tự do tư tưởng và tự do biểu đạt), đó là giá trị phổ quát về quyền con người, anh không được nhân danh bất cứ điều gì để bịt mồm họ - đó là lẽ phải. Con người có quyền tư hữu, đó là lẽ phải. Bất cứ ở đâu không tôn trọng các giá trị kiểu này, thì ở đó chưa thể nói đến đạo đức; và nếu cứ nói và đàn áp người khác để bắt nghe thì đó là đạo đức giả.

Thứ ba là điều tốt. Khi Sự thật, Lẽ phải được tôn trọng rồi, lúc này mới nói đến lòng tốt của một con người. Một người có rất nhiều tiền, nếu họ có lòng thương người và mang tiền ấy đi cho những người nghèo khổ, thì rất đáng kính trọng. Nhưng họ không cho thì cũng không thể nhân danh đạo đức để tước đoạt tài sản của họ. Anh vẫn phải tôn trọng quyết định của người ta trong việc cho hay không cho.

Một xã hội đã bảo đảm được nguyên tắc tôn trọng sự thật và lẽ phải, thì cơ bản nó tốt đẹp. Còn nếu không, khi nó vận hành trên dối trá và bất công thì đạo đức không những rất khó sinh ra mà còn bị băng hoại và triệt tiêu theo thời gian. Vì thế, đứng về mặt xã hội, một sự bảo đảm về sự thật và lẽ phải phải là đòi hỏi đầu tiên và và ở địa vị quan trọng nhất, trước khi bàn về đạo đức cá nhân.

Chúng ta hãy hình dung rằng, giả sử vị nữ hành khách kia là người không có tâm nhường giường bao giờ, nhưng nhà xe tuân thủ và đã bán vé đường hoàng cho 3 vị khách kia thì 3 chiếc giường bỏ trống ấy không gây thiệt thòi và khó chịu cho bất cứ ai, quyền lợi của tất cả các bên đều được bảo đảm, và bảo đảm trên diện rộng. Khi chúng ta chỉ dựa vào lòng tốt cá nhân, thì nếu gặp được vị khách rộng lượng nhường giường là may mắn, nhưng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng vạn trường hợp khác vẫn đang phải ngồi hành lang trên các chuyến xe mỗi ngày, thì tính sao? Sự bất công và rối loạn xã hội sẽ từ đây sinh ra, do không tuân thủ sự thật và lẽ phải.

Ngày nay, sự phán xét đạo đức cá nhân dường như đang chiếm thế thượng phong, mà quên mất hoặc làm mờ đi những đòi hỏi ban đầu ấy [sự thật, lẽ phải]. Việc tuyên truyền cũng thế, có một chiến lược nêu “tấm gương người tốt việc tốt” đang soán ngôi sự đòi hỏi đối với sự thật và lẽ phải, nó vô hình trung đặt trách nhiệm xã hội lên vai đạo đức cá nhân, thậm chí coi đạo đức cá nhân là nguyên do chính của những bất ổn xã hội. Đó là một sự ngụy biện tinh vi.

Một xã hội lý tưởng là khi ở đó, cả sự thật, lẽ phải và đạo đức [cá nhân] đều được bảo đảm, tôn trọng, và nuôi dưỡng. Có được hai vế đầu tiên thì đạo đức sẽ dễ sinh thành và lớn lên; bằng không, một khi thiếu chúng, việc kêu gọi đạo đức sẽ trở nên bấp bênh, thậm chí thành không tưởng.

Vì thế, muốn chấn hưng đạo đức xã hội, như đã phân tích, đầu tiên và quan trọng nhất, là tôn trọng sự thật và lẽ phải. Không có nó, mọi nỗ lực đều không hứa hẹn mang lại kết quả. Nó như thổ nhưỡng, sẽ quyết định phẩm chất đạo đức của những cái “cây cá nhân” sẽ mọc lên như thế nào. Đừng tư duy ngược, vì ngay trong sự nhận thức và hành xử để đòi hỏi một loại thổ nhưỡng như thế, chúng ta đang thực hành đạo đức công lợi một cách căn bản và có chiều sâu.