| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu sắn, rau quả tăng mạnh trong tháng 1/2024

Thứ Năm 08/02/2024 , 12:11 (GMT+7)

Bộ Công thương đánh giá, nhóm hàng nông, thủy sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu tháng đầu năm với kim ngạch ước 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng trong tháng 1/2024.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng trong tháng 1/2024.

Lập đỉnh sau 15 tháng

Báo cáo tình hình xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024, Bộ Công thương đánh giá, nhóm hàng nông, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt  274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2024 khi giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.

Cụ thể, giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%... Ngược lại, giá xuất khẩu phân bón giảm 13,6%, giá chất dẻo giảm 11,7%; giá xơ, sợi dệt các loại giảm 11,7%....

Nhờ sự tăng trưởng của việc xuất khẩu nông sản, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24,9%; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 704 triệu USD, giảm 11,4%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu đề nghị doanh nghiệp quan tâm đến những rủi ro về vận chuyển khi qua Biển Đỏ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu đề nghị doanh nghiệp quan tâm đến những rủi ro về vận chuyển khi qua Biển Đỏ.

Lưu ý tình hình Biển Đỏ

Từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài thêm từ 10 đến 15 ngày so với trước, do phải di chuyển hơn 6.000km.

Kênh đào Suez là lối tắt cho tàu thuyền đi qua các cảng châu Âu, Bắc châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại Dương, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.

Cùng với những hạn chế về tàu qua kênh đào Panama do tình trạng khô hạn (El Nino), xung đột tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là với. khu vực châu Âu và Bắc Mỹ - hai thị trường trọng điểm.

Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, giá cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Hoa Kỳ, Canada tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước tàu đến Bờ Tây tăng từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container tháng 1/2024 (tương đương 55 - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 1/2024 (58 - 73%).

Cước đi Hamburg (Đức) tăng từ 1.200 - 1.300 USD tháng 12/2023 lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/2024. Ngoài ra, là tình trạng thiếu container rỗng.

Để giải quyết những vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất việc phân luồng hàng hóa và lựa chọn tuyến đường thay thế.

Theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang châu Âu có thể xem xét một số tuyến như đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến châu Âu, hoặc tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

"Khi đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần quan tâm và chú trọng tới điều khoản về vận chuyển, giao hàng và bảo hiểm, nhằm bảo vệ trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường này", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ, và tham gia của các hãng tàu, nhằm cung cấp giải pháp tối ưu trong bối cảnh này. "Trong năm 2023, hàng xuất và nhập đều giảm mạnh, nên các hãng tàu cắt giảm tàu mẹ, lại thêm tác động từ Biển Đỏ thì độ trễ tăng gấp đôi. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong có sự chung tay của các hãng tàu”, ông Nam đề nghị.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

NESCAFÉ Plan giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 30%/kg cà phê

Chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác với Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ nông dân trồng cà phê thực hành nông nghiệp tái sinh.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.