| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu sắn đặt mục tiêu 2 tỷ USD

Thứ Năm 27/06/2024 , 15:44 (GMT+7)

Ngày 27/6, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không còn là cây xóa đói giảm nghèo

Theo Cục Trồng trọt, sắn (mì) là một trong số các cây trồng được đưa vào danh mục sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia, đóng góp vai trò vô cùng quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Thúc đẩy ngành hàng sắn phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung: Thúc đẩy ngành hàng sắn phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ với diện tích dao động từ 520.000 - 550.000 ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi.  

Về chế biến, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, với khoảng trên 70 nhà máy, phần lớn được đầu tư bàn bản, đang trong quá trình cập nhật và nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm từ sắn.

“Có thể thấy, tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, cây sắn không phải là cây xóa đói, giảm nghèo như những hình dung trước đây mà đã phát triển thành một loại cây trồng đa giá trị, có hiệu quả kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì ổn định từ 1 - 1,4 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh.

Dịch khảm lá sắn được khống chế

Theo Cục BVTV, tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và lan rộng ra cả nước. Đỉnh điểm năm 2021, tổng diện tích nhiễm bệnh là 120.686ha (nhiễm nặng 30.035ha).

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong việc phòng chống bệnh, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác... được nghiên cứu và từng bước áp dụng vào sản xuất.

Sắn là cây trồng đa giá trị, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sắn là cây trồng đa giá trị, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá như HN3, HN5, HN36, HN97, HN80, HN1 đã được lưu hành và phát triển trong sản xuất. Kèm theo đó là các quy trình nhân giống sạch bệnh, quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn, các quy trình canh tác sắn cũng đã được xây dựng, ứng dụng trong thực tế sản xuất.

Hiện cả nước có khoảng 5.500ha diện tích sắn đã được nông dân trồng bằng giống kháng bệnh. Chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai… Năm 2023, tổng diện tích nhiễm bệnh là 83.734ha, nhiễm nặng 20.956ha, giảm hơn 30% so với năm 2021.

“Nguồn bệnh lây lan dịch bệnh khảm lá sắn chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng trong khi không kiểm soát được nguồn hom giống vận chuyển từ vùng này sang vùng khác, nhất là vùng bị bệnh sang vùng không bị bệnh. Năng suất sắn ở những diện tích mới bị nhiễm bệnh thường chỉ giảm nhẹ nhưng nếu dùng giống đã bị nhiễm bệnh tiếp tục trồng vụ sau năng suất sẽ giảm mạnh hoặc không cho thu hoạch. Do vậy, kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh là 2 nội dung quan trọng nhất hiện nay”, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chia sẻ.

Nâng tầm vị thế

Vai trò và vị thế của cây sắn trong bản đồ nông nghiệp Việt Nam đã được xác lập rõ ràng. Để trợ lực ngành sắn, mới đây, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Ngành hàng sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Ngành hàng sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp cho đề án như: nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng sắn; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn.

Quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững nhất là vùng đất nghèo, đất dốc; tổ chức truyền thông làm rõ vai trò của cây sắn và ngành hàng sắn. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thông qua các biện pháp chủ yếu là trồng giống kháng, giống sạch bệnh.   

Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho rằng, những năm qua, ngành hàng sắn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Có thể kể đến như kim ngạch xuất khẩu luôn đứng vào top đầu trong các mặt hàng nông sản, năng suất sắn cao thứ 5 trong số 10 quốc gia sản xuất sắn hàng đầu thế giới, một số giống sắn kháng bệnh khảm lá đã được phát triển tại các vùng trồng sắn trong cả nước; nhiều công nghệ chế biến sắn như sản xuất tinh bột sắn biến tính đã được đưa vào áp dụng tại nhiều nhà máy sản xuất sắn tại Việt Nam…

Doanh nghiệp ngành sắn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn. Ảnh: Trần Trung.

Doanh nghiệp ngành sắn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng sắn, xứng tầm vị thế trong thời gian tới thì vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. Ví dụ như việc tổ chức sản xuất sắn còn chưa bền vững: khả năng sản xuất và phạm vi sử dụng giống kháng bệnh khảm lá còn thấp, kỹ thuật canh tác đã có nghiên cứu nhưng chưa chuyên sâu vào đặc thù của từng vùng sinh thái, từng điều kiện canh tác, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu trồng sắn còn hạn chế, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất sắn còn thấp.

Các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn còn thiếu, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc mà chưa mở rộng được ra các thị trường khác vốn cũng đang có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế như thị trường EU…

“Sau hội nghị này, tôi đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng nhau triển khai các nội dung đã thống nhất, thúc đẩy ngành hàng sắn phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường…”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.