| Hotline: 0983.970.780

'Bước chuyển dịch' ở Vĩnh Phúc: Hướng tới thị trường thực phẩm an toàn

Thứ Ba 05/05/2015 , 09:38 (GMT+7)

Đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mại nông sản hàng hóa của vùng, trước hết Vĩnh Phúc phải xây dựng được các vùng sản xuất nông sản tập trung với quy mô lớn và đạt chất lượng VSATTP…/ Gỡ nút thắt lao động, việc làm

Điểm nghẽn nông sản hàng hóa

Vĩnh Phúc là tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nhiều khu vực vốn là vùng trồng rau quả lâu năm đã phải chuyển đổi thành khu công nghiệp và dịch vụ khiến tình trạng sản xuất nông nghiệp càng trở nên manh mún, gây khó khăn trong việc xây dựng các cánh đồng lớn, tạo vùng sản xuất hàng hóa trên diện rộng.

Để khắc phục hạn chế trên, từ mấy năm qua, Vĩnh Phúc xác định lấy một số cây rau quả kinh tế cao làm cây trồng chủ lực: Bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa các loại, ớt, khoai tây, su su…, đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ nhằm tạo vùng hàng hóa lớn.

Sau 4 năm thực hiện chính sách, diện tích các loại rau quả tăng dần và bắt đầu hình thành một số mô hình gom ruộng để phát triển sản xuất quy mô lớn tập trung, từ đó thu hút doanh nghiệp, thương lái tìm đến thu mua sản phẩm tại ruộng giúp bà con yên tâm sản xuất.

Những vùng rau hàng hóa đó là: Bí đỏ, bí xanh (các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Dương); dưa chuột, cà chua, dưa hấu (Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc); su su, ớt (Tam Đảo)...

Tuy đã có một số vùng trồng trọt hàng hóa nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc vẫn chưa thực sự bứt phá, chất lượng rau quả chưa được đảm bảo do tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc BVTV, sản phẩm lại bán tự phát cho thương lái nên nông dân bị ép giá và đặc biệt là công tác tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn, rất khó phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn thực sự.

Chính sách và cách làm

Trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm thực hiện chính sách, đề án tái cơ cấu của Vĩnh Phúc lần lượt đưa ra các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại từ thực tiễn.

Thứ nhất, đối với những vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành, tỉnh vẫn tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp nhưng áp dụng theo tiêu chuẩn của VietGAP và GlobalGAP để đảm bảo chất lượng VSATTP.

Thứ hai, Vĩnh Phúc chủ trương mở rộng diện tích trồng nông sản hàng hóa đạt chất lượng VSATTP lên tới 11.100 ha; giá trị sản xuất vùng hàng hóa đạt 130-150 triệu đồng/ha/vụ trong giai đoạn 2016-2020.

Để làm được việc này, tỉnh xác định tháo gỡ khó khăn về hạn điền, tích tụ ruộng đất và cách của Vĩnh Phúc làm là đứng ở nhiều góc độ khác nhau để có cái nhìn đa chiều: Của cán bộ địa phương, của doanh nghiệp và của người nông dân có đất…, từ đó tìm lối mở cho sản xuất.

 Câu hỏi đầu tiên cho đề án mở rộng diện tích trồng trọt nông sản hàng hóa là sẽ mở rộng ở đâu và kèm theo đó tỉnh có chính sách hỗ trợ tiền để các xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất rau quả tập trung.

Tiếp đến là làm sao để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất trên diện rộng và tạo ra các sản phẩm có chất lượng đồng bộ?

Giải quyết vấn đề này, Vĩnh Phúc tuyên bố sẽ dành ngân sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng đất trồng rau quả với mức 6 triệu đồng/ha/năm trong vòng 10 năm nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích và thuê ruộng đất của nông dân, tỉnh thành lập các tổ công tác ở mỗi huyện, thành, thị mỗi tổ 3 người gồm 2 cán bộ chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai và 1 cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường để hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng, chuyển đổi để dồn ghép, thuê lại đất, kí hợp đồng thuê đất; tiếp nhận đăng kí và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tương tự, ở cấp xã cũng thành lập tổ công tác 3 người hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính nói trên.

Nhu cầu về rau của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu là rất lớn. Dự báo nhu cầu nhập khẩu rau quả Việt Nam của Trung Quốc sẽ tăng 40%, của Mỹ tăng trên 40%, Nhật Bản tăng 20% vì vậy nếu sản xuất rau theo đúng tiêu chuẩn GlobalGAP thì thị trường tiêu thụ sẽ mở rộng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Bên cạnh những chính sách cơ bản nêu trên, Vĩnh Phúc còn triển khai thêm nhiều nhóm chính sách bổ trợ khác nhằm tạo sự đồng bộ như: Chính sách đào tạo nông dân, lao động nông thôn chuyên nghiệp; chính sách hỗ trợ thuê kĩ sư nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn kĩ thuật theo đơn vị diện tích 50 ha/người; chính sách ưu đãi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ…

"Mượn" thương hiệu cho nông sản Vĩnh Phúc

Xây dựng thương hiệu là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường nông sản. Kinh nghiệm cho thấy địa phương nào xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình thì kinh tế của cả vùng sản xuất gắn với nông sản đó sẽ phát triển nổi bật.

Điển hình, trong những năm gần đây, chúng ta thấy có những thương hiệu được hình thành và đứng vững như: cam sành Hà Giang, cam Cao Phong (Hòa Bình), chè Tân Cương (Thái Nguyên), vải Lục Ngạn (Bắc Giang)…

 Ngược lại, cũng có rất nhiều những thương hiệu đã được đăng kí nhưng không thể phát triển. Điều đó cho thấy việc xây dựng thương hiệu không đơn thuần chỉ là đăng kí chứng nhận pháp lý mà quan trọng nhất của thương hiệu chính là niềm tin người tiêu dùng.

Riêng đối với các sản phẩm như rau ăn lá, củ quả thì việc xây dựng nên một thương hiệu đảm bảo VSATTP thật sự khó bởi từ lâu niềm tin của người tiêu dùng đã bị bào mòn và dường như người ta chỉ tin duy nhất những sản phẩm tự trồng riêng ở góc vườn hay hộp xốp trên sân thượng.

Để phát triển thành vùng thương mại, nông sản của Vĩnh Phúc cũng cần phải có một thương hiệu, tuy nhiên tỉnh không tự mình xắn tay vào việc khó để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản riêng mà khôn khéo “mượn” thương hiệu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín để chiếm niềm tin người tiêu dùng.

Chưa khởi động chương trình tái cơ cấu, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho tập đoàn VinGroup 500 ha để trồng rau ATVSTP và xây dựng các mô hình sản xuất rau theo quy trình công nghệ cao của Israel và Nhật Bản.

Thông tin này nhanh chóng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, kèm theo tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn khẳng định hoạt động sản xuất thực phẩm sạch là vì sức khỏe cộng đồng không nhằm mục tiêu lợi nhuận đã đem lại cho người tiêu dùng hy vọng về cơ hội được sử dụng những sản phẩm rau an toàn trong chuỗi siêu thị Vinmart.

Điều đó đồng nghĩa với nông sản Vĩnh Phúc sẽ gắn với thương hiệu tập đoàn VinGroup và quy trình sản xuất sẽ phải được sự giám sát quản lý chặt chẽ của tập đoàn này.

Tâm sự với PV Nông nghiệp Việt Nam về cách làm thương hiệu cho nông sản Vĩnh Phúc, ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng khái thể hiện niềm tin vào doanh nghiệp: “Tôi nói với lãnh đạo Tập đoàn VinGroup rằng tôi đồng ý và không cần phải trao đổi nhiều. Vì VinGroup là một thương hiệu mà tôi tin họ sẽ phải làm những điều tốt nhất”.


15-12-17_bui-vn-toÔng Bùi Văn Tạo – PHó Chủ tịch xã An Đạo, huyện Tam Dương:

Việc khó nhất của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tích tụ ruộng đất. Nếu nói xây dựng cánh đồng giá trị 130-150 triệu đồng/ha/vụ thì nông dân ở xã tôi đã làm được từ lâu rồi.

Nói có thể chẳng ai tin nhưng có những hộ gia đình mỗi năm gieo trồng tới 5 vụ. Chưa kịp thu hoạch vụ này người ta đã ươm bầu chuẩn bị cho vụ tới vì vậy giá một sào ruộng chuyển nhượng ở đây đã lên tới 150 triệu đồng, thậm chí chỉ dồn đổi ruộng trên với ruộng dưới thôi cũng phải mất thêm hàng chục triệu đồng.

Giá đất nông nghiệp cao như thế thì việc dồn đổi hay cho thuê ở trên địa bàn xã An Đạo là gần như không thể.

 

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.