| Hotline: 0983.970.780

'Bước chuyển dịch' ở Vĩnh Phúc: Sẵn sàng cạnh tranh

Thứ Tư 06/05/2015 , 09:17 (GMT+7)

Đặt trọng tâm phát triển là chăn nuôi lợn, bò sữa và bò thịt, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Vĩnh Phúc thoạt nghe có vẻ thiếu điểm nhấn mang tính đột phá./ Hướng tới thị trường thực phẩm an toàn

Bởi lẽ, vẫn chỉ là nuôi lợn, chăn bò đâu có gì đặc biệt mà gọi là tái cơ cấu?

Thế nhưng, để lựa chọn ra những vật nuôi chủ lực của tỉnh, các cấp lãnh đạo địa phương này cho hay, họ đã phải tính toán căn cơ trên cơ sở khoa học và những số liệu khảo sát thị trường…

Phép tính phổ quát

Nói về định hướng phát triển chăn nuôi ở Vĩnh Phúc, ông Bùi Như Ý – PGĐ Sở NN-PTNT khẳng định ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc sẽ không đi theo hướng đặc sản vì vậy trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh sẽ không thể tìm thấy những điểm “mới, lạ” như người ta mong đợi.

Quan điểm của Vĩnh Phúc chỉ tập trung khuyến khích cho những sản phẩm phục vụ đông đảo nhân dân các vùng miền. Mà những sản phẩm đó phải là sản phẩm thế mạnh của tỉnh, nằm trong tầm kiểm soát quản lý chặt chẽ, cả về chất lượng giống. Cho nên Vĩnh Phúc không chọn các giống gia cầm, thủy sản… mà chỉ chọn 3 đối tượng vật nuôi làm chủ lực đó là bò thịt, lợn và bò sữa.

Để đánh giá chính xác về nhu cầu sử dụng thịt lợn, thịt bò trên thị trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành phát phiếu điều tra xã hội. Kết quả cho thấy trên 4.000 phiếu khảo sát nhu cầu thịt lợn có tới 70% hộ gia đình sử dụng hàng ngày và trên 1.400 phiếu khảo sát nhu cầu thịt bò có 30% hộ gia đình sử dụng.

Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ thịt bò tại các đô thị, nhà hàng cũng đang ngày một gia tăng góp phần khiến giá thịt bò luôn ở mức cao so với các sản phẩm khác. Riêng đối với thị trường sữa, hiện nay có tới trên 70% lượng sữa tiêu thụ trong nước đang phải nhập khẩu. Số liệu đó cho thấy, nhu cầu của thị trường trong nước về các sản phẩm thịt bò, thịt lợn và sữa còn rất lớn.

Cũng theo ông Ý thì tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 90.100 con bò thịt , 7.800 con bò sữa và 505.960 con lợn và tỉnh liên tục “xuất siêu” thịt lợn cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Thậm chí, ngay cả khi Vĩnh Phúc có dịch, các tỉnh miền núi vẫn gọi điện đề nghị “chuyển hàng” vì không thể để người dân thiếu thịt.

Cơ hội trong thách thức

Việc hàng trăm ngàn con bò Úc được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 đã dấy lên lo ngại về “lựa chọn” bò thịt làm sản phẩm mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thì giống bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam chiếm ưu thế cạnh tranh hơn hẳn so với giống bò trong nước hiện nay.

Bò Úc nhập khẩu có tầm vóc to hơn tới gần gấp đôi, thịt thơm ngon hơn và cho tỉ lệ thịt thu hoạch được nhiều hơn. Trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của bò nhập khẩu, hầu hết các chuyên gia kinh tế băn khoăn liệu Vĩnh Phúc có nên chọn bò thịt làm vật nuôi chủ lực?

Những người làm nông nghiệp ở Vĩnh Phúc lại nghĩ khác. Họ vừa nhìn thấy tiềm năng của thị trường trong nước lại vừa nhìn thấy dư địa để khai thác lợi thế cạnh tranh của đàn bò thịt địa phương. Đàn bò lai của tỉnh chủ yếu là bò địa phương được lai giống bò Brahman, Sind để có trọng lượng trung bình từ 250-300 kg; tỉ lệ bò lai chiếm khoảng 82%, còn lại là giống bò “cóc” tầm vóc nhỏ.

Nếu đặt bên cạnh đàn bò Úc nặng hơn 500 kg/con, cho tỉ lệ thịt hơn 60% thì chắc chắn đàn bò của Vĩnh Phúc không thể cạnh tranh về mọi phương diện. Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu của Vĩnh Phúc chính là để giải quyết vấn đề này.

Tính đến tháng 3/2015, tổng đàn bò sữa của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 7.800 con, cho sản lượng sữa trên 12 ngàn tấn. Quy mô đàn bò sữa của tỉnh đứng thứ 8 trên cả nước và đứng thứ 2 ở ĐBSH chỉ sau TP Hà Nội, tốc độ tăng trưởng quy mô đàn bò là 28,8%/năm. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng quy mô đàn bò ở mức 20%/năm thì đến 2019 đàn bò sữa của Vĩnh Phúc sẽ đạt 13.000 con. 
Năng suất sữa hiện nay trung bình 16 lít/ngày của đàn bò Vĩnh Phúc tương đương với năng suất chăn nuôi quy mô hộ ở các tỉnh khác nhưng khá thấp so với các công ty chăn nuôi như Vinamilk là 26 lít/ngày và TH Truemilk là 30 lít/ngày. Như vậy, cơ hội để tăng năng suất sữa ở Vĩnh Phúc còn rất lớn.

Khi lên kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt, Vĩnh Phúc không chủ trương nhân rộng số lượng tổng đàn mà sẽ tập trung vào cải tạo chất lượng giống bằng tinh bò thịt cao sản: BBB, Limocin, Droughmaster cho toàn đàn bò của tỉnh nhằm tăng khối lượng bò thịt lúc giết mổ, từ đó tăng sản lượng thịt bò thu hoạch đảm bảo > 50%.

Mục tiêu đặt ra so với trọng lượng của bò Úc có thể vẫn chưa bằng nhưng đàn bò của Vĩnh Phúc chưa chắc đã kém cạnh tranh vì không phải vận chuyển xa xôi.

Xét về khả năng thành công, việc cải tạo đàn bò, nâng cao sức cạnh tranh đối với Vĩnh Phúc là trong tầm tay bởi trong giai đoạn 2006-2012 tỉnh đã từng thực hiện cải tạo đàn bò địa phương trở thành đàn bò lai Sind với tỉ lệ 82%. Điều quan trọng là hiệu quả của việc Sind hóa đàn bò địa phương đã khiến cho tổng đàn bò của Vĩnh Phúc giảm mạnh mà sản lượng thịt hơi vẫn tăng.

Cụ thể năm 2006 tổng đàn bò của tỉnh Vĩnh Phúc là 177.143 con, đến năm 2012 chỉ còn 94.065 con. Còn sản lượng thịt hơi năm 2006 tỉnh Vĩnh Phúc thu được là 2.835 tấn, đến năm 2012 là 6.000 tấn. Tức là chỉ sau 6 năm cải tạo đàn bò, thành tích mà Vĩnh Phúc đạt được là: tổng đàn giảm gần một nửa mà sản lượng thịt thu được lại tăng gấp đôi.

Tái cơ cấu, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục cải tạo đàn bò một lần nữa trong 5 năm tới, dự kiến mỗi năm bình tuyển ra 10.000 con bò cái sinh sản hạt nhân trong đàn cái nền của tỉnh và phối tinh nhập ngoại (80% tinh bò Brahman; 20% tinh bò thịt cao sản: BBB, Limocin, Droughmaster) cho đàn bò trên.

Ngoài ra, để đảm bảo đàn bò không bị lai tạp, tỉnh cũng đồng thời áp dụng chính sách thiến 10.000 con bò đực (cóc)/năm không đủ tiêu chuẩn làm giống. Toàn bộ chi phí tinh nhập ngoại, chi phí bình tuyển bò giống, thiến bò… đều được ngân sách tỉnh tài trợ.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nằm trong quy hoạch sẽ được tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí để xây dựng hạ tầng về giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, thiết bị và xử lý chất thải. 
Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ chi phí giết mổ đối với những cơ sở giết mổ có công suất 5 tấn/ngày đêm trở lên với hạn mức 20.000 đồng/con lợn; 60.000 đồng/trâu, bò và 1.000 đồng/gia cầm trong 3 năm đầu.

Tương tự, đối với phát triển chăn nuôi lợn, tỉnh xác định giống là giải pháp quan trọng nhất sau đó mới kể đến công nghệ, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng. Tính đến thời điểm hiện tại sản lượng thịt lợn của Vĩnh Phúc đạt trên 72 ngàn tấn/năm với tốc độ tăng bình quân 3,17%/năm.

Về cơ cấu và chất lượng đàn, có 72.200 con lợn nái trong đó nái ngoại chiếm 15%, số còn lại chủ yếu là nái lai 1/2-7/8 máu ngoại. Lợn đực giống 1.200 con, chiếm 0,36% tổng đàn trong đó đực giống ngoại chiếm 95% tổng đàn lợn đực. Riêng lợn thịt chiếm 95% đàn lợn thịt là lợn lai 3/4 đến 7/8 máu ngoại; đã có lợn thịt 3 máu ngoại đến 5 máu ngoại, bình quân khối lượng hơi xuất chuồng đạt 80 kg/con.

Đánh giá thị trường cũng như tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Vĩnh Phúc nhận định đàn lợn của tỉnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ trọng lớn, chiếm xấp xỉ 70% trên tổng số gần 70 ngàn hộ chăn nuôi lợn. Kết quả khảo sát tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch cho thấy hộ chăn nuôi lợn ở quy mô trang trại 200 lợn/lứa chi phí sản xuất chỉ hết 42 ngàn đồng/kg, với giá bán đạt 50 ngàn đồng/kg, có lãi tối thiểu 100 triệu đồng/lứa.

Trong khi đó, hộ nuôi ở quy mô nhỏ lẻ 10 lợn/lứa sau khi trừ chi phí sản xuất chỉ lãi 8 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, bình quân khối lượng hơi xuất chuồng 80 kg là còn thấp hơn so với bình quân khối lượng của thế giới là 110 kg/con nên Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỉ lệ nái ngoại lên trên 50% chủ yếu sử dụng lợn nái là con lai Landrace và Yorkshire, con đực sử dụng các giống dòng cao sản để thụ tinh nhân tạo như Landrace, Yorkshire, Duroc, Pi4, Maxter16… đồng thời cũng có chính sách nhằm chuyển đổi cơ cấu trong chăn nuôi, tăng tỉ trọng chăn nuôi trang trại công nghiệp lên 60% và nâng mức bình quân khối lượng hơi xuất chuồng lên 100 kg/con. Khi ấy tổng sản lượng thịt hơi toàn tỉnh sẽ đạt 93 ngàn tấn (tăng 21 ngàn tấn so với năm 2014) và giá trị của ngành chăn nuôi lợn mỗi năm sẽ tăng thêm 260 tỉ đồng.

Doanh nghiêp có dự án đầu tư chăn nuôi gia súc nằm trong quy hoạch mà có quy mô tối thiểu 200 bò sữa hoặc 150 bò thịt từ 12 tháng tuổi hoặc 700 lợn thịt hay 500 lợn nái sinh sản (cấp ông bà) sẽ được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí nhưng không quá 2 tỉ đồng/dự án.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất