TS Bùi Quang Tề
Sau hiện tượng cá hồ Tây chết bất thường hàng loạt, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia đầu ngành về bệnh thủy sản, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cá hồ Tây chết không phải do bệnh mà nguyên nhân chính do thiếu oxy.
Cụ thể, theo TS Bùi Quang Tề, hiện lượng các chất thải, chất hữu cơ trong hồ Tây quá nhiều, trong khi quá trình phân hủy chất hữu cơ cần lượng oxy rất lớn nên dẫn đến hàm lượng oxy trong nước giảm khiến cá chết hàng loạt.
Bên cạnh đó, việc hàm lượng oxy trong nước ít là tác nhân sinh ra các độc tố trong nước bởi các chất thải phổ biến được thải xuống hồ Tây như amoniac (NH3), không có đủ lượng oxy để phân hủy thành nitrit và nitrat nên cá đã yếu vì thiếu oxy sẽ chết hàng loạt bởi nhiễm phải chất độc NH3.
Về giải pháp khắc phục, trước mắt cũng như lâu dài vấn đề cá chết hàng loạt tại hồ Tây nói riêng và các hồ khác nói chung, theo TS Bùi Quang Tề, chỉ có UBND TP Hà Nội mới làm được. Theo đó, TS Bùi Quang Tề cho rằng, đầu tiên phải ngăn chặn việc xả nước thải chưa qua xử lí xuống hồ Tây từ các nhà hàng, nhà máy, người dân sinh sống xung quanh.
Tiếp theo, cần phân vùng và dùng quạt nước để cung cấp cũng như làm tăng hàm lượng oxy cho nước, khi đó oxy sẽ tự phân hủy bớt các chất độc đang quá cao trong nước hồ Tây. Bên cạnh đó, cần vớt và xử lí cơ bản các chất hữu cơ, cá chết có trong hồ, bởi trong quá trình phân hủy, các chất hữu cơ này huy động lượng oxy rất lớn trong nước.
Giải pháp cuối cùng, theo TS Bùi Quang Tề "ông cứ mạnh dạn đưa ra cho có, chứ bản thân TP Hà Nội chắc không có đủ nguồn lực để thực hiện", đó là dùng chế phẩm sinh học xử lí phân hủy nhanh các chất hữu cơ trong hồ Tây, song giá thành rất đắt, ví dụ như công nghệ của Nhật Bản lên tới 500 USD/m2 nên chắc đây là giải pháp duy ý chí. Giải pháp cơ bản và lâu dài vẫn là ngăn không cho nước thải chưa qua xử lí tiếp tục chảy xuống hồ Tây, nếu không cá chắc chắn sẽ còn chết tiếp.