Sau những ngày đông buốt giá, hoa mận nở trắng xóa sườn đồi, làn gió mùa xuân len lỏi đến từng ngõ xóm của người vùng cao.
Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi đến Phiêng Lằm - thôn người Dao ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trở lại lần này, bản làng đã có nhiều đổi thay, nếu như năm 2022, con đường 3km dẫn lên Phiêng Lằm ô tô không thể đi được thì nay đã được đổ bê tông.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi hôm nay là gia đình ông Triệu Tài Long. Ông Long năm nay đã gần 70 tuổi, từ khi còn trẻ ông đã là “thầy” có tiếng trong vùng. Gác lại công việc, ông mời chúng tôi uống thứ nước đặc biệt của người Dao Phiêng Lằm. Đặt chén nước xuống cái bàn nhỏ, ông khua đôi tay trước bếp lửa rồi lại nhìn lên bàn thờ. Tay vẫn hơ trên bếp củi, ông Long kể cho chúng tôi nét văn hóa của người Dao nơi đây trong những ngày Tết, miệng nói nhưng mắt ông vẫn không rời bàn thờ tổ tiên.
Ở bản người Dao Phiêng Lằm, để chuẩn bị tết, dù công việc bận rộn đến đâu thì đàn ông trong nhà cũng phải lấy cho đầy củi để phía sau nhà, sửa sang nhà cửa. Người phụ nữ sẽ chọn lựa nguyên liệu làm bánh và chuẩn bị trang phục thật đẹp để diện trong những ngày hội xuân.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, từ ngày 25 tháng Chạp, người Dao đỏ sẽ tìm thầy làm lễ cúng để mời tổ tiên về ăn tết. Đây là nghi lễ lâu đời của người Dao với ý niệm báo cáo kết quả một năm và cầu năm mới khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Ngày 30 tết, lúc này không khí đã vô cùng khẩn trương, già trẻ, gái trai tất bật dọn nhà, câu đối được chuẩn bị từ trước cũng được dán lên bức tường gần bàn thờ. Với người Dao, mảnh giấy đỏ hình mặt trời có ánh hào quang tỏa sáng dán vào bàn thờ là không thể thiếu trong ngày tết. Ở cửa ra vào nhà dán bốn tờ giấy, mỗi tờ một màu tượng trưng cho bốn mùa trong năm.
Người Dao Phiêng Lằm quan niệm, sau một năm miệt mài lao động, các đồ vật trong nhà cũng phải được trang trí để cùng đón tết. Xế chiều, những con trâu, con bò thả ở rừng phải được tìm về chuồng, buộc cẩn thận trước lúc giao thừa đến.
Khi bánh chín, người Dao đỏ sẽ chọn ra 12 chiếc bánh chưng, 12 cái bánh giầy tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 12 con giáp để cúng.
Đêm giao thừa, cả làng sẽ chờ nghe tiếng gà gáy đầu tiên của năm, người Dao quan niệm nếu gà gáy trước thì năm đó bình yên vô sự, nếu chó sủa trước thì sẽ có nhiều kẻ trộm, nếu mèo kêu trước sẽ có thú dữ.
Ngày đầu tiên của năm mới, theo như giờ xuất hành và hướng đại lợi đã được xem trước, cả nhà sẽ đi theo phương đó để cầu may mắn. Trước khi đi, họ mang tiền giấy, hương đến một nơi đã chọn, gọi các thần linh để mua những thứ mình muốn, khi đi về sẽ cầm theo một hòn đá.
Trước đây, ngày mùng 1 tết, người dao Phiêng Lằm thường chỉ ở nhà thắp hương, thì nay nam thanh, nữ tú ăn vận trang phục truyền thống đi chúc tết.
Những ngày tết tiếp theo, người Dao ở Phiêng Lằm chủ yếu đi chúc tết trong bản, chơi trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đánh cù, đánh yếm. Những cô gái người Dao xúng xính váy xòe, đầu quấn khăn, cổ đeo những quả bông đỏ nhảy múa, e thẹn khi nói chuyện với các chàng trai.
Với người Dao Phiêng Lằm, tết chính thức kết thúc vào mùng bảy, mỗi gia đình chuẩn bị một con gà luộc, bánh chưng để cúng. Người Dao nơi đây cho rằng, lễ cúng hết tết để thông báo đến tổ tiên, đồng thời thúc giục con cháu cần tiếp tục bước vào mùa làm việc mới với hy vọng đủ đầy.
Chia tay chúng tôi, ông Long vừa vẫy tay chào vừa nói “Phấy quấy hèng vẳng!” với ý nghĩa chúc cho năm mới “Bốn phương thịnh vượng”.