Mùa xuân mới không chỉ gõ cửa bằng sắc mai phương Nam và sắc đào miền Bắc, mà còn bằng sự tin yêu được bồi đắp qua bao thế hệ người Việt Nam. Mùa xuân mới, mùa của hạnh ngộ, mùa của trùng phùng, mùa của thương nhớ, cho phép mỗi người Việt Nam hướng đến tương lai với lễ hội tưng bừng trong chính tâm hồn mình.
Mùa xuân mới thắp lên màu xanh trên những cánh đồng bát ngát. Mùa xuân mới réo gọi hạnh phúc dưới những mái nhà bình yên. Mùa xuân mới nối gần miền ngược với miền xuôi, mùa xuân mới gắn kết biên giới với hải đảo, để từng số phận nghĩ về nhau, tìm kiếm nhau và nhìn thấy nhau giữa ân nghĩa đồng bào thiêng liêng.
Người Việt Nam vừa đi qua một năm 2023 nhiều khó khăn và chật vật. Sự suy giảm kinh tế toàn cầu đe dọa nhấn chìm mọi toan tính biếng lười và thụ động. Thế nhưng, người Việt Nam vốn quen chịu đựng giông bão suốt chiều dài lịch sử, vẫn có cách chống chịu phi thường.
Truyền thống tương thân tương ái giúp chúng ta vượt qua trở ngại theo tinh thần chị ngã em nâng trong cộng đồng nhỏ và lá lành đùm lá rách trong cộng đồng lớn. Hạt gạo thấm đẫm mồ hôi tiếp tục làm điểm tựa cho đời sống an lành và ấm áp.
Chính giá trị tăng trưởng không ngừng của nền nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lĩnh vực khác có thêm biên độ phục hồi sản xuất và lấy lại cơ hội phát triển.
Thụ hưởng mùa xuân mới chan hòa, người Việt Nam thấm thía ý chí vươn lên được chắt chiu qua bốn ngàn năm trường tồn của dân tộc Việt Nam nhiều nghịch cảnh lắm cam go. Tất cả gian nan chỉ là thử thách tạm thời. Bởi lẽ, người Việt Nam không khuất phục trước kẻ thù nào, và người Việt Nam không gục ngã trước nguy khốn nào. Người Việt Nam không sợ hãi cái xấu và cái ác. Người Việt Nam không thỏa thiệp với cái đê hèn và cái tráo trở. Người Việt Nam chỉ trân trọng sự sáng tạo và khâm phục sự nhân hậu, để màu hoa hôm nay tiếp nối trái ngọt ngày mai.
Đón tết cổ truyền như một món quà vĩnh cửu của cha ông, người Việt Nam càng tự hào về nòi giống Tiên Rồng trong chân lý bất biến “trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Câu ca dao muôn đời, điệu hát ru muôn đời được con cháu gìn giữ như báu vật của hành trang bước vào thế giới hội nhập. Bàn tay chuyên cần của người Việt Nam, khối óc cầu tiến của người Việt Nam, trái tim chân thành của người Việt Nam không cho phép ai đi ngược con đường văn minh đang mỗi ngày ươm mầm và gieo cấy trên đất đai Việt Nam.
Mùa xuân mới Giáp Thìn đang vút lên khúc nhạc mới cho dân tộc Việt Nam. Con rồng là linh vật truyền thuyết, nhưng lại là biểu tượng khát vọng. Hơn ngàn năm trước, người Việt Nam đã có khái niệm Thăng Long và chọn tên Thăng Long cho nơi hội tụ tinh hoa người Việt Nam. Thăng Long hiện tại vẫn kiêu hãnh một Thủ đô Hà Nội của Tổ quốc Việt Nam chung vai góp sức cùng bè bạn năm châu. Điệp khúc rồng bay kiêu hãnh chưa bao giờ nguôi ngoai trong ước mơ của người Việt Nam. Ước mơ rồng bay trên mỗi luống cày rộn rã, ước mơ rồng bay trên mỗi nhà máy nhộn nhịp, ước mơ rồng bay trên mỗi công trường tấp nập, ước mơ rồng bay trên mỗi phiên chợ đông vui, ước mơ rồng bay trên mỗi ánh mắt lương thiện…
Mùa xuân mới thúc hối người Việt Nam dồn thêm bước chân mạnh mẽ cùng nhân loại kiến thiết kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng. Kỳ tích “cá vượt vũ môn” không xa tiềm lực đa dạng và khả năng bền bỉ của người Việt Nam. Cuộc hóa rồng của Việt Nam là một câu chuyện đang được quốc tế chờ đợi, với nhiều gửi gắm trìu mến. Vì vậy, người Việt Nam đón tết Giáp Thìn sum vầy để nâng niu di sản tổ tiên và để hun đúc khát vọng rồng bay đến tương lai.
Không thể nói khác hơn, mùa xuân mới đã khởi sự cho niềm vui mới và bệ phóng mới của bản lĩnh và tình yêu Việt Nam.