| Hotline: 0983.970.780

Phiên chợ Gò đông đúc khách mua ‘lộc xuân’

Thứ Bảy 10/02/2024 , 14:46 (GMT+7)

Phiên chợ Gò mùng Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay thu hút khách đi ‘mua lộc’ đầu năm mới.

Vừa qua giao thừa, trời Bình Định trở lạnh. Nhưng cái lạnh không ngăn được bước chân của những khách du xuân từ mọi ngả đường dẫn về thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) đổ về thôn Phong Thạnh, nơi diễn ra phiên chợ Gò vào mùng Một Tết nguyên đán hàng năm. Khách đi chợ không chỉ người dân địa phương, cả cư dân thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn cũng lặn lội về chợ Gò để “mua lộc” đầu năm.

Người đi chợ đã sớm, người bán “lộc xuân” còn đến chợ sớm hơn để chọn cho mình chỗ tốt nhất, trải xuống đất những tấm nhựa hoặc dăm chiếc bao và  bày ra nào là muối, gạo, quả cau, lá trầu, rễ, vôi, đu đủ, quả sung, rau muống… Đây là những món nông sản mà theo dân gian ấy là “lộc xuân”, người đi chợ mua để lấy lộc đầu năm, cầu mong bình an, thịnh vượng trong năm mới.

Vừa qua giao thừa, phiên chợ Gò mùng diễn ra vào Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đông khách đi mua lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa qua giao thừa, phiên chợ Gò mùng diễn ra vào Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đông khách đi mua lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Tại khu đất trống được UBND huyện Tuy Phước dành ra để tổ chức phiên chợ Gò, phiên chợ mỗi năm chỉ nhóm duy nhất 1 lần vào ngày mùng Một tháng Giêng. Gọi là chợ, nhưng giữa người mua kẻ bán không 1 lời nói thách, trả giá. Những gian hàng được phân định bằng những tấm nhựa hoặc bao tải nối tiếp nhau 2 bên quốc lộ 19B và trên khoảng đất trống, bên trên đặt những chiếc đĩa xốp được bọc nhựa đựng những món “lộc xuân” như trầu, cau, muối, vôi, rễ… Người “bán lộc” không chỉ có phụ nữ, còn có cả thanh niên và những cụ bà tuổi quá thất thập. Người “bán lộc” không chỉ nghĩ đến chuyện mua bán kiếm lãi, mà còn nghĩ chuyện chính “lộc” mình bán cho mọi người cũng là “lộc” của mình, công việc này sẽ mang đến cho người bán 1 năm mới an lành.

Trên khoảng đất trống sáng rực ánh đèn trong đêm giao thừa mọc san sát những căn lều được che bạt là những hàng ăn bún, phở, bánh cuốn, nước giải khát… phục vụ người đi chợ ăn khuya. Bên trên những chiếc bàn nhôm được bày những chồng bát đĩa cao ngất, dưới đất là những chiếc lò hừng hực lửa, bên trên đặt những nồi nước bún sôi sùng sục. Không khí trong khu ẩm thực rộn rã suốt đêm. Bên kia là những chòi tranh để sáng mùng Một Tết các nghệ nhân huyện Tuy Phước biểu diễn bài chòi phục vụ lễ hội chợ Gò.

Những món 'lộc xuân' được bày bán tại phiên chợ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Những món “lộc xuân” được bày bán tại phiên chợ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Những người “bán lộc” chậm chân không kiếm được chỗ tốt, gian hàng “bán lộc” của mình không được “ăn theo” ánh sáng của khu tổ chức lễ hội đành phải đốt đèn cầy để thu hút khách đến “mua lộc”. Nếu những chiếc đèn cầy không đủ ánh sáng cho việc mua bán, người “bán lộc” phải bật đèn pin để soi sáng thêm, nhất là lúc tính tiền, thối tiền.

Cụ bà Lê Thị Cảm (70 tuổi) ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) vừa đếm những lá trầu bán cho khách “mua lộc”, vừa móm mém nói về cái “nghề bán lộc” của mình tại những phiên chợ Gò hàng năm: “Trước giao thừa tôi đã bảo đứa cháu chở tôi đến chợ Gò để kiếm được chỗ tốt thuận lợi việc mua bán. Tôi theo “nghề bán lộc” tại chợ Gò đã mấy chục năm nay, việc mua bán không có lời lãi nhiều, nhưng cứ đến giao thừa hàng năm là tôi lại đùm túm đi chợ chứ không thì nhớ lắm”.

Nhiều gian hàng bán 'lộc xuân' phải đốt đèn cầy để lấy ánh sáng phục vụ việc mua bán. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều gian hàng bán “lộc xuân” phải đốt đèn cầy để lấy ánh sáng phục vụ việc mua bán. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Lê Văn Thưởng (43 tuổi) ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), mới 1 giờ sáng mùng Một đã chở hàng về chợ Gò bày bán, bởi sau giao thừa đã có người đi chợ “mua lộc”. Vừa bày biện hàng, anh Thưởng vừa vui vẻ chia sẻ: “Ông bà mình nói “Đầu năm hái lộc cầu duyên, trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”, hoặc “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo đó, ngày đầu năm người dân thường đi chợ Gò mua các món muối, gạo, lá trầu, quả cau, rễ, vôi… để cúng ông bà tổ tiên xin lộc đầu năm. Mua muối là để cầu xin gia đạo có sự mặn mòi, trầu cau là để xin sự gắn bó keo sơn của đời sống vợ chồng, gạo là để cầu xin năm mới no đủ… Tôi đi bán “lộc xuân” không phải để kiếm lời, mà là để kiếm cho mình chút “lộc” năm mới cho gia đình”.

Phiên chợ Gò năm nào cũng có mặt cụ bà Nguyễn Thị Quả (83 tuổi) ở tận xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, Bình Định). Từ hồi còn con gái, cụ Quả đã bán “lộc xuân” tại chợ Gò. Tết Giáp Thìn 2024 này, mới 7 giờ tối 30 tháng Chạp cụ đã thuê xe ôm chở gánh hàng cùng cụ vào chợ Gò để “xí” trước chỗ bán tốt nhất. Đêm giao thừa cụ Quả thức trắng để bán mở hàng cho người đi “mua lộc”. Qua 1 đêm thức trắng nhưng trên gương mặt cụ Quả không hề thấy chút mệt mỏi, mà rạng rỡ niềm vui của ngày đầu năm.

Cụ bà Lê Thị Cảm đếm những lá trầu bán cho khách 'mua lộc'. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ bà Lê Thị Cảm đếm những lá trầu bán cho khách “mua lộc”. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Tuy Phước, 1 trong những người đi “mua lộc” sớm nhất tại phiên chợ Gò mùng Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chia sẻ: “Năm vừa qua làm ăn khó khăn quá, năm tay tôi đi mua lộc sớm cầu mong năm mới làm ăn khấm khá hơn”.

“Phiên chợ Gò vừa mang tính lịch sử, vừa mang bản sắc văn hóa đặc trưng của huyện Tuy Phước nói riêng và của miền đất Võ Bình Định nói chung, trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng mỗi khi Tết đến xuân về”, ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 đến 1/5), ước tính cả nước đón và phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023.