| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau giành giật từng tấc đất trước sóng dữ

Thứ Tư 12/04/2023 , 10:37 (GMT+7)

Tại huyện U Minh, nơi đầu tiên thí điểm làm kè bê-tông ly tâm dự ứng lực giảm sóng biển, thảm rừng phía trong đã mọc xanh tốt từ kè đến tận chân đê.

Empty

Bờ biển Đông ngày càng đối mặt với sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đào Chánh.

Sạt lở cả biển Đông và biển Tây

Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài 254km, trong đó bờ biển Đông khoảng 100km và bờ biển Tây khoảng 154km. Theo các chuyên gia, một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà địa phương đang phải đối mặt nhiều năm qua là tình trạng xói lở bờ biển. Hiện nay, tình trạng xói lở bờ biển tỉnh Cà Mau đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi. Đây là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Cà Mau mất hơn 5.250ha diện tích rừng phòng hộ ven biển (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh) do xói lở. Riêng năm 2021 diện tích bị sạt lở ven biển là 300ha. Trong năm 2022, tỉnh Cà Mau có 115 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2.600m, bờ biển bị sạt lở với chiều dài hơn 3.700m.

Qua thống kê các khu vực bị sạt lở ở mức rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45m - 50m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay, với chiều dài khoảng hơn 132km, trong đó bờ biển Đông khoảng 87km và bờ biển Tây khoảng hơn 45 km. Ngoài ra, các khu vực xói lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km.

Empty

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau kiểm tra sạt lở tại bờ biển Đông. Ảnh: Đào Chánh.

Ông Nam đánh giá, thực tế những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan, thời điểm xuất hiện gần như quanh năm, không theo quy luật, thậm chí là dị biệt. Cùng với đó, đặc điểm địa hình bờ biển phức tạp, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng xói lở rất nghiêm trọng không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.

Kè bê tông ly tâm   

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, cần triển khai các giải pháp công trình và phi công trình kết hợp kè chắn sóng ven biển, từ đó tạo nên những bãi bồi, lớp thảm rừng dày đặc. Đây là điều kiện lý tưởng để bảo vệ và tái sinh cây rừng.

Trong thời gian chờ Bộ NN-PTNT hỗ trợ phương án, các chuyên gia thủy lợi Cà Mau tìm nhiều cách ứng phó mới, nhằm giảm bớt sự tàn phá của sóng dữ, nhưng không phải lùi con đê hiện hữu vào phía trong nội đồng. Tỉnh Cà Mau đã nghĩ ra phương án cắm hai hàng cọc bê-tông nằm song song phía xa ngoài đê, bỏ đá vào giữa, sau đó gắn kết chúng bằng những đà chịu lực. Giải pháp công trình trên được gọi là kè bê-tông ly tâm dự ứng lực.

Từ một vài đoạn thí điểm ban đầu, sau thời gian kiểm chứng và nhận thấy mang lại kết quả tốt, tỉnh Cà Mau dần áp dụng đại trà cho nhiều vị trí sạt lở rất xung yếu ven đê biển Tây, tập trung tại khu vực không còn cây rừng phòng hộ, khả năng vỡ đê cao.

Empty

Các giải pháp công trình và phi công trình kết hợp kè chắn sóng ven biển Cà Mau tạo nên những bãi bồi, nhiều lớp thảm rừng dày đặc lý tưởng để bảo vệ và tái sinh cây rừng. Ảnh: Đào Chánh.

Ông Nguyễn Minh Chiến, người dân sinh sống hơn 40 năm ở ấp 8, xã Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết: Từ hồi có kè biển ngoài đê, tôi thấy sóng biển vào bờ yếu hơn, bên trong kè bồi tụ nhiều đất bùn, lâu ngày cây rừng tái sinh rồi thành những thảm rừng xanh tươi như bây giờ. Cũng nhờ vậy, gia đình tôi sinh sống phía sau đê biển bớt lo sợ sóng dữ gây vỡ đê.

Đến nay, tại Cà Mau có không ít công trình kè biển dọc theo tuyến đê biển Tây. Phần nhiều trong số đó là “kè bê-tông ly tâm dự ứng lực”, trải dài từ mũi Cà Mau về tận xã Khánh Tiến, khu vực giáp ranh với tỉnh Kiên Giang.

Tùy theo mức độ và thời gian hoàn thành khác nhau, phía sau các công trình kè giờ đã có các thảm rừng tái sinh. Tại khu vực ven biển thuộc huyện U Minh, nơi làm kè biển thí điểm đầu tiên ở Cà Mau, thảm rừng đã mọc xanh tốt từ kè đến tận chân đê. Chúng được xem là “tấm áo giáp” vững chắc bảo vệ an toàn cho đê biển Tây.

Empty

Kè bê tông ly tâm phát huy hiệu quả chống sạt lở. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, từ xưa, cây rừng được xem là điểm tựa tiên phong để chắn sóng, giảm sạt lở ở vùng ven biển. Tuy nhiên, sẽ rất khó mang cây mắm, cây đước ra trồng ở ven biển, nhất là khi bãi biển đã bị sạt lở sâu, không còn bãi bồi. Cây mắm, cây đước non tuổi không những không trụ được trước áp lực sóng to luôn dội bờ, mà khả năng cao sẽ bị cuốn phăng ra biển.

“Khi có kè giảm sóng che chắn phía bên ngoài, bên trong kè, phù sa sẽ lắng tụ, lâu ngày thành bãi bồi tạo điều kiện để cây rừng tái sinh, phát triển thành rừng phòng hộ bảo vệ đê trước sóng dữ, triều cường”, ông Đông quả quyết.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài hơn 740km. Trong đó, Cà Mau là nơi có đường bờ biển dài nhất với 254km, là địa phương duy nhất cả nước có ba mặt giáp biển, đo đó luôn là điểm nóng về sạt lở do tác động cực đoan từ các hình thái của biến đổi khí hậu.

Empty

Tuyến đường Hồ Chí Minh giáp với biển Đông. Ảnh: Trọng Linh.

Với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, trong những năm qua Cà Mau đã xây dựng được gần 59 km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, bờ biển Tây đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gần 42km, kinh phí thực hiện 1.057 tỷ đồng; bờ biển Đông là gần 13km, kinh phí thực hiện 745 tỷ đồng.

 Những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp hạn chế tác động của sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000ha rừng phòng hộ.

Những năm gần đây, ngành chức năng Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều cách để phục hồi rừng tại những khu vực bên trong kè biển. Ngoài hình thức thủ công đã thực hiện trước đó, trong năm 2021, chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) ủy thác cho Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện việc kê liếp (lên luống), trồng rừng và chăm sóc rừng sau khu vực kè biển thuộc huyện U Minh với tổng chiều dài tuyến khoảng 9,7km, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa và khu vực cống T29. Bên trong khu vực đoạn kè biển này, đơn vị chức năng dùng cơ giới kê líp (tôn nền đất) cao trung bình 0,5m, rộng 12m và dài khoảng 80m. Sau khi hoàn thành, mỗi héc-ta mặt líp (mặt nền đất) có thể trồng được đến 3.300 cây mắm trắng thích hợp phát triển trên vùng đất bãi bồi.

Empty

Đê biển Tây được xây dựng kè kiên cố. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Thanh Út, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau: Việc kê líp trồng và chăm sóc cây rừng nằm trong gói thầu xây lắp số 57, thuộc Dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây Cà Mau, được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt vào tháng 11/2021. Đến cuối năm 2022, gói thầu 57 hoàn thành, kê được tổng cộng 186 líp và trồng xong cây rừng.

Trong lần khảo sát lại gần đây thì tuyến ven biển Cà Mau hiện còn khoảng 100km tiếp tục bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35km, tốc độ sạt lở hằng năm trung bình có nơi từ 50-80m về phía bờ.

Với tốc độ sạt lở nhanh như vậy, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì Cà Mau không chỉ mất thêm nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ ven biển hình thành qua hàng trăm năm, mà sạt lở còn tiến sâu vào đất liền, uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng, việc khôi phục sẽ rất tốn kém, đồng thời khó phục hồi lại diện tích đất và rừng đã mất.

Theo số liệu cập nhật mới, tình trạng sạt lở bờ biển khoảng 100km, tổng nhu cầu vốn thực hiện để ứng phó hơn 3.900 tỷ đồng. Trong đó, Cà Mau xin ưu tiên hỗ trợ trước 970 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để tỉnh thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở với chiều dài gần 18km tại những vị trí cấp bách.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.