| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau muốn dẫn nước từ sông Hậu, Cục Thủy lợi nói 'cần nghiên cứu kỹ'

Thứ Sáu 15/03/2024 , 14:00 (GMT+7)

ĐBSCL Trước đề xuất đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước từ sông Hậu về Cà Mau, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh nói: 'Cần có nghiên cứu đánh giá thật kỹ'.

Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra hạn mặn tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra hạn mặn tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về

Ngày 14/3, đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đi kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau. 
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.

Tại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời đã có hơn 130 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài 14.500m với 550 điểm, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Do không có nguồn nước ngọt bổ sung nên vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt một số nơi người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nước trên các sông rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chênh lệch biên độ triều trong và ngoài vùng ngọt lớn, có nguy cơ làm cho các công trình cống thủy lợi bị hư hỏng.

Đối với vùng Nam Cà Mau, hạn hán kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn nước sông tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và khó khăn về nước sinh hoạt do mực nước ngầm sụt giảm. Các kênh trong vùng ngọt hóa bị khô cạn, sông rạch không thể lưu thông bằng đường thủy và phục vụ tưới tiêu. Sạt lở đất và hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi rất nghiêm trọng, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Làm việc với đoàn công tác, Sở NN-PTNT Cà Mau đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Việc tiếp nước ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ gồm Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích là 90.000 ha.

Tình hình sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hết sức phức tạp. Ảnh: Trọng Linh.

Tình hình sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hết sức phức tạp. Ảnh: Trọng Linh.

Chia sẻ về đề xuất của Cà Mau, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết: Đề xuất trên đã được các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT và các cơ quan độc lập khác nghiên cứu. Cần phải có nghiên cứu đánh giá thật kỹ khi triển khai thực hiện.

Chúng ta phải xác định việc thiếu nước ở Cà Mau cũng như ĐBSCL là thường xuyên. Tuy nhiên cũng cần tính đến hiệu quả của giải pháp đưa ra. Ví dụ, 1m3 nước từ sông Hậu về Cà Mau thông qua bơm điện thì giá trị bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ, các công trình tích trữ nước nhỏ.

“Chúng tôi được biết Cà Mau đã phê duyệt đề án hỗ trợ người dân để đầu tư các công trình tích trữ nước quy mô nhỏ để phục nước sinh hoạt. Chúng tôi thấy giải pháp hết sức hiệu quả. Việc đưa nước từ sông Hậu về Cà Mau là vấn đề lớn, cần nghiên cứu tổng thể, toàn diện để đưa ra giải pháp hết sức phù hợp”, ông Khanh chia sẻ.

Kênh rạch gần như khô cạn. Ảnh: Trọng Linh.

Kênh rạch gần như khô cạn. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt 

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) làm việc với Sở NN-PTNT Bạc Liêu. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, địa phương đã đã xây dựng và ban hành lịch thời vụ và điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ mùa 2023 - 2024 nhằm ứng phó với diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino.

Từ đó, các địa phương (cấp huyện) đã xây dựng lịch thời vụ chi tiết cho từng địa bàn cụ thể. Tổ chức tuyên truyền cho người dân biết để xuống giống đúng lịch thời vụ, chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023-2024, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn bảo vệ sản xuất.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết: UBND tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau. Đồng thời, đề nghị các cấp ngành chuẩn bị kế hoạch ứng phó phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô theo kịch bản 2 với giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tương đương mùa khô 2015-2016.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu trao đổi với đoàn công tác Cục Thủy lợi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu trao đổi với đoàn công tác Cục Thủy lợi. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài ra, phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) liên tỉnh đạt hiệu quả. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn được mặn xâm nhập địa bàn tỉnh Hậu Giang và địa bàn thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, tiếp được nước ngọt sông Hậu về phục vụ vụ lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Bạc Liêu cũng đầu tư hơn 21 tỷ đồng thực hiện duy tu, sửa chữa cống, trạm bơm, máy bơm. Triển khai kế hoạch đắp 448 đập tạm để tổ chức bơm chuyền cấp và trữ nước ngọt cho lúa đông xuân phòng, chống hạn mặn.

Tỉnh Bạc Liêu được giá cao trong phòng, chống hạn mặn mùa khô 2023-2024. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Bạc Liêu được giá cao trong phòng, chống hạn mặn mùa khô 2023-2024. Ảnh: Trọng Linh.

Về cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân, ông Trương Quốc Quang, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay, các hệ thống cấp nước sạch tập trung ở các đô thị và nông thôn tỉnh Bạc Liêu sử dụng 100% là nguồn nước ngầm được khai thác, đảm bảo chất lượng tốt, trữ lượng dồi dào, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 115 hệ thống cấp nước tập trung (trạm cấp nước) phủ toàn tỉnh, phục vụ 82.080 hộ dân và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT có kế hoạch đầu tư thêm 16 trạm cấp nước và tỉnh cho xây dựng thêm 6 trạm cấp nước nữa coi như khép kín.

Ngoài ra, ngay từ đầu mùa khô, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu đã tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các trạm cung cấp nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Tuyên truyền để người dân có kế hoạch dự trữ và sử dụng tiết kiệm nước sạch, nhất là ở khu vực ven biển.

Từ đầu mùa khô năm 2023-2024 đến nay, các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục. Hiện nay, nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn đảm bảo, tỉnh có khoảng 73% người dân có nước sạch sinh hoạt”, ông Quang nhấn mạnh.

Tính đến ngày 14/3, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa có thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân.  

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, đánh giá rất cao về tính chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô 2023-2024 của tỉnh Bạc Liêu và nhận định kỳ hạn mặn của tỉnh đến nay cơ bản có đã ứng phó thành công.  

Bạc Liêu đã có kế hoạch từ rất sớm và trực diện triển khai kế hoạch theo đúng tình hình dự đoán. Tỉnh đã đưa ra các kịch bản và nhận định đúng từng kịch bản để triển khai hiệu quả theo đúng tình hình thực tế.

"Đến nay, tỉnh Bạc Liêu chưa có thiệt hại về hán hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, đối với vùng cần nước ngọt, người dân cần tưới tiêu, cần có kế hoạch tuyên truyền để tiết kiệm được nguồn nước. Theo dự báo khoảng một tháng nữa vẫn chưa có mưa, lúc đó nguồn nước ngọt sẽ hết sức khó khăn”, ông Khanh nói.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.