| Hotline: 0983.970.780

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 1] Cả vùng thiếu nước ngọt

Thứ Năm 14/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Cà Mau Cà Mau có khoảng 12.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, ngoài ra nhiều xã đối mặt với tình trạng sụt lún và sạt lở đất do khô hạn kéo dài.

LTS: Hàng triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sống trong những ngày tháng đỉnh điểm của xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 - 2024.

Qua khảo sát của Bộ NN-PTNT, toàn vùng có khoảng 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng nước sinh hoạt, chủ yếu trong vùng phục vụ của các nhà máy nước tập trung. Ngoài ra còn khoảng 10.000 hộ nhỏ lẻ, phân tán cũng đang thiếu nước sinh hoạt.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng đất Chín rồng. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã về các vùng quê, nhất là địa phương ven biển để ghi nhận những câu chuyện thực tế quá trình bà con và chính quyền địa phương chống chọi với hạn mặn.

Cà Mau có khoảng 12.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau có khoảng 12.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Trọng Linh.

Khoảng 12.000 hộ nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đưa ra con số đáng báo động: Khoảng 12.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vào cuối tháng 3 và trong tháng 4 do hạn hán.

Và thực tế, một số hộ dân đã phải mua nước từ các ghe, tàu với giá lên đến hơn 40.000 đồng/m3.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, do chưa có nguồn nước ngọt bổ sung nên hiện tại nước sinh hoạt của cư dân Cà Mau chủ yếu được dự trữ vào những tháng mùa mưa hoặc khai thác nước ngầm từ lòng đất. Những nơi thiếu nước đa phần do không có hệ thống nước nối mạng hoặc do khoan nước ngầm không được.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình có hơn 1.800 hộ dân nhưng có đến hơn 450 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. 

Một số hộ dân buộc phải mua nước từ các ghe, tàu với giá lên đến 40.000 - 50.000 đồng/m3. Ảnh: Trọng Linh.

Một số hộ dân buộc phải mua nước từ các ghe, tàu với giá lên đến 40.000 - 50.000 đồng/m3. Ảnh: Trọng Linh.

Các hộ dân sống tại đây cho biết, có một trạm cấp nước sinh hoạt đặt tại xã Tân Bằng (giáp với xã Biển Bạch). Tuy nhiên, vài tháng nay, nhiều hộ không có nước để sử dụng.

Điển hình như trường hợp gia đình ông Lê Tuấn Anh (ngụ xã Biển Bạch) khoảng 3 tháng nay phải mua nước từ ghe. Nhà có 3 người, vợ chồng và đứa con xài tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng tốn gần 500.000 đồng tiền nước. Trong khi đó, thu nhập chính của cả nhà phụ thuộc vào số tiền làm thuê của anh Tuấn  (3 triệu đồng/tháng). Tính ra tiền điện, tiền nước đã chiếm gần phân nửa tổng thu nhập.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng ngụ cùng xã cho biết, ông và vợ con phải lấy nước mặn để tắm giặt và rửa chén bát mấy tháng nay. “Mùa hạn kéo dài thêm vài tháng nữa chắc xóm này ‘khát’ nước hết”, ông Tùng lắc đầu ngao ngán.

Còn tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, qua lời chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Duy - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận, địa phương có 15 ấp với hơn 2.900 hộ dân, trong đó có 190 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Nguồn nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày của người dân nơi đây chủ yếu lấy từ giếng khoan. Thế nhưng không phải vị trí nào cũng khoan được giếng nước. Nhiều tuyến kênh đã bị nhiễm mặn, vào mùa mưa bà con phải tận dụng lu, kiệu để chứa nước mưa. So với nhu cầu sử dụng, khối lượng tích trữ được cũng chẳng thấm vào đâu.

Người dân tại xã Khánh Thuận mua bồn nhựa về tích trữ nước mưa. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân tại xã Khánh Thuận mua bồn nhựa về tích trữ nước mưa. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, tổng số hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn xã mới đạt 1.450, chiếm tỷ lệ 50%. Trong đó, số hộ sử dụng nước do nhà máy cấp nước tập trung chỉ hơn 590 hộ, tương đương khoảng 20%.

Thời gian qua mặc dù xã Khánh Thuận đã được đầu tư 7 hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 6 ấp, gồm ấp 1, 12, 17, 18, 19, 20. Tuy nhiên, đến nay nhiều hệ thống cấp nước sạch tập trung đã bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa.

Các ấp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước tập trung, nguồn nước người dân sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan. Nơi không khoan giếng được bà con gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như tại ấp 18, xã Khánh Thuận qua kiểm tra 10 hộ liền kề không có nước sử dụng, bà con phải đi mua nước từ các hộ gia đình hoặc hệ thống cấp nước từ các ấp khác.

Anh Phan Hoàng Anh (ấp 18, xã Khánh Thuận) chia sẻ, gia đình chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng tràm. Mấy năm nay thời tiết thất thường, giá tràm lại rớt nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Quanh năm ai thuê gì hai vợ chồng cũng làm nhưng vẫn chưa thoát nghèo được.

Chia sẻ về nguồn nước uống hàng ngày, anh Hoàng Anh nói: Lâu nay nguồn nước gia đình sử dụng cho sinh hoạt phải mua của các hộ dân ở ấp 25 với giá 4.000 - 5.000 đồng/60 lít. Hôm vừa rồi được chính quyền xã thông báo có đoàn thiện nguyện về địa phương tặng bồn nước, cả đêm vợ chồng tôi ngóng cho trời mau sáng để đi nhận.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.700 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, bà con phải mua nước với giá cao để sử dụng. 

Người dân mua bồn có dung tích lớn để dự trữ nước sinh hoạt. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân mua bồn có dung tích lớn để dự trữ nước sinh hoạt. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân sử dụng nước thật tiết kiệm, chủ động dùng các dụng cụ có sẵn để trữ nước sinh hoạt đề phòng mực nước ngầm hạ thấp, gây khó khăn cho việc lấy nước. Ngành chức năng cũng đang rà soát những hộ thiếu nước để có giải pháp hỗ trợ như cung cấp bồn chứa nước, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước.

Nhiều giải pháp cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn đang được các địa phương khẩn trương triển khai.  Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau kiến nghị cấp 39 tỷ đồng ngân sách để kéo mới đường ống, cấp bồn chứa nước cho các hộ khó khăn, nâng công suất các trạm cấp nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Bắt đầu từ tuần này, địa phương sẽ huy động lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và nhân dân cùng tham gia lắp đặt đường ống, vận chuyển nước cấp cho người dân các khu vực khó khăn.

Lộ giao thông mới làm xong đã bị sụt lún

Ngoài nguy cơ thiếu nước ngọt, hiện nay người dân Cà Mau còn đối mặt với tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng do khô hạn ở vùng ngọt hóa ngày càng nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị chia cắt.

Từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều tuyến kênh rạch gần như khô cạn nước, có hàng trăm vị trí sụt lún, sạt lở, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điển hình như tuyến đường giao thông nông thôn dọc bờ kênh Cây Sộp (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún dài cả trăm mét. Nơi lún nhất từ nền sụt hơn 2m khiến đoạn đường bị biến dạng, hư hỏng hoàn toàn. Theo người dân địa phương, tuyến đường mới làm xong khoảng 1 năm. 

Ông Nguyễn Văn Bá (74 tuổi) người dân sống ở đây cho biết, từ nhỏ tới giờ mới thấy tình trạng đường sụt lún kinh hoàng vào mùa khô hạn như thế này.

Con lộ giao thông nông thôn mới làm gần 1 năm đã hư hỏng. Ảnh: Trọng Linh.

Con lộ giao thông nông thôn mới làm gần 1 năm đã hư hỏng. Ảnh: Trọng Linh.

"Vừa ăn Tết xong, chưa hết vui thì chuyện buồn lại đến. Hôm đó là buổi chiều, tôi đang đứng trên lộ thì nghe tiếng lụp bụp, trong khoảnh khắc ngắn mặt lộ bị vỡ rồi lún xuống, may mà tôi chạy kịp không chẳng biết tính mạng ra sao", ông Bá kể lại.

Theo chính quyền địa phương, phần lớn các tuyến lộ được xây dựng gần sông, kênh rạch. Thời điểm mùa khô, nắng hạn nên việc bốc hơi diễn ra nhanh cộng với việc bơm nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch giữa mặt đường và mặt nước rất lớn làm mất phản áp gây sụp lún.

Có một số vị trí bị sụt lún sâu gần 2m. Ảnh: Trọng Linh.

Có một số vị trí bị sụt lún sâu gần 2m. Ảnh: Trọng Linh.

Để giảm sụp lún, chính quyền xã Khánh Hải phải vận động người dân đốn hạ bớt cây cối 2 bên bờ để giảm áp lực ở các tuyến kênh. Khô hạn không chỉ khiến tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường dọc bờ kênh diễn biến phức tạp, mà dưới lòng kênh đất khô, nứt nẻ... xuồng ghe như đậu trên bờ 

Ông Lê Văn Khéo, ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chia sẻ, thời tiết nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt, làm lúa không được nên chỉ kỳ vọng vào hơn vài ha dưa leo. Giờ cố làm sao tận dụng chút nước ít ỏi ở mương gánh lên tưới cho miếng đất, hy vọng đất đủ xốp để gieo hạt. Nếu khô hạn kéo dài coi như xong luôn, không biết dưa sống được không nữa.

Tình trạng sụt lún, sạt lở khốc liệt tại Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Tình trạng sụt lún, sạt lở khốc liệt tại Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Hơn 10.000ha lúa chưa thể thu hoạch

Tại huyện Trần Văn Thời, hiện nay hàng chục nghìn ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn thu hoạch gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Theo người dân, sụt lún đã gây hư hỏng rất nhiều tuyến đường nên việc thu hoạch lúa của người dân hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các phương tiện cơ giới trong thu hoạch và vận chuyển lúa đều đang gặp khó.

Những chiếc xe máy giờ đây đã trở thành phương tiện chính để vận chuyển lúa sau khi thu hoạch. Do đó, người dân phải trả thêm một khoản chi phí cho việc vận chuyển này. 

Ông Nguyễn Minh Kha, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, xe chở 1 lần thì được 3 bao, 10 người làm thì chở được 1 tấn. Phí vận chuyển mỗi bao là 10.000 đồng. Còn từ bên sông vận chuyển qua đây 1 bao cũng 7.000 đồng.

"Lúa lúc đầu có giá 8.000 đồng/kg giờ giảm còn hơn 6.000 đồng/kg do trừ các chi phí vận chuyển do đường hư hỏng", bà Đinh Thị Xuân ở xã Khánh Hải cho biết.

Trước tình trạng hạn hán đời sống người dân khó khăn. Ảnh: Trọng Linh.

Trước tình trạng hạn hán đời sống người dân khó khăn. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống gần 29.000ha, đến thời điểm này hơn 70% diện tích lúa đã được thu hoạch. Việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân trong thu hoạch lúa là rất cần thiết, giúp giảm chi phí trong điều kiện ảnh hưởng của hạn hán hiện nay.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.