| Hotline: 0983.970.780

Các hồ chứa ở thượng nguồn sông Hương góp phần giảm lũ vùng hạ du

Thứ Hai 21/11/2022 , 07:21 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại thượng nguồn sông Hương góp phần cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du trong 4 đợt mưa lũ liên tục vừa qua.

Các đại biểu tham dự hội nghị rà soát công tác vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương trong các đợt lũ tháng 10 năm 2022 và công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Ảnh: Công Điền.

Các đại biểu tham dự hội nghị rà soát công tác vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương trong các đợt lũ tháng 10 năm 2022 và công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Ảnh: Công Điền.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết từ đầu năm 2022 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều trận lũ trái mùa.

Trong khoảng thời gian 19 ngày, từ ngày 27/9 đến 16/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục xảy ra 4 đợt mưa to liên tục: đợt 1, mưa từ 27-28/9; đợt 2, từ 9-11/10; đợt 3, từ ngày 14-15/10; đợt 4, từ tối 15 đến trưa ngày 16/10.

Cụ thể, mưa lớn bắt đầu xuất hiện từ 19h ngày 27/9 và hết mưa khoảng 10h ngày 28/9. Trong khoảng thời gian 15 giờ tổng lượng mưa đo được tại các trạm thuộc lưu vực hồ Tả Trạch dao động từ 333-482mm. Mưa đo được tại các trạm thuộc lưu vực hồ Bình Điền khoảng 214-278mm. Mưa tại vùng đồng bằng thành phố Huế dao động từ 70-100mm

Tiếp đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên từ ngày 9-11/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, có nơi mưa rất, với tổng lượng mưa đo được tại các trạm dao động từ 300-800mm.

Mưa tại vùng đồng bằng thành phố Huế và hạ lưu sau đập các hồ chứa thủy lợi, thủy điện dao động từ 200-300mm. Các hồ chứa hầu như đã cắt giảm toàn bộ trận lũ này.

Quy trình vận hành liên hồ Tả Trạch và Bình Điền đã giảm mực nước sông Hương khoảng hơn 1,51m. Ảnh: Võ Dũng.

Quy trình vận hành liên hồ Tả Trạch và Bình Điền đã giảm mực nước sông Hương khoảng hơn 1,51m. Ảnh: Võ Dũng.

Tiếp theo đó, từ ngày 14-16/10 xuất hiện 2 đợt mưa với cường độ mưa lịch sử, tổng lượng mưa đo được tại các trạm dao động từ 500-850mm. Từ ngày 14/10 bắt đầu xuất hiện lũ trên hồ Tả Trạch với đỉnh lũ 7.205m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du được giữ ổn định từ 640-767m3/s cắt khoảng 89% đỉnh lũ.

Tổng lượng nước về hồ khoảng 266 triệu m3, lượng nước giữ lại hồ khoảng 201 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 65 triệu m3. Mực nước hồ tăng 9,06m từ cao trình +35,1m lên cao trình +44,16m/+45m.

Đối với hồ Bình Điền, từ 16h ngày 14/10 bắt đầu xuất hiện lũ trên hồ Bình Điền với đỉnh lũ về hồ 6.582m3/s, lưu lượng vận hành về hạ du lớn nhất 2.381m3/s, cắt khoảng 64% đỉnh lũ.

Tổng lượng nước về hồ đạt khoảng 218 triệu m3 và lượng nước giữ lại hồ khoảng 107 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 111 triệu m3. Mực nước hồ tăng 7,25m từ cao trình +76,23m lên cao trình +83,48m/+85m. 

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, tổng lưu lượng lớn nhất 2 hồ Tả Trạch và Bình Điền vận hành điều tiết cùng thời điểm về hạ du sông Hương ở mức 3.148m3/s. Mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh +4,00m lúc 8h ngày 15/10.

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, nếu không có hồ chứa ở thượng nguồn với tổng lưu lượng cùng thời điểm khoảng 12.730m3/s, lượng nước khoảng 484 triệu m3 của 2 nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch đổ về hạ du, mực nước trên sông Hương tại Kim Long có thể vượt mức +5,51m (gần đạt mức lũ lịch sử 15h ngày 02/11/1999 tại Kim Long là +5,81m).

Từ đó cho thấy, quy trình vận hành liên hồ Tả Trạch và Bình Điền đã giảm mực nước sông Hương khoảng hơn 1,51m, góp phần đáng kể giảm bớt thiệt hại cho vùng hạ du.

Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn sông Hương góp phần giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là tịa thành phố Huế. Ảnh: Công Điền.

Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn sông Hương góp phần giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là tịa thành phố Huế. Ảnh: Công Điền.

Đối với hồ Hương Điền, từ 15h ngày 14/10 bắt đầu xuất hiện lũ về hồ với lưu lượng đỉnh lũ 9.554m3/s, vượt lưu lượng lũ kiểm tra 9.430m3/s với tần suất 0,1%, 1000 năm xuất hiện 1 lần, lượng nước vận hành về hạ du lớn nhất 4.180m3/s, cắt khoảng 56% đỉnh lũ.

Tổng lượng nước về hồ khoảng 411 triệu m3, tổng lượng nước điều tiết luân phiên giữ lại hồ khoảng 156 triệu m3, tổng lượng vận hành điều tiết về hạ du 255 triệu m3. Mực nước hồ tăng 4,93m từ cao trình +52,6m lên cao trình +57,53m/+58m.

Theo tính toán nếu không có hồ chứa ở thượng nguồn với lưu lượng 9.554m3/s, mực nước trên sông Bồ có thể vượt mức 5,6m, hồ Hương Điền đã vận hành giảm lũ cho sông Bồ khoảng hơn 0,6m.

Để phổ biến thông tin và tuyên truyền nâng cao nhận thức về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức hội nghị rà soát công tác vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương trong các đợt lũ tháng 10 năm 2022 và công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhờ công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương được quan tâm đúng mức nên các hồ chứa trên thượng nguồn sông Hương đã liên tục cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du trong 4 đợt mưa lớn, góp phần giảm bớt thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.