| Hotline: 0983.970.780

Ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất năm 2023

Chủ Nhật 20/11/2022 , 17:54 (GMT+7)

Hà Tĩnh Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng; khơi thông hệ thống tưới, tiêu bị sạt lở, cản trở dòng chảy.

Máy móc được huy động để làm thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất năm 2023. Ảnh: Thanh Nga.

Máy móc được huy động để làm thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất năm 2023. Ảnh: Thanh Nga.

Là địa phương đang có hơn 80% dân số thuần nông, đời sống của bà con vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất lúa và cây màu hàng năm phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nguồn nước. Vì vậy để đảm bảo các vụ sản xuất năm 2023 “ăn chắc”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ thị cho các địa phương về việc ra quân làm thuỷ lợi nội đồng.

Chỉ thị nêu rõ, 2022 là năm cuối của một chu kỳ La Nina (nền nhiệt độ thấp, nắng nóng ít, mưa nhiều hơn). Nhìn chung, thời tiết thủy văn trong các tháng đầu năm trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra khá thuận lợi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 dự báo thời tiết bất lợi, khó lường; không khí lạnh xuất hiện sớm, khô và ít mưa; lượng mưa có xu thế giảm so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đạt dung tích thiết kế, một số hồ chứa lớn đạt dung tích mới đạt 75 đến 80% dung tích thiết kế.

Ngoài ra, do các công trình thủy lợi đã được đưa vào sử dụng nhiều năm, một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp; một số hệ thống tưới, tiêu bị sạt lở, bồi lấp do mưa lũ, mất an toàn công trình, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh.

Mặc dù chưa đến ngày ra quân (20/11) nhưng nhiều địa phương đã xuống đồng lấy khí thế. Ảnh: Thanh Nga.

Mặc dù chưa đến ngày ra quân (20/11) nhưng nhiều địa phương đã xuống đồng lấy khí thế. Ảnh: Thanh Nga.

Để đảm bảo an toàn công trình và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2023; UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam và Bắc Hà Tĩnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan phát động phong trào toàn dân ra quân làm thuỷ lợi nội đồng, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Thời gian tổ chức thực hiện từ ngày 20/11/2022 đến ngày 31/1/2023.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý. Huy động toàn dân ra quân nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn các hồ đập, trạm bơm; củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng cho việc làm đất vụ Xuân, tránh thất thoát nguồn nước; huy động nguồn lực tổ chức duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn công trình, an toàn cấp nước để phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2023; tập trung đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng năm 2022 hoàn thành theo kế hoạch được giao để kịp thời phục vụ sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam và Bắc Hà Tĩnh thành lập ban chỉ đạo, tổ chức khảo sát, tính toán, phân chia khối lượng các hạng mục công trình cần sửa chữa, nạo vét, nâng cấp do đơn vị quản lý để huy động nhân lực của công ty và các địa phương hưởng lợi, tập trung tu bổ, sửa chữa, nạo vét kịp thời. Cân đối nguồn nước các công trình thủy lợi do đơn vị mình quản lý, dự báo khả năng đảm bảo tưới ổn định để thông báo cho các địa phương chủ động bố trí kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2023.

Đối với các công trình đang thi công sửa chữa, nâng cấp: chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thi công hoàn thành đưa vào sử dụng; phối hợp với các chủ đập (đơn vị trực tiếp quản lý khai thác công trình) và chính quyền địa phương nơi có công trình đang triển khai thi công tính toán cân đối nguồn nước và có giải pháp điều tiết nguồn nước trong hồ phù hợp để vừa đảm bảo tổ chức thi công công trình, vừa đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, mặc dù chưa đến thời gian tổ chức thực hiện song một số huyện như Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên đã “lên dây cót”, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện để xuống đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, huy động sức dân tu bổ những tuyến kênh bị hư hỏng, gây thất thoát nước, nhất là các tuyến cuối kênh.

Bà con nông dân tranh thủ nạo vét các tuyến kênh mương bằng đất, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Thanh Nga.

Bà con nông dân tranh thủ nạo vét các tuyến kênh mương bằng đất, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho hay, theo kế hoạch đợt ra quân rầm rộ ở Thạch Hà sẽ diễn ra từ 15 – 30/12, song hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, một số xã như Thạch Văn, Việt Tiến, Thạch Kênh… đã huy động sức dân ra đồng cắt cỏ, nạo vét các tuyến kênh đất.

Các địa phương còn lại cũng đã tuyên truyền đến tận thôn xóm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện sửa chữa trạm bơm, kênh mương xuống cấp, nạo vét kênh; đồng thời tổ chức kiên cố hóa khoảng 17 – 20 km kênh mương.

Dự kiến, năm 2023, diện tích sản xuất lúa của huyện Thạch Hà sẽ giảm khoảng 200 ha so với năm 2022. Nguyên nhân là do một số diện tích được quy hoạch thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường Hàm Nghi kéo dài.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.