Nhóm ngành nông nghiệp trọng điểm thu hút FDI
Ngày 21/7, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị quốc tế “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL”. Hội nghị mong muốn tìm ra các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư hiện đại và bền vững cho vùng ĐBSCL, cũng như đưa ra những đánh giá thực tiễn về khung pháp lý thu hút đầu tư cho vùng.
Theo đánh giá từ VIAC, trong năm 2021 và 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hoạt động giao thương tại ĐBSCL vẫn duy trì ổn định. Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng đã nỗ lực thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đó, tạo sự bứt phá và khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương” của khu vực phía Nam.
Hiện nay, tỉnh Long An và TP Cần Thơ đang là hai địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lớn. Các địa phương khác trong vùng cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy trình cũng như chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng. Từ năm 2022 đến nay, các nhà đầu tư đã quan tâm thêm các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh…
Các nhóm ngành trọng điểm thu hút đầu tư nước ngoài là lúa gạo, thủy sản, rau quả và gần đây là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng trở thành những lĩnh vực tiềm năng thu hút đầu tư FDI.
Điển hình, năm 2020 tỉnh Bạc Liêu thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng, tổng vốn đầu tư kiến lên đến 4 tỷ USD. Năm 2021, TP Cần Thơ cũng thành công thu hút đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II từ Nhật Bản, với nguồn vốn đầu tư trực tiếp 1,3 tỷ USD, trở thành dự án FDI quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, một khảo sát của VCCI Cần Thơ cho thấy, đến tháng 6/2023, toàn vùng ĐBSCL có trên 1.900 dự án FDI, tổng vốn đầu tư nước ngoài trên 35 tỷ USD, một con số còn khiêm tốn so với các khu vực khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào vùng ĐBSCL cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có. Bên cạnh đó cần phải giải quyết một nút thắt quan trọng về thể chế, hành lang pháp lý.
Khung pháp lý chồng chéo, doanh nghiệp gặp khó khi vận dụng
Theo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khu vực ĐBSCL đáp ứng yêu cầu, xứng đáng là điểm đến đầy hứa hẹn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đề cập đến một trong những vấn đề lớn còn tồn tại ở khu vực là: Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và nội vùng chưa đồng bộ, thiếu liên kết; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, khung pháp lý, quy trình thủ tục, chồng chéo giữa các văn bản luật cũng trở thành nút thắt lớn.
Ông Nguyễn Phương Lam dẫn chứng, trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, doanh nghiệp gặp khó khăn giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Nhà đất. Nếu như Luật Đất đai yêu cầu có chủ trương đầu tư, có quyền thay đổi quyền sử dụng đất. Trong khi đó theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp buộc phải có quyền khai thác đất, quyền sử dụng đất thì mới được đầu tư. Do đó, các dự án khi thực hiện không biết sử dụng theo luật nào.
Đánh giá khung pháp lý và thủ tục hành chính là vấn đề nổi cộm hàng đầu tác động đến hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư đối với ĐBSCL, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc tiếp tục chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo. Những bất cập trong thể chế chồng chéo mâu thuẫn, xung đột không được xử lý khiến cho doanh nghiệp gặp khó khi vận dụng.
Ông Lộc cho rằng, để tháo khó, gỡ thách thức trong thu hút nhà đầu tư cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các thể chế. Trong đó, có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư thương mại quốc tế.
“Những năm gần đây, hệ thống pháp luật cũng như nhiều chính sách từ Chính phủ góp phần thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong khu vực. Tuy nhiên, sau 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp mong chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Lộc nhấn mạnh.
Hiện nay, giao thương kinh tế phát triển, doanh nghiệp trong khu vực sẽ làm việc với nhiều đối tác, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Đồng nghĩa là việc tranh chấp có thể phát sinh bất cứ lúc nào, với tính chất ngày càng phức tạp. Do đó, ông Lộc mong muốn các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, thực hiện các phương án dự đoán để chủ động phòng ngừa rủi ro tranh chấp hiệu quả.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đang phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp ĐBSCL xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý, thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp.