| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 27/01/2018 , 09:35 (GMT+7)

09:35 - 27/01/2018

Các ông các bà đã làm gì?

Ở thành phố Kansas miền Trung nước Mỹ có một số bức tường bị vẽ bậy. Phải nói tôi rất ngạc nhiên, Mỹ mà, Mỹ phải đẹp tổng thể trong tưởng tượng riêng của tôi chứ.

Ngoài việc vài bức tường bẩn, nơi đây cho tôi cái nhìn thiện cảm đặc biệt. Đó là một trong những nơi có nhiều thổ dân da đỏ sinh sống; là nơi nổi tiếng với món bò bít-tết. Lại nữa, nơi đây cũng là cái nôi của những danh thủ bóng chày, cái nôi của nhạc Jazz, cái nôi của món nướng ba-bê-kiu trứ danh (barbecue, BBQ)…

Tôi băn khoăn suốt mấy ngày tham quan và sống với nhạc Jazz cùng món sườn nướng ở đó. Trong cuối chương trình ở Trung Mỹ, chúng tôi được chia nhóm, mỗi nhóm được một gia đình mời ăn tối. Nhóm tôi ba người và một phiên dịch là Việt kiều đi sang tiểu bang bên cạnh. Missouri là nơi giải phóng nô lệ đầu tiên ở Mỹ và cũng là nơi chịu nhiều giông lốc trong năm. Vì vậy mà nhà của cư dân không được xây cao, nhìn từ ngoài như những nếp nhà bình thường. Nhà người Mỹ như các bạn thấy trong phim ảnh, chỉ lâu đài mới nguy nga, không thì là những tấm ván công nghiệp đơn giản, dễ xây dễ phá.

Đôi vợ chồng tốt bụng mời nhóm của tôi sống theo mô hình phổ biến ở Mỹ: chồng đi làm, vợ ở nhà nuôi dạy con. Người chồng là ảo thuật gia, hoạt động cho sân khấu hay rạp xiếc gì đó bên Kansas City, người vợ trung niên đã nuôi dạy thành công 5 đứa con của họ. Nhìn bên ngoài, như đã nói, nhà nhà giống nhau, không thấy ai quá giàu hay quá nghèo. Nhưng bên trong của từng gia đình Mỹ mới là sở thích và đẳng cấp văn hóa của họ.

Phòng khách của họ xuề xòa, salon, vài cái ghế, vậy thôi. Nhưng bà chủ có sở thích sưu tập pha lê và thủy tinh xanh. Ngay cạnh phòng khách là phòng ăn, một rừng lọ và cốc màu xanh biển mê hồn trong tủ, trên kệ. Rồi khách được đưa xuống tầng hầm, thú vị quá, tầng hầm của người Mỹ ở vùng giông lốc thì như thế nào? Phòng khách, những phòng ngủ và bếp núc phòng khi sự cố dài ngày trên mặt đất. Ấn tượng nhất là khu sách của gia đình trung lưu như góc thư viện của một trường đại học. Bà chủ cho biết bà ngưỡng mộ những người đưa con người xích lại với nhau nhờ tài năng và đức độ của họ: Gandhi (Ấn Độ), Luther King (Mỹ), Mandela (Nam Phi)… Chân dung những con người ấy được phóng to trên tường, cho cảm xúc sâu sắc.

Ngồi ghé xuống bên nhau trong thư viện gia đình ở tầng hầm, tôi buột ra cảm nghĩ về những bức tường bẩn ở Kansas City. Bà chủ nhà không ngạc nhiên mà còn hào hứng vì tôi đã chú ý đến điều đó. Bà giải thích: Thị trưởng Kansas biết nhu cầu động tay động chân của bọn trẻ, ông luôn dành một số bức tường ở bốn phía của thành phố cho thanh thiếu niên có chỗ để bôi. Một năm vài lần người ta xóa trắng các bức tường và rồi bọn trẻ lại đến đó bôi lên. Thảo nào, khoa học và nhân văn quá thể!

Tôi than phiền những bức tường ở Hà Nội khi ấy ngổn ngang những con dấu quảng cáo của cánh “khoan cắt bê tông”. Đâu đâu cũng khoan cắt bê tông, chồng chéo lấn át khiến những chỗ vẽ bậy viết bậy thông thường bỗng thành chấp nhận được. Có cảm giác một thế lực đểu nào đó đang muốn Hà Nội nhem nhuốc để con người cúi đầu, nghẹt thở hoặc uất ức hơn, nổi khùng. Làm sao không trị được lũ khoan cắt bê tông khi chúng quảng cáo cả số điện thoại kia mà, trừ khi các nhà chức trách cố tình làm ngơ! (Bây giờ tôi không biết cái nạn “khoan cắt bê tông” đỏ nhòe ấy còn thống lĩnh Hà Nội không vì 9 năm rồi tôi không ra lại Thủ đô).

Người phụ nữ Mỹ nhìn xoáy và tôi và cả nhóm chúng tôi, bật hỏi: “Thế các ông các bà đã làm gì, đã phản ứng gì?”. Tôi giải thích mình kêu ca bằng viết báo và than thở với dân phố. Bà ấy lắc đầu: "Không, ở Mỹ chúng tôi có cảnh sát, nhưng để bắt được tại trận, chúng tôi sẽ cùng nhau dùng camera, hoặc dùng người, sẽ có cách tóm được bọn ấy và giao cho cảnh sát! Các ông các bà đừng trông chờ vào ai, phải tự mình, phải cùng nhau”.

Tôi nén thở dài. Chúng tôi chiến đấu anh hùng ở sa trường còn với môi trường của chính mình thì chúng tôi ném rác ra đường, chúng tôi thản nhiên khạc bậy đái bậy, chúng tôi lấy trộm lan can cầu và lấy trộm nắp cống về nhà bán thép, chúng tôi tỉa tót bên trong nhà mình lộng lẫy còn thì mặc kệ bên ngoài ra sao thì ra! Họp chi bộ, họp tổ dân phố, họp tổ hưu… không thắc mắc chuyện trên trời dưới bể thì đọc thơ và hát hò, chuyện dân sinh, kệ, vẫn bảng hiệu Khu phố văn hóa khắp nơi trong khi mình chẳng làm gì cho cộng đồng để thật sự ngẩng cao đầu chỗ của ta có văn hóa thật!

Càng nghĩ càng rầu lòng, thôi về lại sẽ chăm chỉ quét dọn cầu thang chung cư, cũng là một chút cho cộng đồng, biết sao hơn?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm