Trước khi siết xuất khẩu gạo, Ấn Độ từng chiếm hơn 40% tổng lượng gạo giao dịch trên toàn cầu và đưa mặt hàng này sang hơn 150 quốc gia. Một trong những lý do giúp quốc gia Nam Á đạt thành tựu này là nhờ công nghệ.
Ấn Độ luôn nằm trong nhóm đi đầu về công nghệ sản xuất, chế biến gạo. Ông Rakesh Hiranandani, đại diện Công ty Suri Engineers - đơn vị cung cấp máy xay xát gạo lớn tại nước này - cho biết, rằng những doanh nghiệp xuất khẩu của nước này luôn ưu tiên sử dụng công nghệ mới nhất để chế biến lúa gạo. Trong số đó có máy xay xát gạo.
Máy xay lúa được sử dụng để chế biến thóc thô thành gạo chế biến. Với sự trợ giúp của chiếc máy này, người ta có thể chế biến 40 - 50 tấn gạo chế biến mỗi ngày. Điều này giúp giảm chi phí lao động và lợi nhuận cao hơn cho những người kinh doanh trong ngành.
"Việc làm sạch lúa gạo sau thu hoạch được tự động hoàn toàn. Làm sạch sơ bộ đòi hỏi phải loại bỏ bất cứ tạp nhiễm nào, chẳng hạn như bụi, rơm, cát, đất sét hoặc các hạt nặng có kích thước không đồng đều. Sau đó, người sản xuất cần tách vỏ trấu để tạo ra những hạt gạo trắng nguyên được xay đúng cách, không có tạp chất và bao gồm một lượng hạt vỡ tối thiểu", ông Rakesh nói.
Chế biến gạo cực kỳ quan trọng đối với người tiêu dùng Ấn Độ. Tương tự Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, lúa gạo là loại lương thực chủ yếu. Các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo ở nước này luôn cần đảm bảo, sau khi quá trình xay xát gạo kết thúc, sản phẩm cuối cùng thường là 60 - 65% gạo trắng, 8 - 10% cám, 15% trấu và 5 - 10% là tạp chất như đá, cát.
Hạt gạo trước khi đến thị trường Ấn Độ, thông thường trải qua 7 bước, gồm làm sạch lúa, tách vỏ, tách thóc tồn dư, làm trắng và đánh bóng gạo, phân loại gạo, phân loại màu sắc và cuối cùng là đóng gói. Khâu nào cũng quan trọng, nhưng nếu không được cơ giới hóa đồng bộ, người sản xuất dễ mắc phải sai sót như không có hệ thống loại bỏ cám phù hợp.
Doanh nhân người Ấn Độ thông tin, nhiều nhà xay xát gạo tập trung vào máy làm trắng nhưng họ quên chú ý đến hệ thống xử lý cám được kết nối với máy làm trắng hoặc máy làm mịn. Một sai lầm phổ biến là không loại bỏ cám đúng cách trong mỗi lượt, có thể gây ra áp lực không đồng đều lên hạt gạo. Điều này có thể khiến hạt bị giữ trong máy làm trắng quá lâu, dẫn đến ma sát, độ bóng kém và nhiệt dư thừa làm hạt gạo mềm và dễ gãy.
Ngoài ra, hạt gạo còn gặp rủi ro suy giảm chất lượng nếu kỹ thuật sấy không đúng cách. "Để ngăn chặn, hãy đảm bảo thóc khô đều, đồng thời theo dõi nhiệt độ và độ ẩm tương đối để tránh lúa bị khô quá mức hoặc bị ướt lại. Độ ẩm thông thường của thóc sau khi sấy thóc thô hoặc sấy đồ phải là 12 - 15% trong thóc", Rakesh nói tiếp.
Với quốc gia mà sản xuất lúa gạo là một ngành hàng kinh tế lớn, họ xác định rõ tầm quan trọng của thiết bị xay xát gạo trong việc bảo quản chất lượng gạo và giảm hư hỏng. Nếu xay sát đúng tiêu chuẩn, thời hạn sử dụng của gạo được kéo dài hơn rất nhiều.
Thông qua Festival lúa gạo quốc tế tổ chức tại Hậu Giang, Công ty Suri Engineers nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường Việt nam. Ông Rakesh thừa nhận, Việt Nam đang trên con đường trở thành "hũ gạo" của ngành hàng lúa gạo thế giới. Nhu cầu về cơ giới hóa, tự động hóa cho ngành hàng lúa gạo, vì thế cũng được đánh giá là đang trong thời kỳ tăng trưởng nóng.
"Đã có một số đối tác giới thiệu chúng tôi đến tận nhũng người sản xuất gạo đang trực tiếp làm tại Việt Nam. Công ty đã trao đổi và biết được mong muốn tìm kiếm các máy móc sản xuất thông minh, có thể hỗ trợ một cách tốt nhất cho người nông dân canh tác lúa gạo. Đó là những thứ Suri Engineers có thể mang lại", Rakesh cam kết.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2023, Bộ NN-PTNT cho biết, theo tính toán ở mức an toàn rất cao thì lượng lúa dùng cho bảo đảm an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm.
Việt Nam còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7 - 8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu. Con số này sẽ ổn định đến năm 2030, bởi định hướng giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa. Hơn lúc nào hết, vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo được đặt ra một cách cấp thiết.
Góp ý về vấn đề này, ông Rakesh Hiranandani khuyến cáo ngành hàng lúa gạo Việt Nam nên phát triển theo mô hình đại điền, tích hợp nhiều công nghệ và máy móc hiện đại. Bằng sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, Việt Nam nên đưa nhiều hơn máy móc vào sản xuất.
"Tôi nhận thấy Việt nam có thể trở thành đối tác mạnh mẽ về lương thực của bất cứ quốc gia nào thế giới. Các bạn đủ khả năng cung cấp thực phẩm và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm không chỉ cho người dân trong nước, mà còn là thị trường toàn cầu", Rakesh nhấn mạnh.