| Hotline: 0983.970.780

Cái Bè chuyển đổi trên 9.600ha đất lúa sang trồng cây ăn quả

Thứ Năm 12/12/2024 , 08:40 (GMT+7)

Tiền Giang Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Cái Bè có khoảng 1.200ha đất lúa chuyển sang cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, mít…

Thời gian qua, thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phía bắc quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Tại huyện Cái Bè, đến nay diện tích cây lâu năm đạt 27.979ha; trong đó, cây ăn trái chiếm 98%, chủ yếu là sầu riêng 10.000ha và mít 8.723ha. Diện tích đất lúa chỉ còn 4.900ha.

Chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu. Ảnh: Kiều Nhi.

Chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu. Ảnh: Kiều Nhi.

Giai đoạn 2016-2019 toàn vùng chuyển đổi 4.939ha, trong đó trồng cây ăn trái hơn 4.190ha. Giai đoạn 2020-2024 chuyển đổi được 5.937ha, trong đó cây lâu năm hơn 5.421ha. Chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ nhất vào năm 2020 (trên 2.100ha) và năm 2023 (trên 1.600ha), vượt khoảng 700ha so với kế hoạch. Đến nay, huyện Cái Bè trở thành địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả, đúng quy định Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè hướng dẫn UBND các xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trên cơ sở kế hoạch của huyện. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến hộ dân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi, thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi tại trụ sở UBND xã; thực hiện việc vẽ bản đồ xác định vùng chuyển đổi. Cán bộ địa chính xã tiếp nhận, xử lý bảng đăng ký chuyển đổi, lập sổ theo dõi; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi.

Xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè vừa tổ chức ra mắt xã nông thôn mới kiểu vào tháng 11 vừa qua. Ở đây, phong trào chuyển đổi vườn tạp đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái phát triển mạnh trong 8 năm qua, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 80 triệu đồng. Diện tích đất nông nghiệp của xã là 1.688ha, trong đó cây ăn quả là cây trồng chủ lực với những loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, sầu riêng. Hàng năm, xã có khoảng 400-450ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân từ 16-20 tấn/ha, sau trừ chi phí lợi nhuận từ 600-700 triệu đồng/ha.

Ông Ngô Văn Hớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NN Mỹ Lợi B chia sẻ, cách đây 8 năm thấy trồng cây lúa gần như không có lợi nhuận nên nông dân chuyển từ cây lúa sang cây mít, thu nhập cao hơn gấp 5 lần; sau đó, chuyển sang sầu riêng thu nhập cao hơn mít vài ba lần.

“Ban đầu, người dân chưa hiểu kỹ thuật nhưng nhờ tích tích cực học hỏi nên canh tác đạt năng suất. Khoảng 2 năm nay sầu riêng mang lại thu nhập rất tốt, đa số người trồng đều giàu, khá hơn. Cây sầu riêng còn giúp địa phương xóa đỏi giảm nghèo, đóng góp xây dựng cầu đường…”, ông Hớn nói.

Ông Ngô Văn Hớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mỹ Lợi B bên vườn sầu riêng. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Ngô Văn Hớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mỹ Lợi B bên vườn sầu riêng. Ảnh: Kiều Nhi.

Không tự phát trồng sầu riêng 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái cũng còn một số tồn tại như chuyển đổi rải rác, không tập trung, không thông qua chính quyền địa phương và không đảm bảo các yếu tố sản xuất…

Thời gian tới, ông Phan Văn Thành, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè cho biết: Trên cơ sở Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía bắc quốc lộ 1A, Phòng NN-PTNT tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể và UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động làm cho người dân thấy được những khó khăn, hạn chế khi chuyển đổi ồ ạt không theo định hướng của tỉnh và huyện. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 112 ngày 11/9/2024 của Chính phủ về Quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người trồng lúa thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi theo đúng quy hoạch, hình thành vùng chuyển đổi tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng.

Đặc biệt là không tự phát trồng cây sầu riêng ngoài vùng thích nghi theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học công nghệ nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, an toàn, bền vững, đầu tư thâm canh đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao…

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách

Bến Tre Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách được tổ chức từ ngày 8/1 - 12/1/2025 với chủ đề 'Sắc màu Chợ Lách', Agribank Bến Tre vinh dự là một trong những đơn vị đồng hành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.