| Hotline: 0983.970.780

Lấy hợp tác xã làm nòng cốt liên kết sản xuất trái cây xuất khẩu

Thứ Hai 16/12/2024 , 20:33 (GMT+7)

An Giang Hình thành mối liên kết giữa nông dân và HTX để thành lập các nhóm sản xuất quy mô lớn. Từ đó, tạo thế mạnh cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng.

Ngành nông nghiệp An Giang chú trọng lấy HTX và tổ hợp tác làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp An Giang chú trọng lấy HTX và tổ hợp tác làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành hàng cây ăn trái tại An Giang đang chứng minh tiềm năng vượt bậc trong việc đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu cho thị trường trong và ngoài nước. Sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác, và doanh nghiệp đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất và tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 20.000ha, tổng sản lượng năm 2023 đạt hơn 350.000 tấn, An Giang đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất trái cây lớn của vùng ĐBSCL. Các sản phẩm chủ lực bao gồm xoài 225.000 tấn/năm, chuối 14.000 tấn, sầu riêng 3.600 tấn, nhãn 2.500 tấn, và mít 22.500 tấn. Đặc biệt, tỉnh đã được cấp 514 mã số vùng trồng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy HTX và tổ hợp tác làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị. Thúc đẩy việc hình thành mối liên kết giữa nông dân và HTX để thành lập các nhóm sản xuất quy mô lớn. Từ đó, tạo thế mạnh cho việc sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái và hạn chế các rủi ro trong khâu tiêu thụ trái cây tại các địa phương.

Định hướng đến năm 2030, An Giang đặt mục tiêu có 50% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giá trị xuất khẩu.

HTX GAP Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới là một ví dụ tiêu biểu về sự thành công trong liên kết sản xuất và xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Hiện HTX có hơn 100 thành viên chính thức và tổng diện tích liên kết 243ha, HTX đã sản xuất hơn 1.700 tấn xoài mỗi năm. Những nỗ lực này đã giúp HTX ký kết hợp đồng xuất khẩu xoài tươi với nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Chánh Thu, và Tập đoàn T&T Group.

An Giang đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, sự hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ đã mở ra cánh cửa lớn hơn cho trái cây An Giang. Theo ông Privet Nicolas Marcel René, Giám đốc điều hành The Fruit Republic, công ty đang triển khai vùng nguyên liệu hơn 50 ha dưa lưới không hạt đạt chuẩn GlobalGAP và có kế hoạch mở rộng lên 200 ha vào giai đoạn 2025-2027 để phục vụ xuất khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế, An Giang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất bền vững, đặc biệt là việc rải vụ thu hoạch để tránh tình trạng “dội chợ”.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Ngoài việc nâng cao diện tích cây xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP,  địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến các loại nông sản khác.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang luôn tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và kho bảo quản hiện đại. Điều này không chỉ gia tăng giá trị nông sản mà còn đảm bảo tính ổn định trong tiêu thụ. Đặc biệt, các sản phẩm như xoài, sầu riêng và mít… vốn là thế mạnh của An Giang sẽ được đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Sự phối hợp giữa các HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương là chìa khóa để ngành trái cây An Giang phát triển bền vững. Ngoài việc đảm bảo nguồn cung, các HTX còn đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, từ đó tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong chuỗi giá trị.

Để phát triển HTX nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, mới đây UBND tỉnh An Giang giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng hệ sinh thái HTX, gồm: hệ sinh thái lúa gạo, hệ sinh thái cá tra, hệ sinh thái xoài, hệ sinh thái bò sữa, hệ sinh thái heo, hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi (bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP…).

Hiện nay An Giang xuất khẩu trái cây sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay An Giang xuất khẩu trái cây sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để phát triển thành công các hệ sinh thái, cần thực hiện những bước đi cụ thể. Trước hết, mỗi hệ sinh thái phải xây dựng 1 đề án phát triển riêng, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, ngân hàng, quỹ tín dụng, nhà khoa học, nhà quản lý, HTX, nông dân, người tiêu dùng… và có dự toán kinh phí thực hiện đề án.

Cùng với đó, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ HTX, nông dân (đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách, lương, thưởng) …trong từng hệ sinh thái. Trong chương trình phát triển HTX, cần xây dựng theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung HTX liên kết với doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp cung ứng, hỗ trợ kho chứa vận chuyển để cùng nhau phát triển. Cụ thể phải có những doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối đặt hàng chung sản phẩm đầu ra của HTX, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, bao bì, mẫu mã...

Những nỗ lực này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế của cây ăn trái mà còn góp phần khẳng định thương hiệu trái cây An Giang trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu. Với sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển nông nghiệp và sự đồng lòng của các bên liên quan, ngành hàng trái cây tỉnh An Giang hứa hẹn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

Xem thêm
Không thiếu quất, bưởi cảnh trưng Tết

Hưng Yên Tác động tiêu cực của mưa, bão làm gia tăng chi phí chăm sóc nên các dòng quất cảnh, bưởi cảnh tại Văn Giang có giá bán cao hơn so với mọi năm.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.