| Hotline: 0983.970.780

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giúp nông dân tăng thu nhập

Thứ Sáu 01/11/2024 , 05:31 (GMT+7)

Đồng Tháp Đề án Phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là bước đột phá trong ngành nông nghiệp mà còn mang lại nhiều cơ hội cho người nông dân tại Đồng Tháp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tham quan cánh đồng lúa trong Đề án 'Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030' tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tham quan cánh đồng lúa trong Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được Bộ NN-PTNT khởi xướng với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đề án này không chỉ nhằm gia tăng năng suất mà còn tạo ra sự bền vững trong canh tác và hỗ trợ nông dân cải thiện thu nhập.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh tiên phong trong việc triển khai Đề án này. Địa phương đã xác định các vùng đất thích hợp để phát triển lúa chất lượng cao, đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ và khuyến khích nông dân tham gia vào chuỗi giá trị này. Sở NN-PTNT Đồng Tháp đồng hành cùng các HTX trong tỉnh nhằm phát triển chuỗi liên kết lúa gạo, từ khâu sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, mục tiêu của địa phương là đưa lúa gạo Đồng Tháp trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường. Việc xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo không chỉ giúp cải thiện chất lượng mà còn tạo điều kiện để người nông dân có thể bán sản phẩm với giá tốt hơn. Đồng Tháp sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm lúa gạo.

Nông dân tham gia trong mô hình của đề án rất phấn khởi vì giảm chi phí  đầu vào từ 20-30% mà cho lợi nhuận tăng thêm 2,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân tham gia trong mô hình của đề án rất phấn khởi vì giảm chi phí  đầu vào từ 20-30% mà cho lợi nhuận tăng thêm 2,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong quá trình triển khai Đề án, các HTX tại Đồng Tháp đã trở thành cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười là một trong những đơn vị tiên phong đang tham gia vào Đề án này đem lại kết quả tốt trong canh tác lúa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi cho biết: Trong vụ lúa hè thu 2024 vừa qua, 20 hộ nông dân trong HTX tham gia thực hiện mô hình nằm trong Đề án, với diện tích hơn 43ha lúa. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành. Nông dân đã ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ (sạ hàng, sạ cụm kết hợp vùi phân) đã giảm 80kg/ha so với phun bằng máy (chỉ sử dụng 70kg giống/ha), giảm lượng phân bón từ 20 – 40%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, rơm được thu gom ra khỏi ruộng, được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa...

Từ đó, nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (giảm 4,92 tấn CO2tđ/ha). Về năng suất lúa đạt 6,5 - 6,9 tấn/ha và được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100-150 đồng/kg. Lợi nhuận mô hình cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Đặc biệt thu nhập của người trồng lúa tăng thêm từ 800.000 - 900.000 đồng/ha so với đối chứng từ việc bán rơm rạ sau thu hoạch.

Thiết bị sạ cụm và bón phân vùi của Công ty Sài Gòn Kim Hồng được áp dụng tại cánh đồng ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thiết bị sạ cụm và bón phân vùi của Công ty Sài Gòn Kim Hồng được áp dụng tại cánh đồng ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều nông dân trong mô hình nhận định còn một số khó khăn như: Vùi phân không đều, rút nước trên ruộng lúa giai đoạn 12 – 21 ngày sau sạ là chưa khả thi, việc thu gom rơm trong mùa mưa sẽ gặp khó khăn, cũng như thu gom và trữ rơm cùng lúc với số lượng lớn cần thực hiện bằng nhiều giải pháp. Cùng với đó, việc đảm bảo số lượng máy móc để ứng dụng cơ giới hóa (gieo sạ đến thu hoạch) trên diện tích lớn, thực hiện đồng loạt khi nhân rộng mô hình cần được tính toán hợp lý.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, mục tiêu trước tiên là hướng đến giảm giá thành sản xuất cho nông dân. Do đó, đề nghị nông dân, HTX trong tỉnh tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chí mô hình.

Để đề án phát huy hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện mô hình. Đề nghị ngành nông nghiệp địa phương nghiên cứu đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm thực hiện dịch vụ cho nông dân, HTX thuê máy móc.

Đồng Tháp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình kỹ thuật và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, các mô hình canh tác hữu cơ và bền vững sẽ được ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đồng hành cùng các HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nhằm thúc  đẩy phát triển chuỗi liên kết lúa gạo, từ khâu sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đồng hành cùng các HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nhằm thúc  đẩy phát triển chuỗi liên kết lúa gạo, từ khâu sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Đề án Phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là bước đột phá trong ngành nông nghiệp mà còn mang lại nhiều cơ hội cho người nông dân tại Đồng Tháp. Qua đó, tỉnh đang từng bước trở thành một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở ĐBSCL, từ đó góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai Đề án tại 7 huyện, thành trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha. Riêng đến năm 2030, ngoài 7 địa phương nêu trên, sẽ triển khai thêm Đề án tại huyện Lấp Vò, với tổng diện tích 161.252ha.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Bãi bỏ 5 thông tư về cấp sổ đỏ từ ngày 1/1/2025

Thông tư 20/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.