Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, để nâng cao giá trị ngành hàng sen và khai thác tiềm năng tối đa của loài cây đặc trưng này, Đồng Tháp đã triển khai chương trình tái cơ cấu ngành hàng sen, hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả. Các bước tái cơ cấu nông nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng sen, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra thêm nhiều việc làm.
Sen là một trong 5 ngành hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp (lúa, cá tra, hoa kiểng và sen) và đang được phát triển theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng tăng sản phẩm chế biến theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững.
Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh 1.265ha, chiếm 3,5% diện tích hoa màu toàn tỉnh, sản lượng đạt 984 tấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2019, diện tích sen giảm khá mạnh do sâu bệnh và thiếu liên kết về đầu ra, chỉ còn từ 800 - 880 ha, sản lượng dao động từ 600 – 720 tấn/năm.
Từ năm 2021 đến nay, diện tích sen đã được phục hồi trở lại, đạt 1.300ha, sản lượng trên 1.000 tấn, tập trung trồng nhiều tại các huyện như Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tái cơ cấu ngành hàng sen là một trong những chiến lược trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Tuy ngành hàng sen hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu hệ thống chế biến và thiếu nhãn hiệu sản phẩm. Chính vì vậy, tái cơ cấu ngành hàng sen không chỉ nhằm mục tiêu tăng sản lượng mà còn hướng đến chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, hạ tầng cho các hộ trồng sen, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích phát triển các sản phẩm chế biến từ sen như trà sen, bánh sen, mỹ phẩm từ tinh dầu sen, thực phẩm chức năng và thủ công mỹ nghệ từ sen… Điều này giúp nông dân tăng thu nhập và giảm rủi ro khi giá nông sản biến động.
Ông Phạm Thiện nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.
“Tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương hãy cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh” ông Nghĩa nói.
Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho biết: Để ngành hàng sen phát triển, các địa phương trong huyện cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người trồng sen, doanh nghiệp và chính quyền. Huyện đã tiến hành các khóa đào tạo kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn họ áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sen.
Một trong những điểm nổi bật của chương trình tái cơ cấu là phát triển mô hình HTX trồng sen. HTX đóng vai trò là đơn vị trung gian, giúp liên kết người nông dân và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng lớn của ngành hàng sen và sự hiệu quả của chương trình tái cơ cấu.
Anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Khởi Minh Thành Công ở TP Cao Lãnh cho biết: Với khát khao “Đem hồ sen đi khắp thế gian”, anh đã dần mang được sản phẩm chất lượng làm từ sen chinh phục thế giới.
Từ hoa sen, lá sen vốn quen thuộc nay trở thành những sản phẩm thông dụng, độc đáo mang đậm chất Việt Nam. Và ý tưởng “Đem hồ sen đi khắp thế gian” ấy chắc chắn sẽ từng bước trở thành hiện thực qua những lần sản phẩm sen được giới thiệu ở các quốc gia. Và còn rất nhiều những sản phẩm chế biến từ sen khác đã và đang được xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân và đồng thời quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp.
Ngành hàng sen ở Đồng Tháp đã và đang trên đà phát triển với nhiều cơ hội mới. Tái cơ cấu ngành hàng sen không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương trên thị trường quốc tế. Theo định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp mong muốn ngành hàng sen sẽ trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, với khả năng xuất khẩu bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.