Báo Nông Nghiệp

Thứ Hai, 31/3/2025 9:53 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đất ruộng cần đúng quy định, quy trình kỹ thuật

Thứ Năm 27/03/2025 , 13:34 (GMT+7)

Tiền Giang Cải tạo tầng canh tác là nhu cầu chính đáng để sản xuất lúa thuận lợi hơn, tuy nhiên việc này cần thực hiện theo hướng dẫn của ngành chức năng.

Cứ vào mùa khô hạn như hiện nay, khi cánh đồng vùng ngọt hóa Gò Công (một phần của huyện Chợ Gạo và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và thành phố Gò Công), tỉnh Tiền Giang thường xuất hiện tình trạng mua, bán đất mặt ruộng. Điều đáng nói, việc mua bán tài nguyên này mang tính tự phát, chưa đúng quy định pháp luật và gây ra những hệ lụy sau này.

Thật ra, việc mua bán đất mặt ruộng ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra nhiều năm qua khi vào mùa khô hạn, hết vụ mùa, mặt ruộng “nứt nẻ chân chim”. Không ít nông dân vùng Gò Công bán đi một lớp đất mặt ruộng để vừa có thêm nguồn thu nhập và làm cho mặt ruộng trũng, thấp hơn để dễ dàng bơm, lấy nước từ kênh nội đồng vào ruộng.

Xe chở đất ruộng tại xã Phước Trung, Gò Công Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Xe chở đất ruộng tại xã Phước Trung, Gò Công Đông. Ảnh: Minh Đảm.

Một nông dân ở huyện Gò Công Đông chứng kiến nhiều trường hợp bán đất mặt ruộng khẳng định có nhiều trường hợp bán đất mặt ruộng lắm. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này do độ cao tầng mặt ruộng canh tác giữa các thửa liền kề không đồng đều. Dẫn đến, nước tưới và phân bón chảy về phía ruộng thấp. Để khắc phục việc này, chủ ruộng cao buộc phải cải tạo tầng canh tác bằng cách hạ thấp mặt ruộng. Ngoài ra, việc cải tạo đất mặt ruộng đã tạo ra lượng đất dư thừa, có thể dùng san lấp mặt bằng rất tốt. Mỗi công đất ruộng (1.000m2) được các chủ mua có giá đến 5 triệu đồng để khai thác khiến nông dân càng mong muốn cải tạo đất ruộng hơn.

“Một công đất bán đến 5 triệu đồng, sướng lắm. Đất trũng làm ruộng tiết kiệm nước, năm nay bán ít đó chứ mấy năm trước bán nhiều lắm. Người này bán thì người kia cũng bán, hết cánh đồng xã luôn, chính quyền xã biết có lên ngăn rồi cũng xong thôi”, một người dân địa phương khẳng định sự việc.

Theo một số nhà chuyên môn, việc cải tạo ruộng “gò” là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, việc cải tạo cần đúng quy trình kỹ thuật để không làm mất tầng canh tác. Chẳng hạn, tầng đất mặt nếu được lấy đi nông dân phải mất rất nhiều vụ để bón phân cho lớp đất tiếp theo trở thành tầng canh tác, tốn kém nhiều chi phí. Về mặt kỹ thuật, nếu trường hợp ruộng cao cần cải tạo thì phải giữ lại tầng đất mặt, chỉ lấy đi tầng dưới. Thông thường, tầng đất khai thác phải thấp hơn 20cm là phù hợp.

Vùng lúa xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông lúa chín nhưng đất thấp nên bị ngập úng khi địa phương trữ nước chống mặn vụ đông xuân mới đây. Ảnh: Minh Đảm.

Vùng lúa xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông lúa chín nhưng đất thấp nên bị ngập úng khi địa phương trữ nước chống mặn vụ đông xuân mới đây. Ảnh: Minh Đảm.

Có mặt tại ấp Thanh Nhung 2, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông vào ngày 25/3, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều phương tiện như: xe máy cày, xe ben thậm chí xe ba bánh… chở đất mặt ruộng về nơi tập kết. Các thương lái mua đất của nông dân tại ruộng với giá 3-5 triệu đồng/công (1.000 m2) sau đó bán lại cho các hộ có nhu cầu với giá cao hơn, lợi nhuận cao.

Bà Đặng Thị Khánh cho rằng, việc bán đất mặt ruộng đã làm cho ruộng hộ kế bên bị “gò” không thể làm lúa được, nhất là vào vụ đông xuân bơm nước vô sẽ chảy ra đám ruộng trũng thấp: “Không phải họ bán đất vì lợi nhuận mà do cao quá, gò quá nên họ bán đất nên ảnh hưởng người kế bên không làm lúa được, khi bơm nước vô tràn qua bên ruộng đó hết. Như ruộng nhà tôi phải lên gò luôn, làm lúa không được”.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang, việc khai thác đất mặt ruộng áp dụng gần như đối với khoáng sản, nếu khai thác phải có nằm trong quy hoạch. Các trường hợp khác đất mặt ruộng tại vùng Gò Công đều không có giấy phép. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp các địa phương kiểm tra, đề xuất hướng xử lý theo quy định.

Từ đầu mùa khô đến nay, có nhiều địa bàn xảy ra tình trạng mua, bán đất thu lợi như xã Kiểng Phước, Gia Thuận, Phước Trung (huyện Gò Công Đông), Bình Đông (TP. Gò Công), Bình Tân, Long Bình, Đồng Thạnh (Gò Công Tây). Tại các thửa ruộng này, có xe máy cày, xe xúc, xe ben... thực hiện các công đoạn cào xới và xúc đất lên xe chở đến nơi tiêu thụ. Điều đáng nói là từ trước đến nay, chính quyền và ngành chức năng địa phương còn có biểu hiện lơ là, chưa kiên quyết xử lý tình trạng mua, bán đất mặt ruộng trái phép.

Ông Dương Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông - địa phương là “điểm nóng” xảy ra nhiều trường hợp mua bán đất mặt ruộng thừa nhận: “Bây giờ mình đã mời các chủ xe chở đất 2 lần trong hơn 1 tháng nay, đã ra quyết định xử phạt 4-5 trường hợp kể cả việc tự ý bắc cầu qua kênh nữa. Có nhiều trường hợp bán đất, cải tạo đất có làm đơn xin và không làm đơn. Nói chung UBND xã xử lý quyết liệt và có giao công an, mà nhiều khi anh em bận đi họp, tập huấn nên họ lén lút chở đất. Có nhiều trường hợp vi phạm ở TP. Gò Công, ở huyện Gò Công Tây khi mình mời lên xử phạt họ không tới, có trường hợp họ không hợp tác, bỏ xe rồi tự lấy xe về. UBND xã đang làm báo cáo gửi UBND huyện”.

Trao đổi với phóng viên lãnh đạo các địa phương vùng Gò Công đều thừa nhận, việc khai thác đất mặt ruộng khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là sai quy định. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp mua bán đất mặt ruộng trái phép thuộc thẩm quyền của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn. Nơi nào để vi phạm xảy ra, chủ tịch UBND các địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Việc cải tạo tầng canh tác đất ruộng xảy ra ở vùng phía đông ở tỉnh Tiền Giang gần đây cần được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đúng quy định để không xảy ra những hệ lụy khó lường về sau.

Xem thêm
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đấu giá 6 điểm mỏ khoáng sản

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 6 điểm mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường trong năm 2025.

Quan trắc chất lượng nước bằng năng lượng tái tạo

Sóc Trăng Tỉnh Sóc Trăng vừa tiếp nhận, vận hành thiết bị quan trắc chất lượng nước tại 9 công trình cấp nước tập trung nông thôn bằng năng lượng điện tái tạo.

5 trường hợp từ chối giao khu vực biển

Theo Nghị định số 65/2025/NĐ-CP, Chính phủ quy định có 5 trường hợp từ chối giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân.