| Hotline: 0983.970.780

'Cầm cương' vận hành hồ chứa ở tỉnh có 80 dự án thủy điện

Thứ Ba 13/12/2022 , 08:25 (GMT+7)

KON TUM Là tỉnh có tới 80 dự án thủy điện, Kon Tum luôn phải đảm bảo chặt chẽ nhất khâu quản lý, vận hành các hồ thủy điện, không để ảnh hưởng tới hạ du.

Tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện nhất với hơn 80 dự án. Trong đó, 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ, 8 công trình thủy điện lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Xây dựng các tình huống giả định để ứng phó

Đối với các công trình thủy điện nhỏ, về cơ bản đã lập xong quy trình vận hành hồ chứa và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trong các năm trước đây, do biến đổi khí hậu, lượng mưa với lưu lượng mưa đều lớn, tập trung trong khoảng thời gian ngắn tạo nên lũ cực đoan ảnh hưởng đến việc vận hành các công trình thủy điện vừa và nhỏ, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân vùng hạ du.

Trước tình hình đó, năm 2022, tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị chủ quản vận hành thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành được phê duyệt, trong đó quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các đơn vị có liên quan.

H1

Thượng Kon Tum là một trong những thủy điện lớn của tỉnh Kon Tum đảm bảo nghiêm ngặt về quy trình vận hành, đảm bảo an toàn vùng hạ du. Ảnh: Tuấn Anh.

Công trình thủy điện Đăk Psi 5 (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà do Công ty Cổ phần Đứa Thành Gia Lai làm chủ đầu tư) là điểm cuối cùng bậc thang của các nhà máy thủy điện trên dòng sông Đăk Psi. Thủy điện Đăk Psi 5 với công suất lắp đặt 10MW có nhiệm vụ cung cấp điện vào hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hằng năm 40,23 triệu kWh. Phía thượng lưu của công trình là các hồ chứa nhà máy Thủy điện Đăk Psi (bậc 1 và 2). Các hồ chứa của thủy điện trên có nhiệm vụ phối hợp cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du.

Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, Thủy điện Đăk Psi 5 cũng đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ.

Theo đó, Thủy điện đã xây dựng nhiều tình huống giả định có thể xảy ra như bão lũ gây mất an toàn đập, mất an toàn cụm công trình đầu mối, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý.

Đặc biệt, qua tính toán mực nước ngập vùng hạ du ứng với nhiều cấp lưu lượng xả qua tràn xả lũ và tham khảo bảng phân cấp báo động lũ của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Thủy điện Đăk Psi 5 đã đưa ra quy ước các cấp báo động lũ ở khu vực công trình để có phương án ứng phó.

Chẳng hạn, với cấp độ III, bão lũ đặc biệt lớn ứng với mực nước qua ngưỡng tràn 6,59m, ngoài việc duy trì những công việc như: Tổ chức trực 24/24h trong ngày, vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, triển khai quan trắc toàn bộ tuyến đập..., Thủy điện Đăk Psi 5 sẽ huy động lực lượng còn lại của Công ty, lực lượng ứng cứu của địa phương bổ sung thêm lực lượng cho các tổ công tác tăng cường chế độ quan trắc, theo dõi mực nước lòng hồ và báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đăk Hà 3 lần/ngày. Ngoài ra, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phối hợp với chính quyền địa phương; sử dụng điện thoại, máy fax, email để báo cáo tình hình sự cố công trình tới các đơn vị.

z3935467034776_b5129fbb681280e4966feda976180e05

Đập tràn Thủy điện Đắk Psi 5 khá thấp, nước lũ về bao nhiêu qua tràn bấy nhiêu. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 cho biết, Thủy điện Đăk Psi 5 được thiết kế theo kiểu đập tràn tự do nên khi bão lũ đổ về, đơn vị sẽ thực hiện mở cống xả cát để đón mực nước lũ về.

“Để đảm bảo cho vùng hạ du, trước khi lũ về, chúng tôi cũng đã thông báo cho chính quyền địa phương nắm được để thông tin, tuyên truyền cho người dân để kịp thời ứng phó”, ông Minh cho biết.

Theo dõi, giám sát từng giờ khi có mưa bão

Đối với các thủy điện lớn như Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3…, ngoài việc tuân thủ theo quy trình vận hành đơn hồ chứa được phê duyệt, phải thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong công tác vận hành, các thủy điện lớn với dung tích hồ chứa lớn có chức năng điều tiết lũ cho vùng thượng lưu, hạn chế lũ cho vùng hạ du theo quy trình đơn hồ chứa, liên hồ chứa được phê duyệt.

Tại Thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông), Bộ Công thương cũng đã phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo tuyệt đối trong mùa mưa lũ.

Theo đó, Thủy điện Thượng Kon Tum phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, chủ động phòng mọi bất trắc, không để mực nước hồ Thượng Kon Tum vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra 1161,98m với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm.

Ngoài ra, Thủy điện Thượng Kon Tum cùng với các hồ chứa Plei Krông, Ia Ly, Sê San 4 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4A. Không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 năm.

Bên cạnh đó, thủy điện này cũng góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du, không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Campuchia.

z3925495383673_566bcb87471594830bb9c3326a5724ab

Thủy điện Thượng Kon Tum cũng góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Công Đàm, Giám đốc Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) cho biết, Công ty vận hành hồ chứa với các vấn đề mực nước hồ mùa lũ, mùa cạn phải tuân thủ nghiêm quy trình liên hồ chứa trên sông Sê San và quy trình vận hành hồ Thượng Kon Tum do Bộ Công thương phê duyệt. Thực hiện các chế độ quan trắc theo đúng Nghị định 114 và các quy định cũng như chỉ đạo khác của trung ương với địa phương.

“Công ty đã ban hành quy trình ứng phó thiên tai để khi xảy ra sự cố, cán bộ nhân viên Công ty sẽ chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó mà không chờ chỉ đạo từ cấp trên dẫn đến chậm trễ”, ông Đàm chia sẻ.

Ông Lê Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, tất cả các thủy điện trên địa bàn đều có phương án ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, đối với các thủy điện có hồ chứa và dung tích lớn mới điều tiết được lũ, đảm bảo cho vùng hạ du. Theo quy trình vận hành, cũng như tính chất của công trình thủy điện mà các đơn vị sẽ thực hiện xả lũ theo đúng quy trình và chủ động thông báo cho các địa phương, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn.

“Chẳng hạn như cơn bão Noru năm 2022, các thủy điện trên địa bàn đã vận hành theo đúng quy trình, đồng thời phối hợp với địa phương chủ động theo dõi từng giờ, từng ngày để kịp thời ứng phó nên vùng hạ du được đảm bảo an toàn”, ông Quang thông tin.

Trước mùa mưa bão, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, hệ thống lưới điện.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện liên hồ trên lưu vực sông Sê San về công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành đơn hồ chứa được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra.

Tăng cường giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường giám sát việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.