Phạt 200 triệu đồng vì không tuân thủ quy trình vận hành
Theo Chi cục Thủy lợi Phú Yên, toàn tỉnh hiện 56 hồ chứa, trong đó 5 hồ thủy điện gồm Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng, La Hiêng 2, Đá Đen và 51 hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh có dung tích nhỏ, cả 51 hồ thủy lợi (tính cả hồ Mỹ Lâm đang trong giai đoạn hoàn thiện) dung tích toàn bộ chỉ khoảng 120 triệu m3.
Thời gian qua, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở Phú Yên đã góp phần quan trọng cho địa phương. Chẳng hạn, vào mùa khô, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã phát huy được vai trò cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của vùng hạ du, đảm bảo an ninh nguồn nước. Trong đó việc điều tiết của các hồ thủy điện trên sông Ba đóng góp rất lớn cho việc cung cấp nước sinh hoạt và đảm bảo sản xuất khoảng 15.000ha/vụ lúa.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được, trong tổng số 51 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 hồ điều tiết bằng các tràn có cửa van, còn 47 hồ còn lại là tràn xả lũ tự do không có khả năng điều tiết. Dung tích 4 hồ có điều tiết cũng không lớn, nên gần như vào mùa lũ các hồ sẽ xả tràn bằng lưu lượng nước về.
Đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hiện nay trên toàn lưu vực sông Ba có khoảng 280 công trình, với tổng dung tích khoảng 1,6 tỷ m3. Thế nhưng trong số đó chỉ có 6 công trình có dung tích phòng lũ cho hạ du sông Ba như các hồ thủy lợi Ayun Hạ, Ia M’Lá và các hồ thủy điện như Sông Hinh, Krông H’Năng, Sông Ba Hạ, An Khê - KaNak.
Tổng dung tích đón lũ tương ứng với mực nước đón lũ thấp nhất của 6 hồ chứa trên theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 537 triệu m3/s, chỉ bằng khoảng 20 - 25% so với tổng lượng lũ 7 ngày tương ứng với tần suất lũ 10%.
Ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Yên, Chánh văn phòng Ban Chi huy Phòng chống thiên tai (PCTT) - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh cho biết, thực tế hiện nay, dung tích các thủy lợi, hồ thủy điện lưu vực sông Ba không có khả năng cắt lũ, mà chỉ có khả năng giảm lũ, do vậy việc ảnh hưởng ngập lụt ở vùng hạ du không thể tránh khỏi.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, trong năm 2022, qua theo dõi giám sát, hầu hết các hồ đã tuân thủ tốt Quy trình vận hành liên hồ theo Quyết định 878 ngày 18/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các yêu cầu khác của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh.
Tuy nhiên, riêng hồ chứa thủy điện Sông Hinh không thực hiện nghiêm quy trình trên và các lệnh vận hành của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban PCTT - TKCN của tỉnh trước, trong và sau cơn bão số 5. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt 200 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (địa chỉ số 21 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, Bình Định) vì vi phạm vận hành hồ thủy điện.
Giám sát chặt các hồ chứa thủy lợi, thủy điện
Theo ông Phạm Chí Toàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho hạ du, ngay từ đầu năm 2022, địa phương đã chủ động lên kế hoạch để điều tiết nước các hồ chứa hợp lý, cũng như đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho cả năm. Bên cạnh đó, cũng ngay từ đầu năm, các kế hoạch, chỉ thị về ứng phó, phòng chống thiên tai cũng được cấp thẩm quyền ban hành nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa, lũ; cũng như tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch, phương án được các cấp, các ngành phê duyệt và chủ động kiểm tra, rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, các phương án (mưa lớn, lũ, ngập lụt, bão; sạt lở đất, sạt lở bờ sông, biển; chú trọng phương án sơ tán dân…) một cách chi tiết, cụ thể cho từng vùng, từng loại hình thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, thực hiện với phương châm “phòng hơn chống”.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện, xả lũ khẩn cấp; củng cố kiện toàn nhân lực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”; tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó với thiên tai (bão, lũ lụt..).
Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa, trước mùa mưa bão đã tổ chức kiểm tra rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập; phương án ứng phó với tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập; xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du đập; chủ động tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống thiết bị, các hạng mục công trình đầu mối; kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống (loa phát tín hiệu) cảnh báo lũ từ xa; kiểm tra camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định.
Cũng theo ông Phạm Chí Toàn, ngoài nhận bản tin thông báo theo Quy trình liên hồ (3 giờ/lần), các chủ hồ đã chủ động thường xuyên liên lạc qua điện thoại để nắm bắt tình hình mưa lũ trên lưu vực, tình hình xả tràn các hồ, dự kiến xả trong thời gian tới 6 - 24 giờ. Ngoài ra, các chủ hồ (sông Ba Hạ, Sông Hinh) phối hợp chặt chẽ để tránh xả nước qua tràn trùng pha, nhằm giảm lưu lượng nước về hạ du. Đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định để bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt, kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Rút kinh nghiệm từ trận lũ cuối tháng 11/2021, trong tháng 9/2022, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Phú Yên đã chủ động đăng ký làm việc với cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Gia Lai về công tác phối hợp vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Theo đó, hai bên đã ký quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba. Cụ thể, hai tỉnh sẽ phối hợp trong quá trình chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai, lũ lụt gây ra; cũng như bảo đảm thực hiện đúng quy trình theo Quyết định 878 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Theo ông Phạm Chí Toàn, để nâng cao hiệu quả công tác vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện và quản lý an toàn đập thủy điện trong mùa mưa, thời gian đến, các chủ hồ chứa trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cập nhật kịp thời các bản tin dự báo, tính toán mực mước hồ, lưu lượng nước về hồ để vận hành hợp lý.