| Hotline: 0983.970.780

Syngenta Việt Nam:

Cam kết đồng hành nâng bước phụ nữ nông thôn Việt

Thứ Năm 19/10/2023 , 10:48 (GMT+7)

Ngày 17-18/10, Công ty Syngenta Việt Nam tổ chức chương trình 'Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt', trên 150 nữ nông dân sản xuất giỏi vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tham gia.

Áp lực “kép” của phụ nữ nông thôn

Thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2022, số lượng lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến 47,4%, riêng trong tổ chức HTX chiếm đến 80%. Con số này cho thấy, phụ nữ đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Lực lượng này không chỉ tham gia vào hoạt động canh tác mà còn đảm nhận nhiều khâu quan trọng trong chuỗi giá trị từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm.

Hội thảo 'Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt', được tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn (15/10) và Phụ nữ Việt Nam (20/10), nhằm ghi nhận những đóng góp của 'một nửa thế giới' trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Hội thảo “Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt”, được tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn (15/10) và Phụ nữ Việt Nam (20/10), nhằm ghi nhận những đóng góp của “một nửa thế giới” trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Tuy là lực lượng lao động chính trên đồng ruộng, nhưng theo báo cáo vào năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ không đảm nhiệm nhiều vị trí ra quyết định so với nam giới.

Hơn nữa, lao động nữ ở nông thôn cũng ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trong canh tác. Dẫn đến đối tượng này dễ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất.

Báo cáo của ILO chỉ ra, đa số nông dân nữ dành trung bình 20,2 giờ/tuần để làm việc nhà, chăm sóc con cái, gia đình. Quỹ thời gian này cao gấp đôi so với nam giới (khoảng 10,7 giờ/tuần).

Trong khuôn khổ chương trình “Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt”, chuyên gia và các nữ nông dân đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kiến thức về: Sản xuất nông nghiệp thời đại mới, cách làm hay, mô hình hiệu quả cũng như giải pháp dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe phù hợp. Việc trang bị kiến thức này, tạo không gian để phụ nữ học hỏi kinh nghiệm, chủ động đưa ra quyết định trong quá trình sản xuất, xây dựng sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, chương trình là cơ hội để ghi nhận những cống hiến, phát huy tiềm năng to lớn của phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khuyến khích chị em ứng dụng công nghệ mới vào canh tác, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nông sản.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam bày tỏ, thực tế trên đang tạo ra bất lợi và thử thách đối với phụ nữ. Nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp phát triển hiện đại, đòi hỏi phải áp dụng nhiều kiến thức, công nghệ canh tác mới vào sản xuất.

Áp lực từ vai trò “kép” này khiến phụ nữ khu vực nông thôn có ít thời gian nghỉ ngơi hay giao lưu kinh nghiệm để nâng cao đời sống tinh thần.

Phụ nữ đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, đảm nhận nhiều khâu quan trọng trong chuỗi giá trị. Ảnh: Kim Anh.

Phụ nữ đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, đảm nhận nhiều khâu quan trọng trong chuỗi giá trị. Ảnh: Kim Anh.

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ chỉ ra một số thách thức phụ nữ nông thôn đang đối mặt. Xuất phát từ tâm lý ưu tiên chăm lo gia đình khiến thời gian tham gia phát triển kinh tế không nhiều. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ chưa đủ tự tin và quên đi vấn đề chăm sóc bản thân.

Bà Thư khẳng định, thời gian qua Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nâng tầm phụ nữ Việt, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường được triển khai, chú trọng đến đối tượng yếu thế này.

Kinh nghiệm thực tế từ các dự án quốc tế liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn ở mức độ nông hộ, PGS.TS Lê Việt Dũng, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng phụ nữ nên thay đổi vai trò thành nhà quản lý kinh tế của gia đình. Bởi xu hướng nông nghiệp hiện nay, cơ giới hóa ở mức cao, phụ nữ ngoài tham gia sản xuất, cần tự tin tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ. Đó là môi trường kết nối, tiếp nhận thông tin hiệu quả từ các chuyên gia phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Truyền cảm hứng cho phụ nữ nông thôn

Thông qua sáng kiến tổ chức hội thảo “Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt”, Syngenta Việt Nam đã truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng học hỏi, hướng đến làm nông nghiệp công nghệ cao để cải thiện đời sống và thu nhập trong phụ nữ nông thôn.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam ghi nhận những cống hiến, đóng góp của phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam ghi nhận những cống hiến, đóng góp của phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Cũng theo ông Trần Thanh Vũ, đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Việt Nam và sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo. Ông Vũ hy vọng thông qua các chương trình, mỗi chị em sẽ nhìn thấy tiềm năng bản thân, cùng với gia đình đưa ra những quyết định quan trọng trong canh tác.

Là doanh nghiệp gắn liền với ngành nông nghiệp, Syngenta Việt Nam sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ “nâng bước” phụ nữ vùng nông thôn.

“Chúng tôi hỗ trợ tôn vinh nét đẹp lao động nữ nông dân Việt Nam, giúp họ nâng cao tiếng nói trong sản xuất nông nghiệp. Syngenta tin rằng khi người phụ nữ nông thôn vững vàng trên con đường tự chủ kinh tế và hạnh phúc gia đình, họ có thể đem lại những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp”, ông Vũ thể hiện cam kết đồng hành của doanh nghiệp cùng với phụ nữ nông thôn.

Nhiều chị em tham gia chương trình thích thú và mong muốn được học hỏi nhiều hơn bí quyết thành công từ câu chuyện của chị Trần Thị Vân Anh, nữ nông dân trẻ đến từ tỉnh Lâm Đồng.

Chị Vân Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng khoai tây. Thời gian đầu, vùng trồng chủ yếu tập trung tại địa phương, từ năm 2021 chị bắt đầu mở rộng ở Gia Lai và đến nay diện tích canh tác đã lên đến khoảng 50ha.

Xuất thân từ gia đình có truyền thông làm nghề nông, bản thân chị Vân Anh chủ động trau dồi kiến thức bằng cách tham gia thường xuyên các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp tốt hơn.

Trên bước đường thành công đó cũng trải qua rất nhiều lần thất bại do không lựa chọn đúng loại cây trồng phù hợp để phát triển. Đặc biệt, là phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp, khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với nữ nông dân này là sắp xếp quỹ thời gian cân đối giữa gia đình và công việc. Nhờ sự tự tin, chị Vân Anh đã truyền cảm hứng cho các chị em chấp nhận vượt qua khó khăn, đảm bảo quán xuyến tốt song song cả hai công việc.

Chuyên gia cùng chia sẻ những kiến thức nông nghiệp, sức khỏe, câu chuyện phụ nữ thành công trong nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia cùng chia sẻ những kiến thức nông nghiệp, sức khỏe, câu chuyện phụ nữ thành công trong nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, chị em còn được tham gia hoạt động trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp mới của công ty tại Trung tâm Phát triển và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Syngenta tại tỉnh Vĩnh Long.

Nhân viên kỹ thuật Syngenta Việt Nam hướng dẫn các nữ nông dân về công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Syngenta Việt Nam.

Nhân viên kỹ thuật Syngenta Việt Nam hướng dẫn các nữ nông dân về công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Syngenta Việt Nam.

Trong suốt hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, ngoài cung cấp các giải pháp, sản phẩm tốt hữu ích cho bà con nông dân, Syngenta luôn đồng hành cùng với cộng đồng nông thôn. Cụ thể, thông qua chương trình Mái ấm Syngenta, được doanh nghiệp thực hiện hơn 10 năm, đã trao tặng trên 100 căn nhà cho nông dân cả nước. Hay chương trình Áo ấm cho em, Môi trường sạch cuộc sống xanh… Tất cả các chương trình đều hướng đến khẳng định trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp.

Syngenta Việt Nam cũng chú trọng nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc cộng đồng đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Nhằm mục tiêu giúp bà con có cơ hội tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Thời gian tới, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch cho việc phát triển các ứng dụng, tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến về thời tiết, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả… Qua đó, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ, giúp bà con nông dân tích lũy kiến thức nông nghiệp, để quản lý mùa vụ tốt hơn.

Công ty Syngenta Việt Nam trực thuộc là Tập đoàn Syngenta, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm ngành nông dược và hạt giống.

Mục tiêu của Syngenta là cải thiện sự bền vững, nâng cao chất lượng và an toàn cho các sản phẩm nông sản. Thời gian qua, công nghệ của Syngenta đã giúp hàng triệu nông dân sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu.

Hiện, Syngenta có trên 59.000 nhân viên, đang làm việc tại hơn 100 quốc gia trên trên thế giới. Thông qua sự hợp tác với các đối tác trong chuỗi nông nghiệp và chương trình phát triển bền vững, Syngenta cam kết đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo vì nông dân và môi trường tự nhiên, nỗ lực với mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.