Việc đẩy mạnh ứng dụng và vận hành thiết bị bay không người lái (drone) vào hoạt động canh tác là nhiệm vụ cực kỳ cần thiết, giúp nông nghiệp Việt Nam có thể theo kịp các tiến bộ kỹ thuật hiệu quả của thế giới.
Những thách thức hiện hữu
Mặc dù nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam, nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc thiếu hụt lao động do quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Nghiên cứu xu thế người lao động nông thôn di cư về đô thị của Liên hợp quốc năm 2022 cho thấy, dân số đô thị ở Việt Nam chiếm 44% và sẽ tăng lên hơn 50% trong vòng 5 - 10 năm tới. Như vậy, các phương thức canh tác thủ công truyền thống, đòi hỏi nhiều sức người trên đồng ruộng chắc chắn sẽ gặp phải trở ngại ngày càng lớn.
Ngoài ra, giá thành sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đối với một số cây trồng chủ lực như ngô, lúa, đỗ tương đều cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực và các nước phát triển. Sự chênh lệch này bắt nguồn từ khả năng áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, và kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp.
Chưa hết, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của tài nguyên thiên nhiên, áp lực dịch hại tăng cao cũng như các quan ngại về sức khỏe và an toàn của bà con khi làm nông thì việc ứng dụng công nghệ mới vào hệ sinh thái nông nghiệp càng mang tới nhiều tiềm năng phát triển đáng chú ý. Nổi bật trong số đó phải kể đến sáng kiến sử dụng thiết bị bay không người lái để giải quyết một số khó khăn trong canh tác nông nghiệp.
Xu hướng sử dụng thiết bị bay không người lái đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc (số liệu cho thấy năm 2021, số lượng thiết bị bay không người lái sử dụng trong nông nghiệp nước này là 160.000 với tổng diện tích ước tính gần 87 triệu ha). Việc sử dụng thiết bị bay không người lái cũng nhận được sự quan tâm lớn của các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân Việt Nam.
Đầu năm nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã công bố tiêu chuẩn đầu tiên về khảo nghiệm trên đồng ruộng đối với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng chống sinh vật gây hại cây trồng sử dụng thiết bị bay không người lái.
Hiệu quả vượt trội
Kết quả của nhiều mô hình khảo nghiệm phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ này trong nông nghiệp là rất lớn. Thiết bị bay không người lái được lập trình theo lộ trình bay định sẵn với tốc độ bay ổn định nên mức độ chính xác khi phun thuốc BVTV đến từng centimet, từ đó có thể tránh được các vấn đề như phải phun chồng, phun lặp đi lặp lại, hay bỏ sót cây trồng.
Mặt khác, bà con nông dân thường phải phun thuốc nhiều lần trong suốt chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, tốn nhiều chi phí đầu tư cho nhân công và thực tế việc tìm đủ nhân công là bài toán đau đầu của nhiều hộ nông dân. Trong khi đó, sử dụng thiết bị bay không người lái cho hiệu quả tương đương với nhiều nhân công phun thuốc cùng một lúc, giúp tăng năng suất lao động từ 15 - 30 lần và rút ngắn thời gian phun thuốc trên một đơn vị diện tích.
Ở khía cạnh an toàn, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái cũng giúp bà con nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc, giảm mức độ tiếp xúc với thuốc BVTV, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe người làm nông. Ngoài ra, lượng nước sử dụng cho thiết bị bay không người lái thường chỉ bằng từ 5 - 10% lượng nước phun theo phương pháp truyền thống, giúp tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.
Nắm bắt kỹ thuật vận hành thiết bị bay không người lái
Dù có nhiều lợi thế, nhưng việc ứng dụng và vận hành thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV hiện nay vẫn còn hạn chế do chưa có hướng dẫn cụ thể về sử dụng thiết bị bay an toàn, hiệu quả khi phun thuốc BVTV.
Nông dân, phi công lái thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp vẫn còn lúng túng do chưa nắm được thông tin, cũng như cách vận hành thiết bị bay không người lái một cách chính xác và đáp ứng tiêu chuẩn trong canh tác nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã tổ chức sự kiện “Tiên phong công nghệ - Đồng hành cùng thiết bị bay không người lái” nhằm tập huấn cho các phi công cách điều khiển thiết bị bay không người lái trong canh tác nông nghiệp.
Đội ngũ kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm từ Syngenta đã hướng dẫn các phi công điều khiển và hiểu rõ quy trình vận hành thiết bị bay không người lái chuẩn xác, để lực lượng này có thể tiếp cận được công nghệ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái theo các tiêu chí an toàn, hiệu quả và đúng cách.
Anh Nguyễn Vũ Lâm ở ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) hồ hởi sau buổi tập huấn: “Nông nghiệp Việt Nam thời đại 4.0 này cần áp dụng những phương pháp canh tác hiệu quả mới. Phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái hay phi công lái thiết bị bay không người lái như chúng tôi là một ví dụ.
Syngenta Việt Nam không chỉ đi đầu, mà tôi thấy họ còn đang cố gắng tạo tiền đề và đem những tiến bộ khoa học trên thế giới áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam, không chỉ giúp bà con nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu, mà còn tạo công ăn việc làm mới như nghề phi công lái thiết bị bay không người lái của tôi và anh em ở đây”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Quản trị bền vững (Công ty TNHH Syngenta Việt Nam) cho biết: “Sử dụng thiết bị bay không người lái đang là xu hướng hỗ trợ canh tác được bà con quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng thông qua các buổi tập huấn như thế này, sẽ mang đến các thông tin thiết thực, kịp thời và đầy đủ để ngành nông nghiệp tự tin tiếp cận công nghệ mới, hiệu quả hơn, từ đó hướng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và bền vững”.