| Hotline: 0983.970.780

Cần '3 tại chỗ': Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ

Thứ Ba 17/08/2021 , 22:23 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các tỉnh, thành phố trong một vùng cần chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ để thích ứng được với khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu cao tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm để nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu cao tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm để nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Thông tin phải thông suốt

Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Phát biểu khai mạc, người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở NN-PTNT các tỉnh tập trung thảo luận về những khó khăn và giải pháp để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo các đơn vị nêu rõ các vấn đề liên quan đến thu hoạch, vận chuyển, tình hình thương lái, hoạt động của các lò sấy, nhà máy trong bối cảnh ĐBSCL đang rốt ráo thu hoạch vụ hè thu và gieo sạ vụ thu đông.

Theo Bộ Công thương, giá lúa tươi tại ĐBSCL những ngày này có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp. Các giống IR50404, OM9582 và OM6976 tăng 100 đồng/kg, nếp Long An tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng kg; các giống lúa khác ổn định như tuần trước là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật và giống OM5451 tăng 200 - 300 đồng/kg.

Hiện diện tích lúa hè thu còn lại chưa thu là 690 nghìn ha đang ở giai đoạn đòng trổ và chín. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ước cả vụ đạt 1,510 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Lúa thu đông đã gieo sạ được 400 nghìn trong tổng số 700 nghìn ha kế hoạch đề ra, đạt 57%.

Hoạt động sản xuất thủy sản ở 13 tỉnh ĐBSCL cơ bản vẫn đang duy trì, tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Trên quan điểm, thị trường vận động không ngừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét, điều tiết giá cả là một vấn đề phức tạp. Ông cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị không nên lấy câu chuyện về một sản phẩm, một địa phương riêng rẽ để khái quát cho cả một vùng sản xuất nông nghiệp bởi "có thể gây hiệu ứng ngược" và "không nhìn được bức tranh tổng thể".

"Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo và chủ trương không ngăn sông cấm chợ, nhưng vẫn còn ùn ứ chỗ nọ kia. Ngành nông nghiệp cũng vậy. Chúng ta cần chia sẻ trách nhiệm với các địa phương, bởi để hoàn thành nhiệm vụ kép cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Lý giải chuyện này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, vấn đề nằm ở tính thông suốt thông tin. Từ góc nhìn của ngành nông nghiệp, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ được tổng hợp, phân rõ ra từ ngành cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thú y, chế biến...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong khi các tỉnh khó có điều kiện nắm bắt thông tin về đường lối, chủ trương của cả vùng. Một nguyên nhân nữa, là các địa phương giờ tập trung cho ưu tiên số một là phòng, chống Covid-19. 

"Dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng gợi mở những hướng đi, cách làm mới. Làm thế nào để doanh nghiệp không cần tới thực địa vẫn có thể kết nối được với địa phương, với hợp tác xã (HTX)? Không phải chờ tới dịch, chúng ta mới đề ra những phương án như "3 tại chỗ", mà cần phải 3 tại chỗ ngay bây giờ: Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ. Muốn làm được, hơn lúc nào hết, chúng ta cần thông tin thông suốt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói tiếp.

Dám nghĩ, dám làm

"Thỉnh thoảng tôi được hỏi, là tại sao quả vải Bắc Giang, quả nhãn Hưng Yên bán được giá mà xoài, nhãn trong ĐBSCL lại không được như vậy. Tôi mới hỏi ngược, là nông sản của các bác đã có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hay được cấp mã số vùng trồng, tham dự hội nghị xúc tiến nào chưa?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề về việc nâng cao giá trị cho nông sản ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng, rất khó để tìm được một quy định phủ khắp và phù hợp với tất cả các tỉnh ĐBSCL. Do đó, bản thân mỗi địa phương cần phải "kể một câu chuyện", và "tự quảng cáo" cho nông sản trên địa bàn.

Ông tin, làm được như vậy, các tỉnh ĐBSCL sẽ tránh được vấn đề mù mờ về thông tin, dữ lệu cho người tiêu dùng, đồng thời tạo được niềm tin cho người mua.

Do đặc điểm địa lý, các tỉnh ĐBSCL có mối quan hệ khăng khít chặt chẽ. Một thương lái ở Cần Thơ thu mua lúa ở Đồng Tháp, Kiên Giang là chuyện bình thường. Dựa trên đặc tính ấy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở việc quản lý thương lái, coi họ như một đối tác của ngành nông nghiệp.

"Trong bối cảnh hiện tại, Sở NN-PTNT các tỉnh cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Báo cáo của toàn ngành đã chỉ ra, rằng nông sản chúng ta đủ đáp ứng nhu cầu nội tiêu. Vì thế, yêu cầu lúc này không còn là nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu nữa mà phải đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân, cần xây dựng người dân là trung tâm của nền sản xuất. Kinh tế nông nghiệp yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi chúng ta phải tính toán chi li, từng cái một", Bộ trưởng tâm sự.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua, là giá phân bón. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nguyên nhân chính là bởi chi phí đầu vào tăng cao. Về tình hình sản xuất và nhập khẩu, ông Trung khẳng định, các nhà máy phân bón đều minh bạch về giá cả, và báo cáo đầy đủ với Cục.

Ông Trung nói thêm, rằng một số loại hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc hiện gặp vấn đề về rệp sáp, ruồi đục quả. Ông đề nghị địa phương quản lý chặt từ quy trình chọn giống, sản xuất, nhằm tránh rơi vào nguy cơ bị dừng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng thông tin, rằng giá nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản đang có xu hướng tăng lên. 

Theo ông Tùng, vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là thanh long, chuối đang khó tiêu thụ và xuất khẩu. Giá chanh cũng trên đà trượt giá. Giá lợn hơi đang ở quanh mức 55.000 đồng/kg, giá gia cầm các loại đã giảm 15 - 20% so với trước khi có dịch xảy ra.

Với tư cách thành viên Tổ công tác 970, ông Tùng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thích ứng với dịch Covid-19 trong dài hạn, tương tự như cách ứng biến với biến đổi khí hậu. Một trong số đó, là các biện pháp giảm giá thành sản xuất lúa, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới.

Thống nhất liên vùng

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh đã thu hoạch khoảng 80% diện tích lúa hè thu. Diện tích còn lại sẽ sớm thu hoạch dứt điểm, sản lượng ước khoảng 250.000 tấn lúa cần tiêu thụ. Vụ thu đông xuống giống 160.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn. 

Ông Lâm đề nghị, việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL cần phải làm liên tỉnh, liên vùng và phải thống nhất phương án lưu thông chung, tránh trường hợp tỉnh này cho nhưng qua tỉnh khác lại vướng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, Nguyễn Văn Dũng nói, tỉnh đã thu hoạch 176.000 trong số 281.000 ha lúa hè thu. Lúa thu đông đã xuống giống dứt điểm 88.000ha. Từ nay đến cuối tháng 9, sản lượng lúa thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn, cân đối cung cầu nội tỉnh, còn 1,1 triệu tấn cần tiêu thụ. Kiên Giang đã có các Tổ dịch vụ thu hoạch lúa cho dân nên không gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ chia sẻ, thành phố tập trung rất nhiều doanh nghiệp có nhà máy, kho thu mua lúa gạo. Trong đó có 45 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, hiện trữ hơn 436.300 tấn lúa, 360.000 tấn gạo và có 52 cơ sở nhà máy xay xát lúa với tổng công suất 860 tấn/giờ. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 26 doanh nghiệp sản xuất.

 Tỉnh An Giang đã thu hoạch khoảng 80% diện tích lúa hè thu. Ảnh: LHV.

 Tỉnh An Giang đã thu hoạch khoảng 80% diện tích lúa hè thu. Ảnh: LHV.

Để tạo điều kiện giúp nông dân và doanh nghiệp các địa phương thu hoạch lúa và  tổ chức thu mua, lưu thông lúa gạo, Sở NN-PTNT Cần Thơ kiến nghị mở “luồng xanh” đường thủy, cho ghe thương lái đủ điều kiện đảm bảo 5K, có giấy xét nghiệm dịch bệnh Covid-19 đi về các địa phươn

g. Các địa phương cũng thiết lập “đường dây nóng” để kịp thời tháo gỡ ách tắc kịp thời cho phương tiện vận chuyển đi qua các chốt kiểm dịch.

Tại Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ có trên 80% đã thả giống, tăng hơn 10% diện tích so cùng kỳ. Hiện đã thu hoạch được 90.000 tấn tôm, đạt khoảng 50% kế hoạch. Song, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp đặt nhà máy thu mua chế biến, nguồn lực đảm bảo nên tiêu thụ tôm không để tồn đọng.

Hiện Sóc Trăng tổ chức phân vùng giãn cách xã hội, phân loại ở mức bình thường mới (vùng xanh), mức nguy cơ (vùng vàng), mức nguy cơ cao (vùng cam) và mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

Đẩy nhanh thí điểm sàn kết nối nông sản

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu, vào miền Nam đến nay đã được một tháng. Trong thời gian này, Tổ đã kết nối được 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm. Trong đó, rau củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối.

Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).

Đến ngày 16/8, có 1166 đầu mối cung cấp thông tin nông sản qua Tổ 970. Đồ họa: Minh Hải.

Đến ngày 16/8, có 1166 đầu mối cung cấp thông tin nông sản qua Tổ 970. Đồ họa: Minh Hải.

Trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web.

Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).

Việc đăng tin các đầu mối mua và bán hàng ngày trên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều người mua hàng nhỏ ở các chợ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, người mua dễ dàng có được thông tin về sản phẩm cần mua, số điện thoại của người bán và có danh của nhiều đầu mối bán nên việc kinh doanh nhỏ của các tiểu thương tại thành phố thuận lợi hơn qua thông tin đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, Tổ công tác đã ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP.HCM, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị.

Mỗi ngày, Tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi), các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…).

Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến chiều 17/8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn các thành viên trong Tổ, các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan tại phía Nam đã giúp đỡ Tổ hoàn thành nhiệm vụ. "Chúng ta đã hoạch định và thu được những thành tích khích lệ, chẳng hạn chủ động sử dụng máy gặt đập tại nhiều tỉnh để thu hoạch lúa hè thu", ông cho biết.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ đầu tháng 9/2021, các vùng xanh ở miền Nam sẽ được nhân rộng. Ông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN-PTNT và các Sở liên quan nên duy trì liên lạc để thông suốt về quá trình vận chuyển. Ông mong muốn, địa phương sẽ tạo cơ chế cho doanh nghiệp, thương lái vào thu mua dứt điểm lúa hè thu.

Trăn trở còn lại với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, là giá tôm, cá tra thấp, nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm. Bên cạnh đó, vẫn còn 123 trong tổng số 449 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam dừng sản xuất.

“Đây là một chiến dịch lớn, dài ngày, nhưng đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là về liên kết sản xuất. Nhìn tổng thể, đây sẽ là giải pháp lâu dài cho sản xuất nông nghiệp, khi chúng ta hình thành, mở rộng được các chuỗi giá trị. Chúng tôi chưa bằng lòng với kết quả đạt được, và cam kết tiếp tục phát huy thành quả hiện tại.

Trước mắt, Tổ công tác 970 sẽ thí điểm mô hình sàn kết nối nông sản ở các tỉnh phía Nam, đảm bảo cả về sản xuất lẫn tiêu thụ ngay trong tháng 9 tới. Chúng tôi mong, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Nam quan tâm và cử thành viên tham dự, tiến tới giảm giá thành, chi phí sản xuất cho bà con nông dân", Thứ trưởng bày tỏ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Triệt phá các đường dây nhập lậu, giết mổ lợn nhiễm bệnh dịp cận Tết

Tây Ninh Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường liên tiếp triệt phá các đường dây vận chuyển lợn qua biên giới, giết mổ lợn có dấu hiệu mắc dịch tả lợn châu Phi.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).