| Hotline: 0983.970.780

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia để 'giải cứu' các dòng sông chết

Thứ Hai 06/11/2023 , 19:33 (GMT+7)

Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhằm xử lý vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Cầu.

Bắc Hưng Hải mỗi ngày phải tiếp nhận 450.000 đến 500.000 m3 nước thải

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ của Quốc hội vào chiều 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu vấn đề: “Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên giám sát của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn”.

Đại biểu Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết chính sách nào Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu nhóm giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu nhóm giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng và ngày 1/10/1958 được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi công. Đây là hệ thống thủy lợi cấp nước và phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và chất vấn của các đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành kiểm tra vấn đề ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải. Qua đó thấy rằng, từ một hệ thống thủy nông, Bắc Hưng Hải đang gánh thêm một nhiệm vụ nữa là nơi “gánh” xả thải cho một phần của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo số liệu quan trắc, hệ thống Bắc Hưng Hải mỗi ngày phải tiếp nhận 450.000 đến 500.000 m3 nước thải của các địa phương, trong đó khu vực cống Xuân Thụy phải tiếp nhận nguồn nước thải của hai quận Long Biên và Gia Lâm (Hà Nội) khoảng 260.000m3/ngày.

Nguồn nước thải bao gồm một số loại, thứ nhất là từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Loại thứ hai là từ các khu đô thị và khu dân cư. Hiện nay hầu hết khu đô thị và khu dân cư tại các địa phương chưa có hệ thống xử lý chất thải, và nước sinh hoạt hòa vào nước mưa xả thải ra Bắc Hưng Hải.

Vừa qua, Hà Nội cũng đang cố gắng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng các công trình chưa xây dựng xong. Toàn bộ 2 quận Long Biên và Gia Lâm vẫn xả thẳng ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục có các giải pháp triệt để thích hợp, cả ngắn hạn và dài hạn để xử lý ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải.

“Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công an tập trung rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định”, ông Khánh nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tục quan trắc nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, đồng thời làm việc với các địa phương để sử dụng các nguồn lực, cố gắng xử lý nước thải của đô thị và nông thôn trước khi xả vào hệ thống này. Và hiện nay một số địa phương, nhất là Hưng Yên đã có giải pháp đến các xã và các đơn vị dân cư để thu gom và xử lý nước thải nông thôn.

Cần một chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý ô nhiễm môi trường

Cũng theo ông Khánh, để đảm bảo nguồn nước thải của đô thị và nông thôn trước khi xả ra môi trường được xử lý thì phải có hệ thống thu gom, chúng ta phải mất rất nhiều nguồn lực, chưa kể khi xây dựng nhà máy xử lý nước thải thì phải vận hành nhà máy nữa.

“Với hệ thống Bắc Hưng Hải, chúng tôi đã có đề xuất và làm việc với các địa phương để cố gắng có giải pháp. Nhưng vấn đề ô nhiễm của Bắc Hưng Hải cũng giống như sông Cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền cần phải có một chương trình mục mục tiêu quốc gia để xử lý các dòng sông chết và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải và nước thải nói chung”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

Nước sông cầu Bây chảy vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) gây ô nhiễm, nước có màu đen, sủi bọt trắng. Ảnh: Minh Phúc.

Nước sông cầu Bây chảy vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) gây ô nhiễm, nước có màu đen, sủi bọt trắng. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ hai, cần có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi các doanh nghiệp quản lý, xử lý nước thải và rác thải; gắn với đó là cơ chế chính sách để những cá nhân, tổ chức, đơn vị xả thải ra môi trường phải đóng góp vào việc xử lý nước thải.

Thứ ba là tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động từ nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo chúng ta kiểm soát được lượng chất thải.

Thứ tư là tăng cường công tác quan trắc, đặc biệt là hệ thống Bắc Hưng Hải cũng như hệ thống sông Cầu. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cương đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc cùng với các Sở Tài nguyên và Môi trường, kết nối dữ liệu quan trắc về Bộ và các địa phương để chúng ta kiểm soát, kịp thời phát hiện, kiểm tra, giám sát việc xả thải.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần phải có quy hoạch để di chuyển làng nghề truyền thống đến các khu tập trung để thu gom, xử lý rác thải từ làng nghề. Có như vậy chúng ta mới xử lý được dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề này cần phải có cả ngân sách của Trung ương và địa phương để thực hiện, các tỉnh cũng phải phối hợp với nhau.

Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi, chúng ta đã có tổ chức để quản lý lưu vực sông. Các tổ chức này sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành để xử lý môt cách đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, hiện nay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Cụ thể, mực nước thiết kế tại cụm công trình đầu mối cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là 1,85m, tuy nhiên, có những thời điểm cần tưới, mực nước tại đây chỉ đạt 1m, vậy là thiếu hụt quá lớn.

Do không được cấp nguồn nước, dòng chảy trong hệ thống sông không được duy trì, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là thời điểm tháng 2, tháng 3 hàng năm.

Vấn đề nữa hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng đang phải đối mặt, đó là tình trạng vi phạm công trình thủy lợi diễn ra rất phức tạp, khó xử lý. Trong đó có những vụ việc do lịch sử để lại, bà con xây dựng công trình trước thời điểm Pháp lệnh Khai thác bảo vệ công trình thủy lợi được ban hành, dẫn đến khó xử lý, tồn đọng.

Xem thêm
Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.