| Hotline: 0983.970.780

Cạn dòng Mekong: Bài 4 - Những làng chài khô lưới bên sông Tiền

Thứ Năm 08/08/2019 , 09:08 (GMT+7)

Theo ngư dân làm nghề chài lưới thì mỗi năm bà con làm ăn được chỉ nhờ vào con lũ mùa nước nổi. Nhưng năm nay lũ không về, chài lưới cũng không ăn thua.

Nhớ con nước lớn, nước ròng

Ấp Hòa Long (xã Mỹ An, Mang Thít, Vĩnh Long) có trên chục hộ làm nghề giăng câu, thả lưới. Ông Tạ Thanh Lộc (56 tuổi), một ngư dân làm nghề bủa câu trên 20 năm nói: “Mọi năm, hễ ăn mùng năm tháng năm xong là nước bắt đầu đổ mạnh, đỏ ngầu từ miệt trên tràn về. Năm nay đến tháng 6 âm lịch nước mới bắt đầu đục thôi chứ chưa đỏ”.

13-13-17_1_cuoi_thng_6_m_lich_mot_so_ruong_s_som_doi_dien_nguy_co_thieu_nuoc
Cuối tháng 6 (âm lịch) một số ruộng sạ sớm đối diện nguy cơ thiếu nước.

Đứng chỉ tay về phía con sông trước mặt, ông Lộc bảo: “Chú xem, nước ngoài sông vẫn còn trong lắm. Bà con mình gọi mùa này là mùa nước đổ, vì nước lớn nước ròng gì thì con nước cũng chỉ chảy một hướng ra biển. Còn bây giờ nước đổ ít thì nước lớn vẫn chảy lên, nước ròng vẫn chảy xuống như mấy tháng kia”.

Là hàng xóm của ông Lộc, ông Phạm Văn Hùng, góp thêm chuyện: “Mọi năm nước đỏ lắm chứ, phải lóng phèn dữ lắm mới xài được. Nay nước hơi đục thì mình quơ quơ vài vòng là nước trong rồi”.

Bà con làm nghề cào lưới thì những tháng nước nổi là mùa làm ăn lớn. Vừa vá lưới vừa tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Trải chia sẻ: “Lũ về là có nhiều cá lạ lắm. Năm nay, chưa thấy con gì lạ. Nước chưa đổ mạnh. Năm nào cũng đợi lũ nhưng năm nay chắc có đợi cũng như không”.

Đối diện làng chài Hòa Long là cồn Phú Đa. Bà con trên cồn ngoài làm vườn thì còn kiếm thêm thu nhập từ đánh bắt cá, tôm, như đăng lưới, giăng câu, đặt lọp, đặt lờ... Trên sông là sở đáy (đóng đáy) của 12 hộ dân ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre). Làm sở đáy, mùa lũ coi như là mùa đánh bắt chính.

13-13-17_2_nguoi_dn_ven_song_x_ho_nghi_huyen_cho_lch_ben_tre_noi_nuoc_song_nm_ny_thp_nht
Người dân ven sông xã Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách (Bến Tre) nói nước sông năm nay thấp nhất.

Ông Chung Năm, một ngư dân đã trên 70 tuổi, làm sở đáy đã mấy mươi năm qua. Đối với ông được sống với lũ là một niềm vui, vắng lũ là nhớ da diết. Ông Năm nhớ lại những thập niên cuối của thế kỷ trước, khi mùa lũ về, mỗi con nước một miệng đáy có thể kéo lên cả mấy tấn cá linh, cá lòng tong, cá ngát, cá sửu, tôm, tép và nhiều đặc sản khác… Nhờ làm đáy mà ông có của ăn của để, nuôi nấng mấy người con.

Ông Năm có hai người con trai cùng làm nghề đáy với ông. Năm nay, dù tuổi thất thập nhưng mỗi ngày ông đều cùng với những người con của mình đi trải đáy, bắt cá. Nhưng thông tin lại thêm một năm nữa lũ không về, lòng ông buồn rười rượi. Nỗi buồn mang tên “mất lũ”.

Buồn cũng phải. Vì ngày trước cứ tới hẹn là lũ tràn về, đồng ruộng ngập mênh mông nước, có nơi cho cá, tôm sinh sản, trưởng thành. Mùa lũ về dân làm đáy cứ phải tính hàng tấn cá. Thế nhưng, thời điểm này vẫn chưa thấy nước đổ, cá, tôm cũng chẳng có cơ hội xuôi dòng đổ về. Vì vậy, bữa nào trúng lắm thì dỡ năm ba miệng đáy mới được 70-80 kg cá cá tạp. Còn bữa thất thì 6-7 kg.

Anh Chung Hoàng Mai (con ông Năm) nói thêm: “Như năm rồi, tháng 4 trở đi là mỗi nước trải (đợt thả lưới) chừng vài trăm ký. Tháng 6, tháng 7 (âm lịch) nước đổ mạnh cá về nhiều, trúng lắm. Bữa trúng có khi kiếm được cả chục triệu. Bạn hàng lấy xe tải về cân cá. Năm nay, nước đổ yếu, cá ít lắm. Có bữa ít quá tôi không trải luôn”.

13-13-17_3_nhung_chiec_ghe_cu_nguoi_dn_lm_nghe_co_luoi_o_lng_chi_p_ho_long_my_n_mng_thit_vinh_long
Những chiếc ghe của người dân làm nghề cào lưới ở làng chài ấp Hòa Long (Mỹ An, Mang Thít, Vĩnh Long).

Hàng triệu bà con ngư dân miền Tây đang đau đáu trông ngóng nước lũ tràn về. Nhưng qua thông tin, họ biết chắc rằng con lũ năm nay lại một lần lỡ hẹn. Xế chiều, trên những chiếc xuồng nhỏ, mấy người đàn ông, nước da ngăm ngăm, ngồi lai rai, tán dóc rồi tự bảo nhau: “Ráng đợi tháng 7 này xem sao”.

Theo các bậc cao niên thì thường đầu tháng 7 (âm lịch) sẽ có mưa rất nhiều, nước sông dâng rất cao. Nhưng năm nay đến thời điểm này, nước sông Mekong đang ở mức thấp, phù sa rất ít.

Dọc theo tuyến sông Cổ Chiên, nhờ nguồn nước ngọt phong phú, bãi bồi lớn nên nghề nuôi cá tra rất phát triển. Qua đoạn ấp Bình An, xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách (Bến Tre), có rất nhiều ao nuôi cá tra. Bà con nuôi cá thường lấy nước trực tiếp trên sông vào ao nuôi.

13-13-17_4_lng_chi_kho_luoi
Làng chài khô lưới.
Tại hội nghị toàn thể của Ủy ban sông Mekong Việt Nam lần thứ nhất năm 2019, tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Dự báo khoảng từ năm 2025-2030, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn khoảng 7%. Bên cạnh đó tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, xâm nhập mặn, thiếu nước rất ngày càng phức tạp. Đến nay, mới có 13/19 tỉnh có xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, 6 tỉnh còn lại cần khẩn trương hoàn thiện phương án.

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua chúng tôi ghé thăm trang trại nuôi cá tra trên 6,7 ha của anh Trần Tuấn Khanh. “Tôi thường hay canh nước để xả vào ao nuôi cá. Năm nay, thấy nước thấp hơn năm rồi nhiều lắm. Xả mãi vẫn chưa đầy ao. Đã cuối tháng 6 rồi nhưng khoảng chừng 10 ngày nay mới thấy nước sông hơi ngả màu đục phù sa. Nước ít tôi phải bơm thêm mới đầy ao”, anh Khanh cho biết.
 

“Rốn” đồng bằng thiếu nước, ít phù sa

Ông Hà Thành Thặng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long nhận định: “Năm nay lượng mưa trong tỉnh hầu hết các nơi đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, có nơi hụt khoảng 40 - 84%. Nơi hụt nhiều nhất là xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long) và nơi hụt ít nhất là huyện Vũng Liêm”.

Tại Vĩnh Long, năm nay mực nước thấp hơn nhiều so với năm rồi. Những ngày cuối tháng 7, một số cánh đồng sạ sớm lượng nước tuy không dồi dào nhưng về cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho cày xới, gieo sạ. Tại cống Cái Hóp, mực nước cao nhất đo được trong cống là 0,8m (20/7), thấp nhất là 0,6m (23/7). Hiện trạng cống đang mở.

Ông Hà Thành Thặng cho biết: “Vĩnh Long được xem như cái rốn của ĐBSCL. Dù mực nước năm nay thấp nhưng tình hình chung cả tỉnh thì vẫn đủ phục vụ cho sản xuất vụ Thu Đông và sinh hoạt.”

Còn tại Trà Vinh, những ngày nước kém, nắng nóng, ít mưa mặn xâm nhập sâu trong nội đồng gây thiệt hại đầu vụ và lịch gieo sạ của tỉnh trễ hơn cùng kỳ ít nhất 10 ngày.

Ông Lê Quang Răng, Quyền Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Trà Vinh nói: “Những ngày gần cuối tháng có nắng nóng, mặn xâm nhập. Tuy nhiên nhờ một số cơn mưa cuối tháng nên độ mặn giảm. Tuy nhiên, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV xây dựng lịch thời vụ xuống giống. Kết hợp với công ty công trình thủy lợi tỉnh để vận hành các cống đập, điều tiết vẫn đủ nước tưới cho vụ thu đông này”.

13-13-17_5_nuoc_song_mekong_dng_o_muc_thp_phu_s_rt_it
Nước sông Mekong đang ở mức thấp, phù sa rất ít.

Theo nhận định trước đó của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực Nam Bộ, từ tháng 6 đến tháng 7, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.

Không chủ động được nước tưới, thiệt hại đầu vụ 836 ha

Theo ông Huỳnh Kíp Nổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, trong tháng 7 tỉnh này xuống giống được 1.082 ha lúa HT nâng tổng diện tích xuống giống đạt 75.493ha, thấp hơn cùng kỳ 331 ha. Các giai đoạn sinh trưởng: Đẻ nhánh 11.921ha, chín 11.618ha, đòng trổ là 47.316ha, thu hoạch được 3.871ha.

Tuy nhiên, đã xảy ra thiệt hại đầu vụ với diện tích là 836ha tại các xã Mỹ Hòa, Mỹ Long Nam, Thạnh Hòa Sơn, Vĩnh Kim của huyện Cầu Ngang. Do không chủ động được nguồn nước tưới, nông dân sử dụng phương pháp sạ khô không qua ngâm ủ, lượng mưa ít phân bổ không đều, lúa không nảy mầm. Trong đó thiệt hại trên 70% là 731ha.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.