| Hotline: 0983.970.780

Cận Tết, bánh tráng hút hàng

Thứ Ba 25/01/2022 , 15:42 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng Chạp nắng lên rực rỡ, đây là điều kiện thuận lợi để nghề tráng bánh ở Bình Định dốc lực sản xuất nhằm cung ứng cho người tiêu dùng ăn Tết.

Theo ông Hồ Tấn Minh (SN 1951) ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định), người chuyên cung cấp bột mì tươi cho những hộ tráng bánh bằng máy ở xã Nhơn Phúc, sau mùa mưa lũ kéo dài, suốt cả tháng Chạp bầu trời Bình Định nắng lên rực rỡ, những lò tráng bánh ở địa phương này “chạy đua” với nắng để sản xuất bánh cung ứng cho người tiêu dùng ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại nhiều làng nghề bánh tráng ở Bình Định đàn ông cũng biết tráng bánh. Ảnh: V.Đ.T.

Tại nhiều làng nghề bánh tráng ở Bình Định đàn ông cũng biết tráng bánh. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm gần đây, hầu hết những lò tráng bánh theo phương thức thủ công ở xã Nhơn Phúc đã được thay thế bằng những dây chuyền hiện đại. Từ công đoạn xay bột đến tráng bánh đều bằng máy nên tiết kiệm được sức lao động mà sản phẩm cho ra được nhiều hơn.

Hiện cả xã Nhơn Phúc có khoảng 100 lò tráng bánh bằng máy, trong đó, tại 2 thôn Mỹ Thạnh và An Thái đã có đến 60-70 lò. Đầu tư cho 1 lò bánh bằng máy khoảng 100 triệu đồng; trong đó, chi phí mua 1.000 tấm vỉ phơi bánh hết 50 triệu đồng (50.000đ/vỉ) và giàn máy tráng bánh 50 triệu nữa. Nhờ đó lượng bánh tráng cung ứng ra thị trường tăng lên rất cao.

Năm 2021 là năm hầu hết các nghề sản xuất phải đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19, duy chỉ có những làng nghề bún bánh ở xã Nhơn Phúc là luôn hút hàng. Bởi, trong giai đoạn các địa phương thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch thì người dân cần dự trữ trong nhà nhiều lương thực để không phải đi chợ mỗi ngày, trong đó có bánh tráng là 1 trong những loại lương thực được người dân lựa chọn.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Bình Định vào tháng 4/2021, những tháng sau đó, số lượng bánh tráng dự trữ tại các đại lý loáng cái đã bán hết vèo. Tiếp đến mùa mưa kéo dài, các lò tráng bánh không thể hoạt động nên bánh tráng trở nên hút hàng.

Những lò tráng bánh bằng thủ công ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) dần dà được thay thế bằng máy để tăng năng lực sản xuất. Ảnh: V.Đ.T.

Những lò tráng bánh bằng thủ công ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) dần dà được thay thế bằng máy để tăng năng lực sản xuất. Ảnh: V.Đ.T.

Nắng lên, khoảng 100 lò tránh bánh bằng máy ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) đồng loạt sản xuất để có đủ lượng hàng cung cấp cho người tiêu dùng.Theo ông Hồ Tấn Minh, từ sáng sớm các lò tráng bánh bằng máy đã khởi động, đến khoảng 7 giờ sáng là mỗi lò đã hoàn tất việc phủ đầy 1.000 vỉ bánh.

Nắng vừa hé lên là nhân công mang những vỉ bánh ra phơi ở bờ ngự thủy ven sông, hoặc phơi trên những thửa đất thổ cư chưa được cất nhà. Trong trời nắng chỉ khoảng nửa tiếng là bánh khô, đến 8 giờ sáng là các chủ lò bánh lột lượt bánh thứ nhất, đến 10 giờ trưa là tiếp tục tráng lượt thứ 2. Nếu trời không có nắng mà không mưa thì bánh tráng phơi gió cũng khô, nhưng cần thời gian dài hơn.

“Mỗi lò tráng bánh bằng máy mỗi ngày ít nhất sản xuất 2 lượt bánh, với 1.000 tấm vỉ phơi, mỗi lượt sản xuất được 6 cây bánh, mỗi cây là 200 ràng bánh. Vị chi mỗi ngày 1 lò tráng bánh bằng máy cung ứng cho thị trường 12 cây bánh với 400 ràng bánh”, ông Hồ Tấn Minh cho hay.

Nhân công các lò tráng bánh bằng máy lột bánh tráng khô để tiếp tục tráng lượt thứ 2. Ảnh: V.Đ.T

Nhân công các lò tráng bánh bằng máy lột bánh tráng khô để tiếp tục tráng lượt thứ 2. Ảnh: V.Đ.T

Ông Nguyễn Văn Lương, chủ 1 lò tráng bánh bằng máy ở thôn An Thái (xã Nhơn Phúc), cho biết cứ 100kg gạo pha với 100kg bột mì (sắn) để tráng bánh. Mỗi ngày 1 lò tráng bánh bằng máy tráng 2 lượt, mỗi lượt 1.000 vỉ phải sử dụng đến 300kg gạo và 300kg bột. Bột mì tươi được đưa về từ An Khê (Gia Lai), giá bán đến tận nhà là 7.700đ/kg, gạo 8.000đ/kg. Thời gian gần đây những lò tráng bánh bằng máy ở xã Nhơn Phúc thường sử dụng bột mì khô mua từ Tây Ninh và Quảng Ngãi. Sử dụng bột mì khô để tráng bánh vừa đỡ tốn công và tốn tiền điện.

“Bột mì khô đổ vào bột gạo rồi dùng mô tơ khuấy đều rất nhanh, còn bột mì tươi đóng cục, trước khi đổ vào bột gạo phải được đập nhỏ ra, sau đó cho vào bột gạo dùng mô tơ khuấy lên cho đều rồi mới tráng. Khuấy bột tươi mất nhiều thời gian hơn khuấy bột khô nên tốn điện nhiều hơn, đó là chưa kể tốn công đập nhỏ những cục bột mì trước khi khuấy chung với bột gạo”, ông Lương chia sẻ.

Tất cả những khoảng đất trống được các lò tráng bánh tận dụng để phơi bánh. Ảnh: V.Đ.T

Tất cả những khoảng đất trống được các lò tráng bánh tận dụng để phơi bánh. Ảnh: V.Đ.T

Tại thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), nơi có hơn 200 hộ làm bánh tráng thủ công, trong những ngày cuối tháng Chạp cả thôn nhộn nhịp như đang có hội, người rộn ràng pha bột, người thoăn thoắt tráng bánh, phơi bánh. Khắp mọi chỗ trống trong sân, ngoài vườn, mái hiên đều được tận dụng để phơi những vỉ bánh tráng.

Anh Bùi Hiếu Dũng (48 tuổi), chủ cơ sở sản xuất bánh tráng bàng máy Dũng Hà, ở thôn Trường Cửu, chia sẻ: “Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của thị xã, gia đình tôi mua máy tráng bánh tự động được 1 năm nay. Nhờ đó, công suất sản xuất bánh tăng lên thấy rõ, phải thuê thêm 5-10 người làm mới kịp.

Tôi mạnh dạn mua máy tráng bánh vì để hỗ trợ cho làng nghề tráng bánh, xã Nhơn Lộc đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng sân phơi bánh tráng, có cái sân này thì những lò tráng bánh bằng máy mới đủ chỗ phơi. Ngày thường gia đình tôi làm khoảng 100kg gạo, nhưng vào tháng Chạp lượng gạo tăng lên 200kg, có ngày còn tráng nhiều hơn nữa bởi lượng tiêu thụ bánh tráng trong dịp Tết rất cao”.

Đường đi giữa những đám ruộng ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng được tận dụng để phơi bánh. Ảnh: V.Đ.T.

Đường đi giữa những đám ruộng ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng được tận dụng để phơi bánh. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện giá 1 cây bánh nặng 50kg có 50 ràng bánh (mỗi ràng 40 cái bánh), dùng để nhúng ăn bán cho người tiêu dùng có giá 1.250.000đ. Còn bánh tráng cuốn chả được sản xuất ở xã Nhơn Phúc mỗi cây 100 ràng (mỗi ràng 20 cái bánh) được nhà lò bán 900.000đ/cây, còn bánh nhúng ăn có giá 950.000đ/cây”, chị Nguyễn Thị Lạc, thương lái chuyên thu mua bánh tráng ở thị xã An Nhơn cung ứng cho người tiêu dùng ở thành phố Quy Nhơn cho biết.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).